Tự đóng vai “bác sỹ”, tưởng như chỉ có thể xảy ra trong các trò chơi của con trẻ, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Họ tự chữa bệnh cho mình nên đã dẫn đến cảnh dở khóc, dở cười. Có trường hợp phải nhập viện cấp cứu như anh L.M.D đến viện trong tình trạng tụ máu vùng bìu do... tự cắt tinh hoàn trái, vết cắt được khâu lại rất sơ sài bằng chỉ may thông thường.
Những “thần y” tự xử...
Gần đây nhất, ngày 12/10, tin tức về một người đàn ông 57 tuổi, tên N. quê Cà Mau, phải nhập viện trong tình trạng bị sưng to ở “cậu nhỏ”, gây đau tức... Theo bệnh nhân này trình bày với bác sỹ, cách đây khoảng một năm rưỡi, ông nghe lời bạn bè tự bơm silicon lỏng vào dưới da dương vật để tăng kích thước. Tuy nhiên, khoảng mấy tháng nay, silicon dồn về tạo thành một khối cứng bất thường, biến dạng, gây đau đớn. Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy ra một lượng khá lớn silicon. Trường hợp tự làm “bác sỹ” của ông N. được xem là ví dụ phản ánh thực trạng này.
Chúng tôi cũng được một bác sỹ phẫu thuật, tạo hình làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội chia sẻ về câu chuyện "tự xử" của nhiều nam giới để “nâng cấp" “khả năng đàn ông” bằng cách tự bơm silicon. Không chỉ đàn ông Việt Nam mà ngay cả đàn ông nước ngoài thay vì tìm đến bác sỹ thẩm mỹ lại tự mình làm "bác sỹ”.
Bệnh nhân Choi người Hàn Quốc, 32 tuổi (đang làm việc tại Việt Nam- PV) vào một bệnh viện ở Hà Nội trong tình trạng nhiễm trùng toàn bộ “đầu cậu bé” do tiêm silicon lỏng. Theo lời kể của bệnh nhân này, vì bị cô người yêu chê khả năng chăn gối nên Choi đã tự “lên đời cậu nhỏ". Do vết thương khá nặng, lại ở vùng kín nên việc điều trị cho Choi gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ tự làm “bác sỹ thẩm mỹ”, nhiều người còn mạo hiểm làm “bác sỹ nam khoa” cho mình. Trường hợp bệnh nhân L.M.D. (25 tuổi, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ), từng được bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ điều trị cho thấy nguy cơ nhãn tiền từ việc chữa bệnh theo kiểu “mách nước”.
Anh L.M.D đến viện trong tình trạng tụ máu vùng bìu do... tự cắt tinh hoàn trái, vết cắt được khâu lại rất sơ sài bằng loại chỉ may đồ thông thường bị bung ra. Bệnh nhân bị mất khoảng 600 ml máu, phải kẹp cầm máu và khâu lại. Lý giải cho quyết định này, bệnh nhân tâm sự là nghe bạn bè rủ nên đến nhà người quen để cắt một bên tinh hoàn với lý do “bị đau rất khó chịu”. Thanh niên này còn hồn nhiên cho biết có vài người bạn đã cắt rồi nên làm theo?!
“Điếc không sợ súng”
Không chỉ tự làm “bác sỹ thẩm mỹ” hay “bác sỹ nam học”, không ít người còn tự làm “thầy thuốc đông y” nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Đặc biệt, loại thuốc họ tự bắt mạch kê đơn chủ yếu theo kiểu thu thập, tham khảo, truyền tai từ bạn bè hoặc từ chính những đối tượng buôn bán các sản phẩm này.
Nằm khiêm tốn trên tầng 2 của một dãy nhà trong bệnh viện Bạch Mai nhưng những người bệnh đến điều trị tại trung tâm Dị ứng - Lâm sàng bệnh viện Bạch Mai lại có chung một điểm là nhập viện chủ yếu là mắc bệnh do... tự mình rước bệnh.
