Tôi là người chồng trong câu chuyện "Đi xuất khẩu lao động, chồng cặp bồ và chẳng muốn về bên vợ". Sau khi đọc được câu chuyện vợ viết trên báo, tôi quyết định nói sự thật, để vợ và hai bên gia đình hiểu cho nỗi khổ chất chứa bấy lâu trong lòng, để các con tôi không còn nhìn tôi với con mắt thù địch. Tôi không đáng mặt đàn ông khi đã để vợ chờ đợi ở quê hương suốt 5 năm trời. Nhưng chẳng còn cách nào khác, ông trời đã đặt tôi ở ngã ba đường, để tôi lâm vào tình huống khó khăn nhất trong cuộc đời, giữa hai người phụ nữ yêu thương tôi tha thiết.
|
Tôi đứng giữa ngã ba đường, không biết đi về hướng nào. |
Sau khi sang đến trời Tây, lạ nước lạ cái tôi bắt đầu vào làm công nhân đứng điều khiển máy ở nước Nga xa xôi. Rất may thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối làm cho nỗi nhớ quê hương và vợ con nguôi ngoai đi phần nào. Tối về, tranh thủ ăn cơm rồi gọi điện cho người vợ yêu dấu ở quê. Tôi thương em lắm vì hôm nào cũng lọ mọ dậy ban đêm để được nhìn thấy mặt chồng.
Thấm thoắt làm ở đây đã được 5 tháng, tiền lương phải tiết kiệm hết mức, tính hết chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ này cũng chẳng còn được là bao. Tính ra, tôi chỉ gửi được những đồng tiền ít ỏi về cho vợ, chẳng bõ bèn công cán đi nước ngoài làm ăn như mọi người từng nói.
Đang lúc chán nản vì không gửi được nhiều tiền thì định mệnh thế nào trong một buổi đi câu cá ở vùng Astrakhan, tôi ngồi cạnh người phụ nữ ấy. Qua những câu chuyện vụn vặt về công việc và quê nhà, cô ấy đã ngỏ lời muốn giúp tôi kinh doanh bên ngoài. Nghĩ bụng, ở cái xứ này, anh em đi XKLĐ rất nhiều nhưng chẳng ai trụ lại công ty được lâu, huống chi đồng lương công nhân bèo bọt chỉ bằng 1/10 làm ngoài nên tôi đồng ý. Từ đó, tôi bắt đầu theo chân nhóm của cô ấy để buôn bán quần áo ở một khu chợ của cộng đồng người Việt. Sợ vợ ở quê lo lắng, tôi không hề nói chuyện mình đã ra làm ngoài.
Lại nói về cô ấy - Yến, người mà giờ đây tôi đang dành rất nhiều tình cảm. Cô ấy cũng là người Việt Trì, nhưng sang đây du học và đã ở đây khá lâu. Yến chẳng còn người thân nào và quyết định lập nghiệp ở xứ Bạch Dương này. Cô đã từng có một đời chồng nhưng mắc bệnh vô sinh vì thế chẳng người đàn ông nào chịu ở lại bên cạnh. Thế là, cô cứ sống cuộc sống độc thân, tự lập tất cả trong mọi việc.
Lúc đầu, chúng tôi cũng chỉ là bạn bè buôn bán rất bình thường, qua một năm trời tôi bắt đầu cảm phục nghị lực của người phụ nữ ấy. Yến không phải là một người phụ nữ bình thường, cô ấy có nghị lực phi thường của đàn ông. Trong tiết trời lạnh rét căm căm, ngày nào cũng vậy, cô ấy dậy từ 2-3 giờ sáng để bốc hàng, dỡ hàng. Có những hôm, công an rượt đuổi đằng sau nhưng cô vẫn luôn đốc thúc chúng tôi chạy trốn để một mình lo liệu với đống hàng. Tôi một thằng đàn ông không phải quá công tử nhưng cũng chẳng chịu đựng được gian khó chưa bao giờ gặp một người phụ nữ như vậy. Cho đến một hôm, ngày lạnh kỷ lục trong mấy chục năm qua ở nước Nga (2012), thời tiết xuống âm 40 độ, không thể chịu đựng được cái lạnh tôi đã ngã quỵ dưới tuyết.
Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong giường bệnh, bóng dáng quen thuộc trong phòng. Yến là người đã đưa tôi vào bệnh viện, tôi mất sức và thiếu máu quá nhiều cộng với khí hậu không quen khiến cơ thể suy sụp và chẳng ai khác mà chính cô ấy đã hiến máu cho tôi. Ở đất nước xa xôi, tìm được tình người ấm áp đã khó, đằng này có một người đứng ra lo tiền bạc, thuốc thang và cứu cả mạng sống của mình nữa. Là đàn ông chẳng ai không mủi lòng. Từ ngưỡng mộ tôi nảy sinh tình cảm với Yến lúc nào không hay.
Sau đợt đó, cả hai chúng tôi đã có tình cảm với nhau, nhưng chẳng ai dám nói ra bởi ai cũng biết tôi đã có gia đình và quá đáng sợ mang tiếng chuyện cặp bồ. Chỉ đến đợt lạnh tiếp theo, cô ấy nhập viện thì tình cảm của hai bên mới bộc phát. Tôi biết một sự thật đau lòng, Yến bị bệnh ung thư buồng trứng và đó là nguyên nhân cô không thể làm mẹ được suốt đời. Cô giấu nhẹm bệnh tình, luôn đội tóc giả và tháng nào cũng phải đến bệnh viện chữa trị. Tôi càng cảm phục và thương người phụ nữ ấy hơn. Trong những ngày cô ấy nằm viện, tôi mới nhận định rõ tình cảm của mình. Ruột gan tôi đau xót khi chứng kiến cô ấy cố gắng chịu đựng cơn đau đến trào nước mắt. Tôi không thể đẩy cô ấy ra khỏi trái tim mình. Tôi nợ cô ấy rất nhiều, nợ tiền bạc, nợ mạng sống và cả nợ một trái tim.
Tôi cũng bị giày xéo tâm can khi nhớ đến người vợ đang đếm từng ngày để được đoàn tụ với chồng ở quê hương. Thế nhưng tôi không thể về quê hương được nữa. Tôi phải ở bên cạnh Yến, để bù đắp tất cả những gì cô ấy phải chịu đựng trong những năm cuối đời.
Chẳng dám trực tiếp nói chuyện với vợ và sau 1 tháng về thăm quê, tôi quyết định lại sang. Đắn đo mãi mới dám viết mail gửi cho vợ thú nhận tôi có người khác ở nước ngoài. Thậm chí, từ đó đến nay, tôi không dám gọi điện thoại, sợ sẽ phải nghe tiếng vợ đau lòng, sợ đối diện với cha mẹ của hai bên. Tôi sợ phải đối mặt với hai con nhỏ, sợ chúng nghĩ về tôi như một kẻ bội bạc, bồ bịch.Tôi chỉ biết viết lên đây những dòng này, để giải tỏa bớt nỗi niềm đã dấu kín trong lòng khá lâu.
"Anh xin lỗi vợ, người đã phải chịu đựng bao nhiêu khó khăn gian khổ khi phải lấy anh. Em chưa được một ngày nào sung sướng từ khi lấy chồng, đến khi cuộc sống dư giả thì anh lại đi biền biệt, đến ngày đoàn tụ thì anh lại là kẻ phản bội. Anh không cầu xin em tha thứ cho lỗi lầm của mình. Chỉ xin em quên đi người chồng bội bạc và sẽ tìm đến người khác thương yêu em gấp bội phần".
Người ta nói rằng, cuộc đời con người có kiếp trước. Tôi không biết kiếp trước tôi đã gây nghiệp chướng gì đến nỗi bây giờ phải trả nợ hai người phụ nữ. Một người đã hy sinh cả tuổi xuân để sinh cho tôi những đứa con xinh xắn. Một người cứu mạng sống của tôi, đem lại cho tôi cuộc sống ý nghĩa hơn ở xứ người.