Giao lưu trực tuyến: Bệnh lý khó nói của phụ nữ sau sinh

Google News

(Kiến Thức) -  Bác sĩ cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh đang có mặt tại tòa soạn, sẵn sàng trả lời câu hỏi của độc giả.

Sinh nở là thiên chức thiêng liêng, cao quý của phụ nữ. Nhưng đi cùng với niềm hạnh phúc cho ra đời những thiên thần bé nhỏ, những người mẹ cũng thường phải chịu không ít những vấn đề về sức khỏe. Một trong những nỗi phiền phức chính là chứng rối loạn chức năng sinh dục - tiết niệu sau sinh.
Trước nhu cầu tìm hiểu về bệnh và cách điều trị, Báo Điện tử Kiến Thức phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bệnh lý khó nói của phụ nữ sau sinh”, nhằm giải đáp những thắc mắc của độc giả nói chung và các chị em phụ nữ nói riêng về vấn đề này.
Chương trình có sự tham gia của bác sỹ cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó trưởng khoa Phụ sản, Trưởng đơn vị điều trị rối loạn Sinh dục - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xin mời quý độc giả theo dõi nội dung buổi giao lưu và tiếp tục gửi câu hỏi đến được bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh tư vấn cụ thể. 
Câu hỏi xin gửi về: giaoluu@kienthuc.net.vn.
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu: 
 Tổng biên tập Báo điện tử Kiến Thức và bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh tại Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức.
MC Hồng Phúc: Chào mừng quý vị và các bạn đến với cuộc Giao lưu trực tuyến hôm nay với chủ đề "Bệnh lý khó nói của phụ nữ sau sinh". Cuộc giao lưu do Báo điện tử Kiến Thức phối hợp với Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec thực hiện.
Tham gia với chúng ta hôm nay có bác sỹ cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó trưởng Khoa Phụ sản, Trưởng Đơn vị điều trị rối loạn sinh dục - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Thưa bác sĩ, có rất nhiều chị em phụ nữ đã trải qua sinh nở phải đối mặt với những phiền phức do rối loạn chức năng sinh dục - tiết niệu sau sinh. Xin bác sĩ cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ chị em mắc căn bệnh này là bao nhiêu?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, các cơ quan y tế, ở Việt Nam, tỷ lệ chị em phụ nữ mắc phải chứng rối loạn về sinh dục - tiết niệu là 25%, ngang bằng với tỷ lệ của chị em phụ nữ thế giới cũng mắc phải sau sinh.
 
MC Hồng Phúc: Bệnh tiểu không kiểm soát ở phụ nữ có biểu hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Tiểu không kiểm soát ở phụ nữ là bản thân người bị bệnh không thể kiểm soát, tự chủ được việc khi nào đi tiểu hoặc là khi nào nên và không nên. Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta muốn là có thể đi, nhiều lúc không cho phép như khi chúng ta đang họp, đang trong 1 ca mổ nếu là bác sĩ…
TKKS ở phụ nữ có Tiểu không kiểm soát chia làm 4 loại:
- TKKS do gắng sức: là việc thoát nước tiểu xảy ra khi có bất kỳ hành động gắng sức nào như khi ho, hắt hơi, cười, thậm chí lúc lên cầu thang, hoặc cúi xuống bế một em bé…
- TKKS do bàng quang quá tăng cường về kích thích: khổ cho chị em phụ nữ vì cảm giác mót tiểu đến quá nhanh, mạnh. Thông thường chị em không thể giữ được đến khi đến nhà vệ sinh.
- TKKS do bàng quang bị ì: thường gặp ở phụ nữ nhiều tuổi, khi bàng quang đầy vẫn chưa có cảm giác muốn đi tiểu, khi quá đầy thì mới đi tiểu và lúc này đi tiểu rất khó khăn, không làm cách nào đi tiểu hết được. Lúc nào cũng có lượng nước tiểu trong người và phải đi tiểu rất lâu.
- Thứ 4 là loại phối hợp giữa TKKS do gắng sức và TKKS do bàng quang quá tăng cường về kích thích. Người bị thể rối loạn này thì cuộc sống sẽ cực kỳ phiền phức.
