Giao lưu trực tuyến: “An toàn người bệnh – Chất lượng bệnh viện”

Google News

(Kiến Thức) - Rất nhiều câu hỏi được độc giả gửi về và các khách mời đã giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “AN TOÀN NGƯỜI BỆNH – CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN” do Báo điện tử Kiến Thức tổ chức.

“An toàn người bệnh – Chất lượng bệnh viện” là mối quan tâm không những chỉ của người bệnh, của ngành y tế mà là của toàn xã hội. Khi vào một cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, người bệnh ủy thác tài sản quý giá nhất của mình là sức khỏe cho các bác sĩ, thầy thuốc và đổi lại, người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn và có chất lượng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của mọi cơ sở y tế, mọi cán bộ lãnh đạo bệnh viện và cũng là sứ mệnh của mọi bác sĩ, thầy thuốc, mọi nhân viên y tế. Tuy nhiên, các cơ sở y tế lại là nơi dễ xảy ra nhiều rủi ro nhất cho người bệnh vì đó là nơi người bệnh được sử dụng các phương pháp để chẩn đoán và điều trị như sử dụng thuốc, hóa chất, vac xin,…tiến hành các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn,…trong một môi trường rất dễ lây nhiễm. Thêm vào đó, ở các bệnh viện, cơ sở y tế lớn, các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực do công việc quá tải và áp lực về mặt tâm lý, vì vậy, các sự cố không mong muốn là điều rất dễ xảy ra.
Vì thế, câu hỏi nhức nhối đang được dư luận đặt ra: Làm thế nào đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện; làm thế nào để người dân tin tưởng phó thác mạng sống của họ ở các bệnh viện, cơ sở y tế; và đặc biệt làm thế nào quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện; tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện?
 Từ phải qua trái: Tổng biên tập báo điện tử Kiến Thức Nguyễn Minh Quang, Ths Nguyễn Hương Giang, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa và MC Vũ Thị Như Biển.
Tất cả các vấn đề đó sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “AN TOÀN NGƯỜI BỆNH – CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN”, được tổ chức vào 9h30 sáng 11/12/2015 tại tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức – số 465B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, với các khách mời:
- Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế.
- Ths Nguyễn Hương Giang – Trưởng phòng quản lý chất lượng – Bệnh viện Bạch Mai.
SAU ĐÂY LÀ NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: “AN TOÀN NGƯỜI BỆNH – CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN”:
 TBT báo Kiến Thức Nguyễn Minh Quang (phải) và Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa.
 TBT báo Kiến Thức Nguyễn Minh Quang (phải) và Ths Nguyễn Hương Giang.
Câu hỏi: Nguyên tắc hàng đầu của thực hành y khoa trên thế giới là “Điều đầu tiên không gây tổn hại cho người bệnh”. Tại Việt Nam, vấn đề đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh được Bộ Y tế quan tâm như thế nào? (độc giả Hải Phương, phuonghn@yahoo.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề an toàn người bệnh là vấn đề toàn cầu, WHO cũng đưa ra 1 chương trình an toàn người bệnh Quốc tế.
Để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh tại Việt Nam, trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều đưa ra mục tiêu an toàn người bệnh lên trên hết.
Đưa nội dung về an toàn người bệnh trong văn bản liên quan đến kỹ thuật bệnh viện. Bộ y tế đã đưa ra gần 5.000 hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hàng trăm hướng dẫn chẩn đoán điều trị, nhiều quy chế, quy định liên quan đến an toàn người bệnh, cụ thể là an toàn trong dùng thuốc, truyền máu, sử dụng thiết bị y tế…
Xây dựng thông tư hướng dẫn về phòng ngừa và báo cáo sự cố y khoa.
 Phó Cục trưởng Vũ Trọng Khoa.
