Tất cả các bà mẹ đều mong muốn đem lại nguồn dinh dưỡng tốt nhất khi nuôi con. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những người chăm sóc bé phải hiểu được nhu cầu dinh dưỡng của bé dựa trên số tuổi, nhất là giai đoạn ăn dặm của trẻ sơ sinh.
Tầm quan trọng trong việc hiểu rõ được chế độ ăn uống của bé sơ sinh càng được nhấn mạnh khi một sự việc bi thảm đã xảy ra cách đây ít lâu ở Indonesia.
|
Bé trai 10 ngày tuổi thiệt mạng vì ăn cháo chuối. (Ảnh: Lia's Facebook). |
Ở Indonesia, một em bé 10 ngày tuổi đã thiệt mạng sau khi bà nội cho bé ăn cháo chuối. Câu chuyện được chia sẻ lại bởi Lia Imelda Siregar - một nhân viên y tế của khoa cấp cứu - người đã điều trị cho em bé xấu số.
Lia Imelda Siregar chia sẻ trong một bài đăng trên Facebook chi tiết về việc em bé sơ sinh chết sau khi được bà nội cho ăn thức ăn đặc. Bà của bé đã không có kiến thức về việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Câu chuyện là một bài học đắt giá cho mọi người.
Bài đăng trên Facebook đã đạt được hơn 5000 lượt quan tâm và chia sẻ trên 20.000 lượt. Nhiều cư dân mạng đã chia buồn cùng gia đình trước cái chết thương tâm của bé. Nhiều người cũng nhận xét rằng bé sơ sinh chỉ cần được bú mẹ và không bao giờ được cho ăn thức ăn đặc.
Đáng buồn là vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ và những người chăm sóc khác với vốn hiểu biết ít ỏi vẫn cho bé sơ sinh ăn dặm quá sớm. Trong số những bình luận trên bài viết của Lia, có những bà mẹ còn chia sẻ hình ảnh con cái mình đang tăng cân vì được cho ăn dặm vào lúc hai tuần tuổi.
Những bà mẹ thừa nhận rằng họ đã làm điều này vì những người lớn tuổi trong gia đình cũng đã từng làm. Tuy nhiên, việc cho trẻ sơ sinh ăn dặm quá sớm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé, thậm chí gây tử vong như trong trường hợp cậu bé này.
|
Mũi và miệng của em bé đáng thương đều bị chảy máu. (Ảnh: Lia's Facebook). |
Bà nội của cậu bé kể lại trong nước mắt: "Thằng bé cứ khóc hoài, vì vậy tôi xay gạo với chuối. Tôi nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì cả. Tôi vẫn cho các con mình trước đây ăn như vậy và chúng vẫn rất khỏe mạnh. Nhưng thằng bé đã ói ra máu… Tôi thực sự rất hối tiếc về những gì đã làm. Mặc dù tôi đã được cảnh báo về việc này nhưng tôi đã không nghe. Cháu tôi sinh ra được 1,8 kg nhưng sau 10 ngày chỉ còn 1,3kg…”.
Mặc dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng bé trai sơ sinh đã tử vong 1 giờ sau đó. Tình trạng của cậu bé khi nhập viện vô cùng tồi tệ. Máu chảy ra từ mũi, miệng và hậu môn của bé. Ruột của bé sơ sinh quá mong manh nên đã bị tổn thương bởi thức ăn đặc.
Không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn dặm
Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn, tối đa 6 tháng bởi sữa mẹ sẽ đáp ứng đủ dinh dưỡng cho bé trong khoảng thời gian này. Nếu mẹ không có sữa hoặc không thể cho con bú thì chỉ có một loại thức ăn khác phù hợp với trẻ sơ sinh là sữa công thức.
Ngoài ra, nếu trẻ dùng sữa mẹ thì tuyệt đối không cho uống thêm nước và dù bé bú sữa mẹ hay sữa công thức thì cũng không cần ăn dặm cho đến khi đủ 6 tháng tuổi.
|
Chỉ nên cho trẻ ăn thức ăn đặt khi qua 6 tháng tuổi. (Ảnh minh họa) |
Có những lý do quan trọng khiến mẹ phải đợi cho đến khi con được 6 tháng tuổi mới giới thiệu thức ăn đặc:
- Thực phẩm rắn khó nuốt và tiêu hóa: Hệ thống tiêu hóa của bé chưa phát triển đầy đủ. Do đó, bé không thể tiêu hóa được các thực phẩm rắn một cách hiệu quả.
- Thực phẩm rắn không bổ dưỡng như sữa mẹ: Thực phẩm rắn có ít chất dinh dưỡng mà trẻ sơ sinh cần để phát triển khỏe mạnh.
- Cho bé ăn dặm quá sớm có thể dẫn tới một số vấn đề sức khỏe như chàm, dị ứng. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa ăn dặm sớm và các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh celiac khi bé lớn lên.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Paediatrics vào năm 2013, nhiều bà mẹ cho con ăn dặm quá sớm mà không biết được những rủi ro tiềm tàng. Trong số 1300 bà mẹ đã tham gia nghiên cứu, 40% cho con ăn dặm khi con chưa đủ 6 tháng tuổi. Một nửa trong số đó được cho ăn dặm vào lúc 4 tháng tuổi. Thậm chí một nửa trong số đó còn được cho ăn thức ăn đặc khi bé mới được 1 tháng tuổi.
Không phải lúc nào trẻ khóc cũng là vì đói
Các bà mẹ cho trẻ sơ sinh ăn dặm vì cảm thấy bé đã đủ lớn để tiêu hóa thức ăn, cần bổ sung các chất dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ, hoặc sữa công thức. Một lí do khác là khi bé khóc mẹ tưởng bé đói nên cần cho ăn.
Sự thật là bé không khóc vì đói. Tất cả trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thường khóc vì đó là cách duy nhất để giao tiếp với người lớn để được đáp ứng nhu cầu. Điều này có nghĩa không phải lúc nào bé khóc cũng là vì đói. Các nguyên nhân khiến bé khóc có thể bao gồm tã bé bị ướt, tiếng ồn lớn, bé lạnh hoặc muốn được bế.
|
Khi con khóc, hãy kiểm tra nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe. (Ảnh minh họa). |
Nếu bé dưới 6 tháng tuổi liên tục khóc bất kể bé đang bú sữa mẹ, mẹ nên hỏi bác sĩ Nhi khoa.
Ngoài ra, người lớn không nên cho bé thức ăn rắn chỉ vì nghĩ bé đang đói. Những người chăm sóc bé (đặc biệt người lớn tuổi) cần được giáo dục kiến thức về chế độ dinh dưỡng của bé sơ sinh.
Sự thiếu hiểu biết trong việc nuôi dưỡng trẻ có thể dẫn đến nguy hiểm chết người.