MC Hồng PhúcThưa bác sĩ, đối tượng nào hay bị tiểu không kiểm soát? Bệnh có liên quan đến các yếu tố như: bệnh nhân ở nông thôn hay thành thị, nghề nghiệp, người đang ở độ tuổi sinh đẻ hay mãn kinh hay không? Tại sao lại tập trung vào những đối tượng này?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Tiểu không kiểm soát không có sự khác biệt giữa phụ nữ nông thôn và thành thị nhưng khác nhau giữa phụ nữ chưa sinh và đã sinh, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh tỷ lệ cao hơn hẳn so với các đối tượng khác.
MC Hồng Phúc: Thưa bác sĩ, những người chưa sinh con lần nào có bị TKKS không?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Theo nghiên cứu của chúng tôi thì có một số phụ nữ chưa từng sinh đẻ cũng có thể mặc chứng bệnh TKKS. Bệnh thường gặp ở những người làm công việc không có điều kiện đi tiểu đúng lúc làm hệ thống điều khiển bị ảnh hưởng gây ra chứng bệnh này.
MC Hồng Phúc: Có những yếu tố nguy cơ nào gây tiểu không kiểm soát ở phụ nữ?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Những chị em có những đặc điểm sau có nhiều nguy cơ mắc chứng rối loạn này:
- Những người phụ nữ thừa cân, béo phì.
- Các bệnh lý nội khoa: táo bón kéo dài, viêm tiết niệu mãn tính, ho kéo dài, tiểu đường…
- Thai sản: tăng quá 14kg, đẻ thai to, đẻ nhiều, sang chấn trong đẻ.
- Phẫu thuật: cắt tử cung, sa sinh dục …
 Bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh.
MC Hồng Phúc: Đối với căn bệnh này, để chẩn đoán chính xác thì ngoài việc đến khám tại các chuyên khoa tiết niệu thì người bệnh có thể đến các phòng khám sản phụ khoa không?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Nếu các bác sĩ phụ khoa được đào tạo thêm về tiết niệu thì hoàn toàn có thể chuẩn đoán và tư vấn giúp chị em cách điều trị.
Ở nước ngoài thì số lượng phụ nữ bị bệnh TKKS sau sinh đến gặp bác sĩ tiết niệu chiếm một nửa, và nửa còn lại lại bác sĩ phụ khoa. Bởi lẽ, phần lớn những vấn đề về TKKS và rối loạn trong sinh hoạt tình dục, bác sĩ phụ khoa hoàn toàn có thể khám chữa. Như thế, chị em cũng đỡ ngại ngùng hơn khi nói chuyện khó nói với bác sĩ tiết niệu là nam giới chẳng hạn.
MC Hồng Phúc: Tiểu không kiểm soát ở phụ nữ là một bệnh lý hay bị bỏ qua vì nhiều lý do, đặc biệt là do xấu hổ nên phụ nữ phương Đông thường ngại ngùng không nói ra. Vậy để chẩn đoán bệnh tiểu không kiểm soát do gắng sức ở phụ nữ chúng ta phải làm gì?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Phải kể đến rất nhiều nguyên nhân gây ra tiểu không kiểm soát. Dựa vào những nguyên nhân đó, có thể chia tiểu không kiểm soát làm 4 loại:
- Do gắng sức: Việc thoát nước tiểu xảy ra khi chúng ta có bất kỳ hành động gắng sức nào như ho, hắt hơi hoặc cười, thậm chí khi lên cầu thang hoặc cúi xuống bế một em bé... Tất cả những cử chỉ, hoạt động này dù hơi gắng sức thôi cũng có thể làm nước tiểu thoát ra ngoài.
- Do cảm giác mót tiểu đến quá nhanh: Thông thường gọi là tiểu không kiểm soát do bàng quang bị tăng cường kích thích. Cái này rất khổ cho chị em phụ nữ vì cảm giác mót tiểu không phải đến từ từ mà đến rất nhanh, rất mạnh, khiến chị em phải đi tiểu luôn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chị em khó giữ được đến nhà vệ sinh.
- Loại thứ 3 gặp ở phụ nữ nhiều tuổi, do bàng quang bị ì. Khi bàng quang đầy không có cảm giác đi tiểu, khi quá đầy thì mới đi tiểu. Lúc này đi tiểu rất khó khăn vì không làm sao đi hết được vẫn còn lại một lượng nước tiểu trong bàng quang và phải gắng sức mới đi hết được.