Câu hỏi: Những giải pháp để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh mà Bộ Y tế đưa ra, đã được thực hiện ra sao? Có hiệu quả như thế nào? Ngoài đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân có được phổ biến những kiến thức để tự đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế hay không? (độc giả Nguyễn Văn Hùng, hungvan@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa:
Vấn đề an toàn người bệnh còn đòi hỏi sự tham gia của chính người bệnh. Người bệnh cần am hiểu bệnh tật của mình, biết cách sử dụng thuốc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giảm thiểu được triệu chứng và tai biến. Thực tế, có nhiều tai biến xảy ra do người bệnh dùng thuốc sai hướng dẫn. Do vậy, người bệnh am hiểu về kiến thức bệnh tật, biết cách phối hợp với thầy thuốc trong điều trị là cực kỳ quan trọng.
Câu hỏi: Trong bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 này có 31 nội dung được thay đổi so với tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành vào năm 2012. Điều đáng nói, trong toàn bộ 31 nội dung thay đổi ấy, tất cả các nội dung yêu cầu đều giảm xuống so với trước, thậm chí có nhiều nội dung còn bị bãi bỏ.
Có nhiều ý kiến cho rằng đây là một nghịch lý khi tiêu chí chất lượng bệnh viện mới còn kém hơn cũ. Ths Nguyễn Hương Giang có thể nói rõ hơn về vấn đề này? (Đăng Anh, anhdang@gmail.com).
Ths Nguyễn Hương Giang: Trước khi chúng ta nói về 31 nội dung thay đổi của bộ tiêu chí, chúng ta cần tìm hiểu sơ qua về bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện (BV).
Mục tiêu của Bộ tiêu chí chất lượng BV của Bộ Y tế là giúp các BV đánh giá được chất lượng của BV mình và định hướng về cải tiến chất lượng cho các BV.
Các tiêu chí về chất lượng được đánh giá ở 5 mức: Mức 1-2 là những vấn đề cần khắc phục ngay; mức 3 là những tiêu chuẩn cơ bản của chất lượng cấp quốc gia; mức 4 là có thể thực hiện được trong một tương lai gần; mức 5 là hướng tới các tiêu chuẩn cấp quốc tế.
Trong 31 nội dung thay đổi của tiêu chí, phần lớn là những điều chỉnh để làm rõ hơn nội dung của các tiêu chí. Khoảng 1/3 nội dung là được điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện của các BV và khả thi để các BV có thể phấn đấu đạt được.
 Ths Nguyễn Hương Giang.
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Bệnh viện tư hay công đều được quản lý toàn diện. Việc quản lý, kiểm tra, thanh tra giám sát đều do sở y tế thực hiện..vì thế sự bình đẳng giữa bệnh viện công và tư là bình đẳng. Bộ y tế thường xuyên có văn bản kiểm tra, thanh tra đối với tất cả các cơ sở y tế, do vậy dù là bệnh viện công hay tư thì chất lượng và trách nhiệm đối với người bệnh đều công bằng.
Câu hỏi: Một vấn đề nhức nhối thời gian qua là tình trạng người nhà bệnh nhân, thậm chí là côn đồ hành hung, tấn công bác sĩ, nhân viên y tế. Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện mới đề cập và xử lý vấn đề trên như thế nào? (lehoang@gmail.com)
Ths Nguyễn Hương Giang: Trước đây, trong nội dung của bộ tiêu chí có nội dung: Không để xảy ra sự việc người bệnh, người nhà bệnh nhân đuổi, rượt đánh nhân viên y tế bệnh viện, nay nội dung này được đổi thành “Lực lượng bảo vệ luôn thường trực và can thiệp kịp thời các vụ việc hành hung, gây rối hoặc đập phá tài sản, đồ đạc của bệnh viện, nhân viên y tế”. 
Như vậy nội dung này chỉ ra cụ thể những việc bệnh viện phải làm để có thể xử lý được vấn đề này. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí cũng đề cập tới nội dung nhân viên y tế phải giải thích rõ cho người bệnh, người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, các phương pháp điều trị, sử dụng thuốc... để tránh xảy ra bức xúc do thiếu thông tin, hiểu nhầm giữa gia đình bệnh nhân và nhân viên y tế.
