Báo cáo tại Hội thảo khoa học thực phẩm ăn nhanh trong xã hội hiện đại với sức khỏe con người do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội có đề cập đến thông tin Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ mì tôm/mì ăn liền (5,2 tỷ gói mì/năm) và tung bình mỗi người dân sử dụng 55 gói mì tôm/1 năm.
Mì tôm không phải là thực phẩm xấu nhưng việc sử dụng sai cách sẽ không mang đến lợi ích cho sức khỏe.
Trung bình một gói mì thường cung cấp 350 calo, 6,9 g đạm, 13 g chất béo, 51,4 g tinh bột và 1 g chất xơ. Tuy nhiên, nhiều loại bì được chiên qua dầu ăn trước khi đóng gói nên chứa hàm lượng chất béo lớn, không có lợi cho cơ thể. Nó có thể gây ra béo phì, bệnh tinh mạch... nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài.
Ngoài ra, mì tôm chứa lượng chất xơ quá thấp (chỉ 1g) trong khi đó mức chất xơ cần thiết của phụ nữ là 25 g/ngày và 38 g/ngày với đàn ông.
Ăn mì tôm thường xuyên hoặc sử dụng thay thế cho bữa chính có thể gây ra thiếu hụt dinh dưỡng. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm đến cách chế biến và nên kết hợp mì tôm với các thực phẩm khác.
Chần mì trước khi ăn
Đầu tiên, chúng ta nên chần mi bằng nước sôi trước khi ăn. Việc này giúp loại bỏ lớp dầu chiên xung quanh sợi mì. Sau đó, phần nước chần mì sẽ được bỏ đi và thay thế bằng nước mới khi ăn.
Không sử dụng toàn bộ gói gia vị
Nhiều người cho rằng nhà sản xuất đã để gói gia vị trong gói mì thì nên sử dụng hết. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Lượng gia vị đó hoàn toàn có thể gia giảm theo khẩu vị. Bạn chỉ nên chỉ sử dụng 1/2-2/3 gói gia vị để tránh tình trạng quá mặn.
Kết hợp với các thực phẩm khác
Để đảm bảo dinh dưỡng, bạn nên ăn mì tôm cùng các loại rau xanh, thịt, cá, tôm, trứng... Sau khi ăn mì tôm, có thể bổ sung thêm các loại hoa quả để tăng cường dưỡng chất cho cơ thể.