- Tiểu không kiểm soát phối hợp: có thể phối hợp giữa tiểu không kiểm soát do gắng sức và tiểu không kiểm soát do cảm giác mót tiểu quá nhanh. Bệnh này gây ảnh hưởng rất lớn đối với người phụ nữ.
Để chẩn đoán bệnh tiểu không kiểm soát, các bác sĩ cần hỏi bệnh nhân một cách kỹ lưỡng như: Tình trạng bắt đầu từ khi nào và tiến triển ra sao? Có liên quan đến hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, chạy, tập thể thao hay không? Xảy ra trong thời kỳ mang thai, sau đẻ hay mãn kinh? Phần lớn chỉ cần hỏi kỹ cũng đủ để chẩn đoán bệnh.
Đôi khi bác sĩ tiến hành các thăm dò bổ sung như: nghiệm pháp gắng sức (bơm nước vào bàng quang, sau đó yêu cầu người phụ nữ ho, làm một số động tác để phát hiện nước tiểu thoát ra ngoài), chụp bàng quang, thăm dò chức năng động của hệ tiết niệu (niệu động học), xét nghiệm nước tiểu để tìm các yếu tố phối hợp.
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các bộ phận niệu đạo, phần phụ, cơ vùng tầng sinh môn, tình trạng sa sinh dục. Sau đó, bác sĩ xác định loại tiểu không kiểm soát của từng người và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
MC Hồng Phúc: Bệnh tiểu không kiểm soát nếu không được điều trị thì ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh như thế nào?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Tiểu không kiểm soát gặp nhiều ở phụ nữ sau sinh, nặng hơn ở thời kỳ mãn kinh. Tuy không nguy hiểm như các bệnh ung thư nhưng gây trở ngại về mọi mặt của cuộc sống đối với chị em phụ nữ:
- Ảnh hưởng tâm sinh lý: Nếu bị nhẹ, người bệnh tự ti, mặc cảm, lo lắng, buồn phiền, thấy thiếu may mắn. Nếu bị nặng, người bệnh có thể bị trầm cảm, suy nhược thần kinh.
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giảm khả năng lao động: Do thường xuyên phải quan tâm đến việc đi tiểu, ngay cả khi chưa có cảm giác buồn tiểu, nên người bệnh ngại làm công việc phải đứng lâu, đi xa, thay đổi tư thế nhiều. Thường người bệnh phải ngừng công việc giữa chừng để đi vệ sinh, thay giặt quần...
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Tiểu không kiểm soát do gắng sức chiếm 80% trong các loại tiểu không kiểm soát. Vì thế các chị em rất ngại tập thể dục, đây là nguy cơ dẫn đến các việc tăng cân, béo phì. Nếu muốn tập thể dục thì bệnh nhân phải đóng băng vệ sinh khi tập. Nếu giảm hoạt động thể lực sẽ là nguy cơ gây nên các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư đại tràng. Cũng vì ít vận động nên người bệnh sẽ giảm uống nước, điều này làm ảnh hưởng đến chức năng thận, nguy cơ viêm tiết niệu cao…
- Tốn kém: Người bị bệnh này sẽ tốn kém chi phí cho băng vệ sinh, nước hoa, khử mùi... vì khi bị tiểu không kiểm soát người bệnh có thể phải đóng băng vệ sinh quanh năm. Do thế, cơ thể sẽ phát ra mùi khó chịu, phải dùng đến những sản phẩm khử mùi, nước hoa. Đây là một trong những tốn kém về tiền bạc đối với người bệnh.
- Ảnh hưởng đến quan hệ gia đình xã hội: Người bệnh khi mắc bệnh này sẽ thu mình, ít tham gia các hoạt động tập thể, đi xa. Đặc biệt những phụ nữ bị đau, giảm cảm giác khi giao hợp sẽ mất đi niềm vui hòa hợp, lảng tránh quan hệ vợ chồng dẫn đến hạnh phúc lứa đôi bị đe dọa.
MC Hồng Phúc và bác sĩ Tân Sinh. 