Câu hỏi: Để hạn chế thấp nhất tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện, thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra những giải pháp nào? Những sai sót chuyên môn và sự cố y khoa phổ biến ở Việt Nam là gì? Vì sao xảy ra những sai sót này?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Cần phải đưa ra các giải pháp liên quan đến vấn đề hệ thống. Hiện nay, VN chưa có thống kê cụ thể về sai sót y khoa. Tuy nhiên, có 3 lĩnh vực sai sót lớn:
- Phẫu thuật
- Sử dụng thuốc
- Nhiễm khuẩn bệnh viện
Đây là 3 vấn đề lớn không chỉ ở VN mà còn trên cả thế giới.
Khắc phục từ quy trình, hệ thống tổ chức làm việc chưa khoa học, chưa thuận lợi dễ gây lỗi và nhầm lẫn. Nguyên nhân mang tính hệ thống này có thể chiếm từ 50-70% sự cố. Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân khác như nhân viên y tế làm việc áp lực cao, bệnh nhân quá đông, nhân viên mới…cũng dễ gây ra sai sót.
Khắc phục từ vấn đề đào tạo nhân viên y tế.
Chuẩn hóa quy trình làm việc, thiết kế hệ thống chu trình làm việc để nhân viên y tế khó mắc lỗi
Hỗ trợ cho nhân viên y tế ít phải nhớ nhất. Bổ sung hệ thống nhắc để giúp nhân viên y tớ đỡ phải nhớ và thực hiện nhiệm vụ chuẩn thời gian.
Thiết lập hệ thống báo cáo sai sót tự nguyện để kiểm soát nguy cơ tai biến, để ngăn ngừa và cảnh báo sai sót.
Cải tiến phương tiện, thiết bị để hạn chế sai sót như bơm tiêm tự khóa, bơm tiêm định lượng, máy móc có chuông báo động đảm bảo vấn đề an toàn cho bệnh nhân.
Đảm bảo môi trường làm việc khoa học, tâm lý tốt nhất cho thầy thuốc.
Văn hóa không buộc tội. Khi xảy ra tai biến, câu hỏi đặt ra là cái gì sai chứ không phải ai làm sai. Nếu hướng đến quy trách nhiệm cho cá nhân người trực tiếp chăm sóc, chữa trị thì sẽ tạo tâm lý che giấu và ngại báo cáo sai sót. Hậu quả các sai sót có thể lặp lại ở các cá nhân khác hoặc ở các đơn vị khác do họ không biết, đương nhiên không biết sẽ không có giải pháp để chủ động phòng ngừa.
Nguyên lý tiếp cận theo hệ thống, khi phân tích nguyên nhân tai biến cần đặt ra câu hỏi là “Cái gì sai?”, sau đó liệt kê ra các nguyên nhân hoặc các yếu tố liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục.
Câu hỏi: Tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện cho bệnh nhân là điều không mong muốn. Hầu hết khi xảy ra sự cố, người nhà bệnh nhân đều mất bình tĩnh, đổ lỗi cho bác sĩ, gây nên những vụ kiện cáo xôn xao dư luận như thời gian vừa qua. Làm cách nào để giảm thiểu, giải quyết những mâu thuẫn này? (độc giả Lê Mai)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Tai biến y khoa xảy ra không ai mong muốn. Tuy nhiên, mâu thuẫn sau vụ việc là hoàn toàn dễ hiểu, chúng tôi hy vọng với trường hợp vậy gia đình bệnh nhân hết sức bình tĩnh, phối hợp với thầy thuốc xử lý tai biến.
Cơ quan y tế có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân và có phương pháp khắc phục, bồi thường phù hợp tùy thuộc vào tình hình cụ thể của bệnh nhân và lỗi của thầy thuốc. Trước khi có kết luận cụ thể, chúng tôi mong người bệnh hết sức bình tĩnh, làm việc theo quy trình để xử lý vụ việc.
 Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa (trái) đang xem xét trả lời các câu hỏi của độc giả.
Câu hỏi: Tôi thấy có một thực tế là mức phí dịch vụ khám chữa bệnh luôn tăng trước khi các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng bệnh viện được ban hành, đưa vào thực hiện. Vậy tại sao không làm ngược lại, tức là bắt buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thì mới được tăng giá? Làm như vậy người dân mới không bị thiệt thòi. (Quỳnh Như, bindangyeu@gmail.com).
Ths Nguyễn Hương Giang: Mức viện phí được ban hành vào năm 1995 chỉ là mức giá của một phần viện phí. Sau 17 năm ban hành, năm 2012, mức phí được điều chỉnh, tuy nhiên mới chỉ đạt 3/7 các yếu tố của cơ cấu giá và tương lai thì vẫn còn phải điều chỉnh tiếp. Khá nhiều người dân không biết được sự chưa phù hợp của giá dịch vụ y tế nên cứ nghĩ rằng phải tăng chất lượng dịch vụ rồi mới được tăng giá, nhưng thực chất sự tăng giá ở đây là điều chỉnh sự chưa phù hợp của mức giá hiện tại.
Đứng trên quan điểm của người làm chất lượng, chúng tôi quan niệm giá dù có điều chỉnh hay chưa điều chỉnh thì vẫn luôn phải đảm bảo chất lượng của dịch vụ khám chữa bệnh.
Câu hỏi: Tôi đã nhiều lần đi khám ở một số bệnh viện và thấy tình trạng như sau: Sau khi lấy phiếu khám, vào khám thì bác sĩ chỉ hỏi qua loa vài câu rồi chỉ định đi xét nghiệm, chụp chiếu… Đưa kết quả về lại thì bác sĩ chỉ nhìn vào kết quả lâm sàng về kê đơn là xong. Tôi nghĩ như vậy thì không thể khám chính xác cho bệnh nhân được. (độc giả Thu Phương, phuong0907@yahoo.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra 1 số đơn vị. Thực tế, nhiều bệnh viện tuyến trên gặp khó khăn vì số lượng người bệnh quá đông, thời gian thăm khám giảm xuống. Do vậy, yêu cầu thăm khám bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch của Bộ y tế, tối đa một bác sĩ khám 50 người bệnh, đến 2020, mỗi bác sĩ không khám quá 35 người bệnh/buổi làm việc
Các bệnh viện phải tăng thêm số bàn khám, ứng dụng công nghệ thông tin để cho việc kết nối các khâu hoàn thiện hơn, giảm thời gian làm xét nghiệm, tăng thời gian khám, giảm thời gian chờ, tăng sự hài lòng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Thời gian chờ của người bệnh đã giảm 48,5 phút. Một năm tiết kiệm được 27 triệu ngày công lao động. Hiện nay rất nhiều bệnh viện đã thực hiện đo lường thời gian khám, tiếp tục rút ngắn thời gian chờ, thực hiện thăm khám toàn diện hơn, hỏi bệnh kỹ hơn, kê đơn thuốc theo đúng yêu cầu chuyên môn.
Câu hỏi: Trong các vấn đề về an toàn người bệnh, an toàn thủ thuật, phẫu thuật và an toàn trong dùng thuốc có phải là những tiêu chí quan trọng nhất? (Mẹ Như Mai – Gia Lâm, Hà Nội)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Đây là 3 vấn đề quan trọng nhất vì chúng là những vấn đề hay xảy ra sai sót, tai biến nhất.
