Báo cáo cũng cho biết thêm, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tâm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm.
Theo các chuyên gia, cuộc sống công nghiệp hiện đại nhất là ở các đô thị lớn, áp lực công việc, học tập, cuộc sống… khiến người ta dễ căng thẳng, stress, trầm cảm.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trẻ tuổi là học sinh sinh viên mắc các rối loạn liên quan đến căng thẳng, stress, trầm cảm.
|
Áp lực công việc, học tập, cuộc sống… khiến người trẻ dễ căng thẳng, stress, trầm cảm. Ảnh minh họa |
Do áp lực học hành thi cử và sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ dẫn đến nhiều học sinh vốn dĩ học rất giỏi ở trường chuyên, lớp chọn bỗng chốc trở thành bệnh nhân tâm thần mà không hề hay biết. Đây là thực trạng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay mà xã hội cần quan tâm.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, ông đã từng tiếp nhận nhiều trẻ lứa tuổi 13, 14 nhập viện vì biểu hiện chán nản, học hành giảm sút.
Những trẻ này trước đây thường được đánh giá là rất ngoan và học giỏi, học ở trường chuyên danh tiếng.
Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn đến ngay từ phía người thân và các tác động của môi trường xã hội làm trẻ nhiễu thông tin, tạo nhiều xáo trộn, trăn trở trong suy nghĩ.
Nhiều trẻ đến Viện Sức khỏe tâm thần trong tình trạng buồn phiền, mất định hướng, trẻ không hiểu học nhiều để làm gì, không định hướng được về tương lai.
Biểu hiện ở trẻ mắc các rối loạn tâm thần này thường là buồn chán, lo lắng, chán học, ít ngủ, thích lướt facebook nhiều trong khi bài vở thì trì trệ…
Không tìm được lối thoát, không ít trẻ tìm đến các hành vi tự ngược đãi bản thân bằng cách lấy dao rạch tay, cắn móng tay, cào rách mặt, nhổ cả mảng tóc, thậm chí tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống…
Dù bệnh trầm cảm nguy hiểm nhưng nhiều người không điều trị bệnh này vì không biết mình mắc bệnh hoặc cảm thấy xấu hổ. Bác sĩ khuyên, nếu nghi ngờ mình bị trầm cảm, cần đến bệnh viện để khám ngay.
Để điều trị bệnh trầm cảm, không chỉ có thuốc, mà còn cần gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhà trị liệu hoặc tư vấn, họ sẽ giúp người bệnh tầm soát bệnh trầm cảm và hỗ trợ bệnh nhân giải quyết những căng thẳng.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến nhận biết trầm cảm:
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
Ngoài những dấu hiệu trên, bệnh nhân trầm cảm còn có 18 - 22 triệu chứng cơ thể khác như đau nhức đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, đau khớp…
Theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, nếu như bị đau nhức đầu mãn tính, đi khám nội khoa, ngoại khoa nhưng không phát hiện bị bệnh gì, người bệnh nên nghĩ đến vấn đề sức khỏe tâm thần và đến khám ở chuyên khoa sức khỏe tâm thần.