Chia sẻ với PV, bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, trung tâm Dị ứng – Lâm sàng kể lại một vài trường hợp nhập viện chỉ vì tự “ngâm cứu” tác dụng và chữa bệnh bằng các sản phẩm từ động vật quý hiếm.
Trường hợp của một cụ ông (quê Bắc Ninh) từng phải cấp cứu sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện huyện không đỡ mà triệu chứng dị ứng còn nặng hơn. Bệnh nhân này cho biết, sau một lần bị ngã, bôi mật gấu mãi không đỡ đau lưng, cụ lấy mật gấu ra uống cho nhanh khỏi. Hai ngày sau, toàn thân cụ mẩn ngứa và phải vào viện điều trị. Khi vào viện da cụ bị bong tróc, khó chịu kèm theo những tổn thương cho gan, thận.
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, người thường xuyên tiếp xúc với các ca cấp cứu do dị ứng thì bệnh nhân bị dị ứng thuốc tây các bác sỹ còn biết rõ thành phần thuốc, còn những người tự điều trị kiểu lang băm thì rất khó lường.
Từng có bệnh nhân bỏ ra gần 6.000 USD để mua một lạng bột sừng tê giác với hy vọng giúp chữa khỏi hẳn bệnh nhiệt miệng gây khó chịu lâu nay. Bệnh nhân phân trần với các bác sỹ, do đọc nhiều tài liệu có nói công dụng của sừng tê giác rất tốt với tác dụng như hạ sốt, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, hơn nữa với mức giá không hề rẻ như vậy ông này tin vào công dụng của nó.
Tuy nhiên, sau khi uống được 2 ngày, thay vì hết nhiệt miệng, bệnh nhân bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ ở mặt, ngứa và đau rát, sau đó lan ra hai cánh tay, sốt nhẹ. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm độc da do dị ứng.
Một vị bác sỹ từng vất vả trong việc điều trị cho các bệnh nhân bị viêm màng não mủ “mất đầu” (viêm màng não mủ được điều trị phủ đầu bằng kháng sinh) kể lại cho PV tình huống kỳ quái. Thay vì đến bệnh viện, bệnh nhân và người nhà lại tự mua thuốc điều trị dẫn đến khó khăn kéo dài, tốn kém trong điều trị.
Vị này chia sẻ với PV, khi ông hỏi người bệnh rằng có khi nào mang ti vi ra tự sửa hay không? Người bệnh khẳng định rằng: “Họ không phải kỹ sư điện nên làm sao sửa được ti vi”. Nhưng khi vị bác sỹ này “vặn” lại người bệnh rằng: “Vậy anh đâu phải bác sỹ sao lại tự bắt bệnh, tự kê đơn thuốc cho mình?” Bệnh nhân lại “hồn nhiên” khẳng định rằng, “nhiều người “mách” em cách chữa vì họ đã chữa và khỏi bệnh?!”.
Nghịch lý “tự làm bác sỹ” vẫn đang tồn tại như một sự thật hiển nhiên. Song, hy vọng rằng với những bài học nhãn tiền mà chúng tôi nêu trên, nhiều người sẽ lấy đó mà tự răn mình.
Tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà dễ gây biến chứng
Trước tình hình diễn biến của dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà rất dễ xảy ra biến chứng như: Xuất huyết nội tạng, chảy máu khó cầm, sốc... những biến chứng này rất hay xảy ra ở những người có sẵn bệnh mãn tính. Phát biểu tại buổi triển khai Chiến dịch diệt loăng quăng ngày 16/10, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Sốt xuất huyết Dengue hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng lớn trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Bệnh hiện đang lưu hành tại 128 quốc gia trên thế giới với khoảng 3,9 tỉ người sống trong vùng nguy cơ".
Thông tin từ trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số quốc gia trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong tăng nhanh trong các tuần gần đây. Tại Brazil, số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng cao gần 700 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2015 đến 7/10/2015 tại quốc gia này đã ghi nhận 693 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.