Câu hỏi: Tôi thấy chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện quá kém, thậm chí còn rất mất vệ sinh. Bộ Y Tế có chính sách gì để nâng cao chất lượng nhu cầu tối thiểu này hay không? Ví như Bệnh viện Bạch Mai thì khắc phục tình trạng này thế nào? (Trịnh Hồng Đăng, hongdang...@gmail.com)
Ths Nguyễn Hương Giang: Hàng năm BV đều có các khảo sát về mức độ hài lòng của bệnh nhân với dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất là tiêu chí khiến bệnh nhân chưa hài lòng nhiều nhất. Và trong tiêu chí này, chất lượng NVS là nội dung mà người bệnh hay phàn nàn. Nhận thức được vấn đề này, hàng năm BV vẫn dành ra kinh phí cải tạo tu bổ NVS, thuê các cty vệ sinh công nghiệp vệ sinh các khu vực này. BV cũng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh.
Tuy nhiên, BV luôn trong tình trạng quá tải, mỗi ngày có khoảng 5000 bệnh nhân ngoại trú và 4000 bệnh nhân điều trị nội trú. Số bệnh nhân tăng kèm theo số người nhà bệnh nhân khiến BV càng thêm quá tải và không phải ai cũng ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên dù bệnh viện đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người bệnh.
Câu hỏi: Việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện trong thực tế như thế nào? Có những vướng mắc gì? Với các bệnh viện không đáp ứng đủ các tiêu chí chất lượng mới ban hành thì sẽ xử lý thế nào?
Ths Nguyễn Hương Giang: 
Bộ Y tế ban hành tiêu chí này với mục tiêu để các BV tự đánh giá chất lượng BV mình và có định hướng phát triển, cải tiến trong tương lai. Hàng quý các BV thực hiện việc đánh giá, đối chiếu lại, xem mức độ thay đổi và cải tiến.
Khi các BV được các cơ quan quản lý đánh giá, nếu có những nội dung chưa đạt được thì BV sẽ thấy cần có kế hoạch để cải tiến và nhất là sang năm 2016, các kết quả đánh giá được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết được thì đây cũng sẽ là động lực để cho các BV quan tâm đến cải tiến chất lượng nhiều hơn.
Câu hỏi: Thực tế có nhiều trường hợp để xảy ra tai biến điều trị là do lỗi của cá nhân bác sĩ điều trị. Trong Luật khám chữa bệnh, có quy định cụ thể nào về việc xử lý trách nhiệm bác sĩ hay không? Đã có bác sĩ nào bị truy tố hình sự vì tắc trách để xảy ra tai biến cho bệnh nhân hay không? Trong những trường hợp này, người bệnh được bồi thường như thế nào?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Lỗi hệ thống chiếm 70% sai sót y khoa. Việc kết luận có sai sót hay không còn phải chờ hội đồng chuyên môn xác nhận. Một số trường hợp cũng đã phải xử lý hình sự như vụ 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị.
Vấn đề về bồi thường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 về Bảo hiểm Trách nhiệm trong khám chữa bệnh. Khi sai sót, bảo hiểm khám chữa bệnh do cơ quan bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường 1 số tiền nhất định cho bệnh nhân sau những sai sót mà có lỗi của thầy thuốc.
 Ths Nguyễn Hương Giang đang xem xét trả lời các câu hỏi của độc giả Kiến Thức.
Câu hỏi: Gần đây nhiều trường hợp sốc phản vệ dẫn đến tử vong, gây nhiều bức xúc. Trên thực tế, tỉ lệ sốc phản vệ ở châu Âu là 4 – 5/100.000 dân, ở Mỹ 59/100.000 dân. VN chưa có thống kê về sốc phản vệ do thuốc cũng như các trường hợp tử vong từ sốc phản vệ. Vậy, để an toàn nhất cho người bệnh, Bộ Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế đang áp dụng giải pháp xử lý sốc phản vệ thế nào để giảm thiểu trường hợp xấu xảy ra? (Thu Hà, Hà Nội – ĐT: 097… 517)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê dịch tễ chính thức. Tuy nhiên, bệnh viên Bạch Mai đã có nghiên cứu cụ thể từ 2009-2013, nhận thấy sốc phản vệ có xu hướng tăng lên.
