Trong hôn nhân, vợ chồng nên đồng tâm hiệp lực. Có chuyện gì cả hai cũng nên bàn bạc rồi cùng cố gắng với nhau. Nói gì thì nói, đàn ông vẫn nên là trụ cột trong nhà, giúp đỡ vợ để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp.
Thế nhưng thực tế cuộc sống thì chẳng phải lúc nào cũng được như vậy. Mới đây, một cô vợ chán nản kể chuyện chồng mình như sau:
"Có ai lấy chồng xong cảm thấy thất vọng như mình không? Trước khi lấy thì anh đủ các kiểu hứa kiểu hẹn. Anh sẽ cố gắng, anh sẽ thế này, anh sẽ thế kia mà lấy chồng 3 năm rồi mình chả dám sinh con vì sợ sinh con không đủ điều kiện.
Chồng đi làm lương cứ quanh quẩn mức 7-9 triệu, công việc bấp bênh, trong khi mình đi làm lương mình 15-16 triệu, chưa kể thưởng quý, thưởng năm còn được cả 20 triệu.
Giờ mà mình bầu bí thì công việc sẽ không được như trước, lại còn có những tháng phải nghỉ sinh thì lấy tiền đâu ra.
Việc nhà thì phần lớn vẫn là mình làm, chồng cứ ngồi xem điện thoại xong sử dụng laptop, không biết xem cái gì.
Mình vẫn đi chợ, nấu cơm, rửa bát, chăm chồng để chồng có thời gian kiếm tiền vậy mà…
Bài viết được đăng tải.
Chồng nhà người ta biết đi làm kiếm được ít tiền thì ăn tiêu tiết kiệm đi tí, chồng mình đi làm ăn tiêu cả vào tiền lương của vợ, không tiết kiệm được đồng nào.
Rồi chồng còn tị nạnh là vợ đi làm lương cao, cứ mình nói đúng cái gì thì lại cái giọng điệu là: 'Ừ em thì lương cao rồi, em giỏi rồi, nói gì chẳng được'.
Không phải tự dưng mà anh lương thấp, đi làm thì đi làm muộn, về thì về sớm, xong công việc chồng cũng không cố gắng, kiểu mình thi thoảng thấy sếp gọi mắng.
Nói thật là có lẽ mình bị cái ám ảnh là cho chồng thời gian rảnh để tìm hiểu, để làm việc xong lại thấy chồng ngồi chơi điện thoại, lướt tiktok là mình thấy khó chịu. Mình nói thẳng:
'Em chăm lo cho anh, đi chợ nấu cơm rửa bát giặt quần áo cho anh mà giờ anh ngồi lướt facebook, xem tiktok à? Em tưởng anh làm việc hoặc tìm hiểu cái gì chứ?'.
Nói ra thì chồng lại nhắc đến chuyện giải trí. Mình bực bội hỏi:
'Giải trí gì mà nhiều thế, công việc chả đâu vào đâu mà cứ như vậy, bao giờ mới có tiền nuôi con. Bao giờ mới mua được nhà, cứ ở thuê mãi như này à?'.
Mình mà nhắc đến việc lớn là chồng lại thái độ như ở trên là 'Ừ em lương cao, em giỏi nói gì cũng được" mà mình nói có sai đâu.
Mình ko nhận mình giỏi, chỉ là mình chăm chỉ với cố gắng nên mới được như bây giờ. Dù biết mức lương 2 vợ chồng cộng vào giờ vẫn nuôi được con nhưng mình vẫn muốn đàn ông là trụ cột gia đình.
Giờ nhìn lại toàn lời hứa dối trá, lời nói gió bay. Anh hứa cố gắng nhưng suốt 3 năm qua nhìn lại thấy thất vọng.
Không biết tương lai có thay đổi không nhưng giờ đang thất vọng, chả biết mình sẽ chịu được bao lâu. Giờ mình còn chịu được vừa đi làm, vừa về nhà chăm chồng, chứ rồi 1 lúc mệt quá mình không biết hậu quả sẽ ra sao".
Ảnh minh họa.
Đọc xong câu chuyện, người ta thấy rõ được sự mệt mỏi của cô vợ vào cuộc hôn nhân này. Người chồng không rõ ràng được trách nhiệm của bản thân, chẳng muốn cố gắng phấn đấu khiến vợ bất an. Thậm chí họ chưa dám sinh em bé cũng vì lí do này.
Tốt nhất hai vợ chồng nên có một buổi ngồi lại rồi nói chuyện rõ ràng với nhau. Tiền bạc, kinh tế là vấn đề quan trọng để giữ cho hôn nhân hạnh phúc. Chuyện xảy đến xung quanh việc này cũng đủ để khiến cho nó có vết rạn, sứt mẻ hay tạo nên tình cảnh đường ai nấy đi.
Đôi khi đàn ông không muốn chứng tỏ bản thân mình trong hôn nhân. Họ chưa rõ được vai trò trụ cột của mình. Lúc đó, người phụ nữ nên đóng vai trò thúc giục, tự bản thân mình thúc đẩy hôn nhân tiến về phương hướng tích cực hơn.
Trong trường hợp quá thất vọng về tình cảnh cuộc sống, người phụ nữ cũng nên thẳng thắn trình bày quan điểm. Sự chán nản giữa hai vợ chồng đôi khi lại xuất phát từ những điều tưởng như nhỏ nhặt.