Nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến việc chích ngừa vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 - 15 tuổi. Trong đó, người dân quan tâm đến vấn đề có nên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ khỏe mạnh hay không?
Thực tế, đối với trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, các nhà khoa học trên thế giới đưa ra khuyến nghị chưa/không nên chích ngừa vắc xin COVID-19.
Ngày 30/8, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vắc xin của chính phủ Anh khuyến nghị không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh từ 12 - 15 tuổi, và chỉ trẻ em trong độ tuổi này có vấn đề về sức khỏe mới cần tiêm chủng.
JCVI đưa ra quyết định không tiêm vắc xin cho trẻ khỏe mạnh dựa trên lo ngại về một tác dụng phụ hiếm gặp của vắc xin Pfizer, đó là gây bệnh viêm cơ tim.
Hiện tại, Pfizer đang dự kiến sẽ gửi dữ liệu lâm sàng của trẻ em từ 5 - 11 tuổi đối với vắc xin COVID-19 cho FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ) vào tháng 9 và có thể nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng 10 để có thể tiêm phổ rộng vắc xin cho trẻ em vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông. Moderna có thể muộn hơn Pfizer vài tháng và Johnson & Johnson dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm cho trẻ em vào mùa thu.
|
Ảnh minh họa. |
Tiến sĩ Fauci - nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng, giám đốc CDC Rochelle Walensky và nhiều chuyên gia khác cho biết, chính phủ Mỹ rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng sẽ không duyệt tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em cho đến khi được FDA chấp thuận.
Tiến sĩ Stanley Perlman, thành viên của Ủy ban Cố vấn FDA về Vắc xin và Sinh phẩm liên quan, giải thích rằng đối với trẻ nhỏ, chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn để đảm bảo tính chặt chẽ về mặt khoa học. Cơ thể trẻ đang phát triển và có thể phản ứng khác với vắc xin. Độ an toàn và khả năng dung nạp khác với người lớn. Các chuyên gia cần thử nghiệm liều lượng an toàn và hiệu quả cho trẻ em.
Nếu FDA chấp thuận vắc xin Pfizer, Ủy ban Tư vấn Thực hành Tiêm chủng CDC sẽ đánh giá thêm vắc xin và đưa ra các khuyến nghị về việc phân phối, lưu trữ, lên lịch và quản lý vắc xin. Phê duyệt cuối cùng sẽ trở thành khuyến nghị chính thức và mở rộng tiêm chủng cho trẻ em. Điều đó có nghĩa, trong vài tháng tới, trẻ em ở Mỹ vẫn sẽ không được tiêm vắc xin COVID-19. Người lớn xung quanh trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ và đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho trẻ.
Tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em vị thành niên hiện đang vẫn còn nhiều tranh cãi về khoa học.
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi về vấn đề này cùng Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tiêm vắc xin COVID-19 dành cho trẻ có 2 yếu tố cần tính.
Thứ nhất, hiện nay nước ta chưa có vắc xin COVID-19 dành cho trẻ em 12 tuổi trở lên. Vắc xin về nước ta hiện vẫn khuyến cáo dành cho người 18 tuổi trở lên. Số lượng vắc xin COVID-19 cũng đang hạn chế, chưa đủ tiêm phủ cho người lớn.
Thứ 2, tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ cần cân nhắc về mặt khoa học, vì đây là thế hệ tương lai của đất nước. Ở một số các nước phát triển, vắc xin này được tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, nhưng còn rất ít thông tin đánh giá, nhất là về sức khỏe, di truyền, sinh sản.
Muốn tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh từ 12 tuổi trở lên, bên cạnh khuyến cáo của nhà sản xuất, của các tổ chức Y tế thế giới, cần đánh giá khách quan ở nhiều điểm khác trong nước. Như số lượng trẻ em mắc COVID-19 là bao nhiêu; Số lượng chuyển nặng và tử vong cao hay thấp và do COVID-19 hay do béo phì, các bệnh lý khác; So sánh tác động với các bệnh dịch khác như sởi, thủy đậu hay các bệnh cúm khác…
“Chúng ta cần các chuyên đề sâu đánh giá vấn đề một cách khách quan, từ đó mới quyết định nên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ khỏe mạnh hay không một cách khoa học” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong các loại vắc xin COVID-19 đang được tiêm, chỉ có vắc xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi.
Tại Việt Nam hiện chưa tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em vì số lượng vắc xin còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn. Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc COVID-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc COVID-19 trở nặng và tử vong ở nước ta chưa có. Quan trọng nhất, vắc xin cũng chưa đủ thời gian thử nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ở trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, thế giới đã ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em (dù rất hiếm). Trẻ em rất hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khoẻ sau tiêm như người lớn. Nếu có những hành động quá sức như nô đùa, thể thao sẽ ảnh hưởng sức khoẻ nhiều.
Vì nhiều lý do nêu trên, nên đợi thêm một khoảng thời gian, ít nhất cho đến khi FDA phê duyệt vắc xin Pfizer để tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và Việt Nam đã dự trữ đủ vắc xin. "Khi ấy chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em. Vì nếu không tiêm cho trẻ em thì không thể hoàn thiện lá chắn phòng thủ với COVID-19 cho cộng đồng" - Bác sĩ Phạm Quang Thái nói.
|
Ảnh minh họa. |
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thành Úc, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang nhấn mạnh, trong thời gian chờ đợi để trẻ em được tiêm vắc xin COVID-19, phụ huynh nên tăng cường cảnh giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của ngành Y tế.
Trong đó giúp các em rửa tay và mang khẩu trang đúng cách là hai loại "Vắc xin miễn phí, an toàn, dễ thực hiện, không biến chứng". Đồng thời đưa các bé đi chích ngừa đầy đủ các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đó là những biện pháp có hiệu quả trong giai đoạn phòng tránh dịch bệnh hiện nay.