Từ năm 1999, Bộ y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn phòng ngừa sốc phản vệ, xác định nguy cơ. Trong đó, nhóm thuốc hay bị sốc phản vệ nhất là thuốc kháng sinh. Ngoài ra, còn phải khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh để phòng ngừa nguy cơ sốc phản vệ.
Luôn luôn sẵn sàng phương tiện chống sốc phản vệ, cách xử lý, quy trình…luôn được Bộ y tế kiểm tra và thanh tra thường xuyên.
Cập nhật, điều chỉnh lại thông tư sao cho phù hợp với tình hình y tế thế giới để hạn chế nguy cơ tử vong do sốc phản vệ.
Câu hỏi: Nhiễm khuẩn bệnh viện là kẻ thù nhỏ bé, âm thầm, phá bỏ mọi nỗ lực điều trị của bác sĩ, thầy thuốc. Những khu vực thực hiện các thủ thuật xâm lấn đặt nội khí quản, chạy thận nhân tạo, bệnh truyền nhiễm dễ bị nhiễm khuẩn nhất. Ngay cả những nơi tưởng như kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nhất, vẫn có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước cho phòng mổ. Với Bệnh viện Bạch Mai, quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện đang áp dụng và xử lý thế nào? (Hà Minh, beyeumuito...@gmail.com)
Ths Nguyễn Hương Giang: BV Bạch Mai là BV tuyến cuối nên phải tiếp nhận thường xuyên với các bệnh nhân có nguy cơ cao mắc nhiễm khuẩn bệnh viện do tình trạng bệnh nhân nặng, chịu nhiều phẫu thuật, thủ thuật can thiệp.
Bên cạnh đó, việc quả tải BV cũng là nguy cơ làm cho nhiễm khuẩn bệnh viện gia tăng.
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV Bạch Mai có 55 nhân viên. Bên cạnh đó BV còn có Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, bao gồm các bác sĩ và điều dưỡng của tất cả các đơn vị trong BV.
BV cũng trang bị nhiều phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng các hướng dẫn, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các khóa đào tạo cơ bản cho nhân viên y tế. BV cũng kiểm tra và giám sát thường xuyên các thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn và phản hồi các giám sát tới từng nhân viên y tế để đưa ra các đề xuất cải thiện.
Câu hỏi: Hiện nay ở 1 số bệnh viện tuyến huyện ở Trà Vinh nói riêng và đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, việc khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế, việc khám chữa bệnh cho nhân dân, cán bộ hưu trí, công nhân do số lượng nhiều làm cho người bệnh phải chờ đợi lâu mất thời gian, việc chuẩn đoán bệnh chưa tương đồng với nhau.
Ví dụ:
- Bị đau bụng đến bệnh viện chuẩn đoán đau ruột thừa phải mổ, bệnh nhân cảm thấy không đau nhiều nên không chịu phẫu thuật. Lên bệnh viện tỉnh khám lại thì chẩn đoán đau dạ dày cho thuốc uống thì hết đau.
- Bị sỏi thận siêu âm có sỏi khám ở chổ khác thì không có sỏi.
Những ví dụ trên cho thấy do trang thiết bị lạc hậu hay trình độ y bác sĩ yếu kém trong việc chuẩn đoán bệnh và nhân lực không đủ dẫn đến quá tải cho bệnh viện, làm cho nhân dân mất lòng tin và mất thời gian để không khám ở bệnh viện mà khám ở phòng khám tư nhân, lên bệnh viện tuyến trên hoặc mua thuốc tại các nhà thuốc uống cho qua ngày vừa tiết kiệm thời gian đi lại và tin tưởng hơn là bệnh viện (Dương Lộc - duongbaloc3110001885@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Đối với chẩn đoán bệnh không dễ, thường bị nhầm lẫn triệu chứng, đặc biệt là ở những bác sĩ thiếu kinh nghiệm. Bộ y tế đang triển khai giải pháp chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực huyên môn cho thầy thuốc tuyến dưới. Ngoài ra các đề án khác cũng giúp cho thầy thuốc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, chẩn đoán chỉnh xác hơn.
