24 tuổi tôi kết hôn. 2 năm sau tôi sinh liên tiếp hai em bé. Đó là khi con trai đầu vừa tròn 6 tháng tuổi thì tôi phát hiện mình mang bầu em bé thứ hai. Vui mừng vì có con, lo lắng vì bé đầu còn nhỏ quá, bất an vì bị người thân trách móc không biết giữ gìn, sợ hãi vì vừa sinh mổ vài tháng, trống rỗng vì đang có nhiều mâu thuẫn với chồng chưa giải quyết được mà lại có thai…
Rất nhiều cảm xúc hỗn độn không gọi được tên vào thời điểm đó đã ập đến với tôi. Lúc đó tôi chỉ còn 43kg gầy như xác ve, lộ rõ từng chiếc xương sườn, mắt thâm quầng, da dẻ tái sạm. Cảm giác mang bầu lần hai khác hoàn toàn với hạnh phúc mang bầu lần đầu. Tôi dường như bị trầm cảm, chỉ thiếu điều đi gặp bác sĩ để được kết luận điều đó mà thôi.
|
Rất nhiều cảm xúc hỗn độn không gọi được tên đã ập đến... Ảnh minh họa. |
Tôi bắt đầu tìm hiểu về trầm cảm thấy mình có những triệu chứng, càng tìm hiểu thì càng khó khi phải chấp nhận sự thật về một căn bệnh tâm thần đang lặng lẽ xâm chiếm bên trong cơ thể. Tôi đã tự trấn an là mình chỉ đang quá mệt mỏi, áp lực mà phóng đại các triệu chứng lên, nhiều phụ nữ khác còn cảm thấy tồi tệ hơn nữa. Nhưng lý trí của tôi vẫn bị xuyên thủng bởi những khoảnh khắc buồn bã và bất an đến không tưởng.
Con là tất cả những gì tôi có vào lúc đó, tôi yêu con nhưng luôn thấy tội lỗi về việc có thai liên tiếp khiến tôi trở thành một bà mẹ tồi vì không thể chăm sóc tốt cho cả hai bé. Mọi người xung quanh có người khuyên tôi bỏ thai ngay, nhưng tôi vẫn cố gồng mình lên để bảo vệ con mình trước mọi áp lực, tôi tuyên bố "không bao giờ phá thai", nhưng thật khó để đương đầu với những thực tế đó.
Lo lắng luôn là đồng hành với tôi, đặc biệt một số thời điểm trong ngày cơn lo lắng sẽ nổi dậy mãnh liệt. Tôi hay bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng mình là một bà mẹ không đủ tốt khi bế con, khi đang ăn, khi ở văn phòng và trong cả lúc soạn thảo một email công việc. Trên đường đi làm mỗi ngày với đứa con thứ 2 trong bụng tôi luôn tự tưởng tượng ra việc đứa con đầu đang ở nhà với ông bà, quần áo lôi thôi, đang bò dưới đất và gào khóc vì nhớ mẹ. Rồi tôi lại nghĩ về việc khi đẻ đứa thứ hai thì đứa đầu phải làm sao?
Ban đêm nhìn con lớn ngủ ngoan bên cạnh, não tôi cứ giật liên hồi rồi không thể ngủ được dù rất mệt mỏi. Tôi cảm thấy lúc nào mình cũng lo lắng, sợ hãi. Có khoảng thời gian đêm nào tôi cũng bật khóc. Đôi khi tôi cảm thấy giống như có vài người nữa đang sống chung trong thể xác của mình.
Nhớ một ngày thứ bảy chồng tôi và tôi đã dành cả buổi sáng cho gia đình - việc mà hiếm lắm vào lúc đó mới xảy ra. Chúng tôi đã ăn trưa và trò chuyện vui vẻ, nhưng chỉ vài giờ sau tôi cảm thấy tinh thần mình kiệt quệ đến mức không thể suy nghĩ và làm bất cứ việc gì. Tôi bị tê liệt giữa hai sự lựa chọn rất vớ vẩn là "giờ mình nên làm một bữa tối đơn giản, hay đi pha sữa cho bé lớn".
Đột nhiên từ đâu một ý nghĩ xuất hiện. Tôi nghĩ rằng cả gia đình mình sẽ tốt hơn nếu không có tôi, rằng tôi đang làm hại chính con của mình. Suy nghĩ ám ảnh cho đến đêm. May mắn cho tôi vào chính lúc tôi suýt bị đè bẹp bởi chính những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc hỗn loạn của mình, tôi chợt nhận thấy có cái gì ngọ nguậy trong bụng. "À, hình như đó là đứa con trai nhỏ". Cú đạp của nó nhắc nhở tôi rằng: "Mẹ, mẹ phải sống còn có con đây, con đang ở trong bụng của mẹ đây". Tôi như bừng tỉnh và bảo mình phải sống chứ, mình phải vui chứ, mình xứng đáng và con mình cũng xứng đáng mà.
Mãi sau này khi đã chiến thắng và dần dần làm chủ được suy nghĩ và cảm xúc của chình mình tôi mới hiểu có em bé là một trải nghiệm mang cả những mặt rất bình thường và những mặt cực kỳ sốc - đặc biệt khi có em bé liên tiếp thì những mặt sốc sẽ được nhân lên gấp đôi. Đó cũng là lúc tôi biết rằng tình yêu thương vô hạn và nỗi buồn sâu thẳm nhất có khả năng và thường sẽ đến cùng một lúc.
Sinh con gây ra những nỗi đau đớn, vượt ra khỏi những nỗi đau thể xác trong những giờ, hoặc những ngày vượt cạn. Vậy mà nhiều người phụ nữ vẫn bị bỏ lại một mình với những vết sẹo trên cơ thể và cả trong tinh thần của họ, cũng như những lo lắng và niềm vui đi kèm với thiên chức làm mẹ.
Các bà mẹ có lẽ cũng đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn như vậy trong cuộc đời. Điều quan trọng là mỗi lúc như vậy nếu không tự giúp mình thoát ra được những cảm xúc tiêu cực thì cũng sẽ khó có ai giúp được mình lúc đó. Và một trong những điều mình cần làm đầu tiên đó chính là làm chủ cảm xúc của mình với những suy nghĩ tích cực để mà sống.