MC Hồng Phúc: Bệnh TKKS có thể điều trị không, xin bác sĩ nêu một số phương pháp hiện nay đang được sử dụng?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Bệnh này hoàn toàn có thể chữa được. Hiện nay, có 4 phương pháp để điều trị căn bệnh này là: dùng thuốc, tập phục hồi chức năng, phẫu thuật và ghép van thay cơ.
Tùy thuộc vào loại rối loạn nào, bác sỹ sẽ có chỉ định phương pháp thích hợp. Tỷ lệ thành công của các phương pháp từ 80-95%.
- Dùng thuốc: chủ yếu cho các chị em bị tiểu không kiểm soát do bàng quang không ổn định (són tiểu do mót tiểu khẩn cấp) các thuốc giúp ức chế co bóp quá mức của bàng quang. Người dùng thuốc kiểm soát được thời gian đến nhà vệ sinh.
- Tập phục hồi chức năng: áp dụng cho các trường hợp TKKS do gắng sức hoặc phối hợp nhằm tăng cường sức co của cơ quan kiểm soát tiểu tiện. Các bài tập luyện làm mạnh lại các cơ vùng đáy chậu, nâng bàng quang lên do thầy thuốc chuyên về phục hồi chức năng hướng dẫn thực hiện. Bài tập Kegel cổ điển đã được áp dụng trên thế giới trên 60 năm nay vẫn được coi là bài tập chuẩn có hiệu quả cao. Có thể tập luyện bằng kích thích điện qua đường âm đạo. Phương pháp chữa trị không đau này có khả năng mang lại hiệu quả ở hơn 80% các trường hợp nếu duy trì thường xuyên.
- Điều trị TKKS do gắng sức bằng phẫu thuật chỉ đặt ra với những phụ nữ bị rối loạn nặng (khoảng 15% số người) mà phương pháp phục hồi chức năng thất bại. Ngày nay dùng kỹ thuật mới ít gây chấn thương làm căng lại các dây chằng đỡ niệu đạo bằng gây tê tại chỗ… Trong khoảng 30 phút.
- Ghép van thay cơ hoặc tiêm chất sơ làm khít đường tiểu để nước tiểu không thể thoát ra ngoài một cách vô tổ chức.
MC Hồng Phúc: Thưa bác sĩ, tập phục hồi chức năng ngoài chữa tiểu không kiểm soát còn có tác dụng gì nữa?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Tập phục hồi chức năng không phải là một phương pháp mới nhưng nó giúp phục hồi các cơ ở vùng đáy chậu. Đây là các cơ rất quan trọng trong việc đóng - mở các đường tự nhiên như: niệu đạo, âm đạo, trực tràng... Trong quá trình thai nghén và sinh nở, các cơ này có thể yếu đi hoặc bị thương ngầm, tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh. Bài tập này sẽ giúp người phụ nữ biết cách để co cơ như thế nào cho đúng và làm mạnh các cơ đấy, giúp các cơ được bơm máu, tưới máu tốt hơn, cũng làm gợi lại phản xạ thần kinh cho các cơ đấy.
Bài tập này có thể có những hỗ trợ như kích thích điện (có dòng điện chạy qua, kích thích sự phát triển lại của mạch máu, thần kinh tốt hơn), phản ứng sinh học (thay vì bác sĩ hô tập và đánh giá thì thay vào đó người phụ nữ có thể nhìn thấy việc tập của mình trên màn hình và thấy sự tiến bộ từng ngày).
Bên cạnh việc chữa tiểu không kiểm soát, các bài tập này còn có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các chức năng, cải thiện sinh hoạt tình dục do giảm đau, làm khít âm đạo, tăng cảm giác ham muốn và dễ đạt sự thỏa mãn.
Các bài tập có thể tăng cường độ theo từng ngày để hồi phục một cách tốt nhất các cơ bị tổn thương.
Một số trường hợp tổn thương rộng cần phối hợp với phẫu thuật sửa chữa phục hồi lại giải phẫu của âm đạo và tầng sinh môn. Phẫu thuật có thể kết hợp giải quyết 2 vấn đề về hệ tiết niệu và sa-rộng bộ phận sinh dục, đồng thời mang lại vẻ đẹp cho người phụ nữ như trước khi sinh nở.
Trong các trường hợp đã được hướng dẫn tập, nhiều phụ nữ cho biết, phương pháp này rất hiệu quả, mang đến cảm giác thư thái cho các phụ nữ này.