Bên cạnh đó cũng chú trọng đến vấn đề đào tạo thầy thuốc và đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ là rất quan trọng.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những hạn chế ở địa phương, cần phải rút kinh nghiệm và khắc phục.
Câu hỏi: Độ tuổi nào dễ bị sốc phản vệ khi điều trị nhất thưa ông? Tôi năm nay 70 tuổi, ở độ tuổi của tôi, khi đi khám chữa bệnh cần lưu ý gì để tránh xảy ra tai biến điều trị? (Mai Anh - meiying.vn@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Theo nghiên cứu của BV Bạch Mai, trong số các trường hợp bị sốc phản vệ mà được thống kê từ 2009 đến 2014 của Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), 19-50 tuổi là 50,6% hay bị sốc phản vệ nhất, trên 70 tuổi 7,1% bị sốc phản vệ. Tỷ lệ chung là 0,056 – 0,07% sốc phản vệ.
Người cao tuổi nên lưu ý vấn đề sử dụng thuốc.
Người cao tuổi dễ mắc nhiều bệnh, phải thăm khám, điều trị toàn diện.
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ người nhà khi khám chưa bệnh để phòng ngừa sốc phản vệ.
Đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh tật nói chung, chống sốc phản vệ khi khám sữa bệnh.
Câu hỏi: Trường hợp bé trai mổ thoát vị bẹn bị cắt nhầm bàng quang ở BV đa khoa Cam Ranh, Khánh Hòa có phải là một trường hợp vi phạm an toàn người bệnh ở lĩnh vực phẫu thuật hay không? Tỷ lệ những trường hợp như vậy xảy ra trong phẫu thuật ở VN là bao nhiêu? (Anh Tú - tuanh21.ctv@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Ở trường hợp này, đây ra nhận định của thầy thuốc nhầm, quy trình chưa hẳn đã sai dẫn đến việc cắt nhầm. Những trường hợp này biện pháp khắc phục rất khó khăn. Tỷ lệ nhầm lẫn chưa có con số cụ thể, tuy nhiên, trường hợp này cũng không phải là hiếm gặp. Đều có lý do khách quan và chủ quan, đôi khi là do thầy thuốc thiếu kinh nghiệm. Để hạn chế phẫu thuật nhầm vị trí, nhầm cơ quan, nhầm bệnh nhân…chúng ta phải thực hiện đúng các quy định về an toàn, khi có vấn đề nghi ngờ phải kiểm tra cẩn thận lại một lần nữa.
Câu hỏi: Tôi thấy vấn đề chẩn đoán nhầm bệnh rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người bệnh khi điều trị. Bản thân tôi cũng là người từng bị chẩn đoán nhầm bệnh nhưng chế tài xử lý y, bác sĩ trong vấn đề này lại rất mơ hồ, không cụ thể? (Minh Bích Luyện - minhbich50@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Trường hợp bị chẩn đoán nhầm thì hướng điều trị sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc bác sĩ không bao giờ chẩn đoán nhầm là rất khó, có nhiều yếu tố tác động đến việc chẩn đoán bệnh triệu chứng bệnh khác biệt giữa những người bệnh, các yếu tố khác tuổi, giới tính hay bệnh kèm theo cũng ảnh hưởng đến biểu hiện bệnh. Thực tế rất phong phú, vì thế việc chẩn đoán chính xác là không dễ.

Thưa các bạn, trong hơn 2 giờ vừa qua, chúng ta đã được trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề đang khá nóng dư luận hiện nay: “An toàn người bệnh – Chất lượng bệnh viện”. Chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả, tuy nhiên, do thời lượng có hạn, chúng tôi xin trở lại vào chương trình giao lưu trực tuyến lần sau.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự chương trình và giải đáp các thắc mắc cho độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn Bộ Y tế đã hợp tác cùng Báo điện tử Kiến Thức thực hiện chương trình này.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!
BBT Kiến Thức

Bình luận(0)