 
MC Hồng Phúc: Độc giả Nguyễn Phương Linh ở Hoàng Mai, Hà Nội có hỏi: "Tôi sinh được 4 cháu và các cháu đã lớn. 20 năm nay tôi bị tình trạng giống như trong chương trình nói là són tiểu khi ho, khi cười. Mỗi lần ho hay cười tôi hay ra nước tiểu rất khó chịu. Vậy xin được hỏi bác sĩ là ở cơ sở y tế nào có thể điều trị được bệnh này?". 
Bs. Nguyễn Thị Thân Sinh: Cho đến nay cũng không có nhiều cơ sở để tập phục hồi chức năng cho các chị em. Chị em có thể tập với các thầy thuốc có kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - đơn vị có hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị căn bệnh này.
MC Hồng Phúc: Một độc giả gửi câu hỏi tới chương trình hỏi: Thưa bác sĩ, chị tôi bị bệnh giống như kể trên nhưng rất ngại mổ. Vậy nếu tập thì có thể đến cơ sở nào để được tư vấn và điều trị?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Tuy bệnh TKKS và các chứng rối loạn chức năng sinh dục – tiết niệu ở phụ nữ sau sinh chiếm tỷ lệ khá lớn trong chị em nhưng không có nhiều bệnh nhân và bác sĩ quan tâm đến dù chữa không quá khó.
Ở ngay khu vực Hà Nội, để tìm một nơi có đủ cả 4 phương pháp chứa bệnh nói trên không dễ. Một vài nơi bệnh nhân có thể tìm đến chữa bệnh này như BV Phụ sản, BV Việt Đức… BV Đa khoa Quốc tế Vinmec mới mở một đơn vị điều trị những rối loạn chức năng sau sinh, có những phương tiện chẩn đoán, điều trị cho chị em.
MC Hồng Phúc: Xin được hỏi bác sĩ có lời khuyên gì đối với các trường hơp mắc TKKS?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Điều đầu tiên tôi muốn khuyên các chị em là đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Việc điều trị nhiều khi rất đơn giản nhưng hiệu quả chữa bệnh cao, giúp chị em tìm lại được hình ảnh và sự tự tin của mình. Từ đó chất lượng sống của bạn được cải thiện hơn hẳn.
MC Hồng PhúcTheo bác sĩ, có cách nào để phòng được các rối loạn chức năng sinh dục - tiết niệu sau sinh hay không?
Bs. Nguyễn Thị Tân Sinh: Ngành y tế luôn đề cao phương châm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu biết được bệnh đến từ nguyên nhân nào thì chúng ta có thể hoàn toàn tìm ra cách để chữa trị. Phòng bệnh thì sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với chữa bệnh về sức khỏe, về thời gian, về tiền bạc.
Phòng bệnh dựa trên việc loại trừ các yếu tố nguy cơ:
- Uống đủ nước, không nhịn đi tiểu quá lâu.
- Chữa các bệnh mãn tính: ho kéo dài, táo bón, tiểu đường, viêm tiết niệu mãn tính, thừa cân-béo phì.
- Không tăng cân quá mức khi mang thai, bởi vì bản thân tăng cân quá mức đã là gánh nặng cho vùng chậu. Không nên có suy nghĩ phải đi mổ sinh để không bị tiểu không kiểm soát.
- Tập cơ đáy chậu trong và ngay sau khi sinh.
- Duy trì tập theo phương pháp Kegel 2-3 lần/ngày.
MC Hồng Phúc: Thưa các bạn, chúng ta vừa được bác sỹ cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó trưởng Khoa Phụ sản, Trưởng đơn vị điều trị rối loạn dinh dục - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tư vấn, giải đáp những thắc mắc liên quan đến rối loạn sinh dục - tiết niệu ở phụ nữ sau sinh. Còn khá nhiều câu hỏi của khán giả và độc giả liên quan đến chủ đề hôm nay nhưng do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi sẽ gửi đến các bác sĩ để trả lời quý vị và các bạn sớm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ Tân Sinh đã nhiệt tình tham gia và trả lời những câu hỏi, thắc mắc của quý độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!
Xin hẹn gặp lại ở cuộc giao lưu trực tuyến lần sau!
Kienthuc.net.vn

Bình luận(0)