Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của bạch tuộc và sự thật ăn bạch tuộc

Google News

Bạch tuộc đang là đặc sản ở nhiều nhà hàng, quán vỉa hè và tin đồn ăn bạch tuộc như thần dược làm tăng bản lĩnh đàn ông khiến chị em ráo riết mua về chế biến món ngon tẩm bổ cho chồng và người thân.

Bạch tuộc bổ dưỡng nhưng không phải "thần dược bản lĩnh" của đàn ông

Đang là thời điểm khai thác bạch tuộc (ngư dân hay gọi là mực dái), mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con ngư dân – cũng là mùa ăn bạch tuộc ngon nhất, giá rẻ nhất trong năm.

Bạch tuộc phân bố chủ yếu ở khu vực ven bờ, rất thích hợp với đánh bắt bằng ghe nhỏ. Ngư dân đánh bắt bạch tuộc bằng tàu giã cào ở xa bờ và câu bằng thuyền thúng. Nhưng kinh nghiệm của nhiều ngư dân cho thấy đi thuyền thúng câu bạch tuộc cách bờ 1-2 hải lý, phải đi biển từ 3 giờ sáng nhưng gần bờ nên con bạch tuộc đánh bắt lên còn tươi rói, ăn ngon hơn đánh lưới giã cào nên bán cao hơn.

Bạch tuộc đánh bắt ở biển xong đưa vào bờ được thương lái thu mua, phân loại và rửa sạch đóng bao đem về bán cho các nhà hàng chế biến thành các món ngon như bạch tuộc nướng chay, bạch tuộc nướng sa tế, chiên, hấp, nhúng giấm, nhúng mẻ, nhúng lá me, gỏi, cháo... ở các nhà hàng, quán ăn vùng du lịch biển.

Món ăn từ bạch tuộc không ngọt bằng mực tươi, nhưng mùi thơm khó cưỡng của nó giờ có mặt ở nhiều phố ẩm thực, chinh phục dân nhậu từ hàng quán vỉa hè tới nhà hàng – nhất là món râu bạch tuộc nướng vừa dai vừa giòn, bổ dưỡng cho sức khỏe - đặc biệt hấp dẫn vì có khả "nâng cao khả năng sinh lý" cho các quý ông thích ăn nhậu – nhất là món bạch tuộc sống chấm mù tạt ngon bổ rẻ hơn cả hàu sống.

Theo BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM - web Thuơng Hiệu và Pháp Luật), 100g thịt bạch tuộc chứa 59 Kcal (năng lượng rất thấp so với các loại hải sản khác), 84,9g nước (nhiều nước giúp no nhanh), 13,3g đạm, 0,6g chất béo (rất thấp), và các khoáng chất calci, phospho, sắt, vitamin thiết yếu như vitamin A, B1, B2, PP... Nói chung là thịt bạch tuộc rất giàu dinh dưỡng, protein, chất béo, chất bột đường, các nguyên tố vi lượng, và cả taurine tốt cho điều hòa huyết áp, dưỡng khí, dưỡng huyết. I-ốt trong thịt bạch tuộc rất bổ dưỡng trí não.

Người ốm, thiếu máu, nhẹ cân, phụ nữ sau sinh… ăn thịt bạch tuộc rất tốt cho phục hồi sức khỏe, là món ăn tuyệt vời bổ dưỡng cơ thể mà không quá giàu đạm và dưỡng chất

Người sợ béo ăn thịt bạch tuộc không sợ dư cân béo phì, mà cơ thể vẫn đủ khoáng chất, vitamin cần thiết.

Riêng việc tăng bản lĩnh phòng the ở đàn ông thì BS Đào Thị Yến Thủy cho rằng, thịt bạch tuộc đúng là có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể, hàm lượng Arginine trong bạch tuộc rất cao, có thể cải thiện chức năng tình dục của nam giới và cũng thúc đẩy sự hình thành của tinh trùng – nhưng chưa có xác nhận nào khẳng định ăn thịt bạch tuộc có thể tăng bản lĩnh cho đàn ông khi lâm trận – mà có thể chỉ là những tin đồn nhằm thu hút thực khách.

Gia tri dinh duong tuyet voi cua bach tuoc va su that an bach tuoc

Bạch tuộc đánh bắt bằng thuyền thúng tươi ngon nhất. Ảnh internet.

Lời khuyên khi ăn bạch tuộc vừa ngon miệng, vừa bảo vệ mình

Bạch tuộc có tới hơn 300 loài khác nhau, là hải sản rất phổ biến, nhưng không phải loài nào cũng làm thực phẩm – bởi vô tình ăn phải bạch tuộc có độc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Để ăn bạch tuộc an toàn cần chú ý:

- Nên chọn ăn những con bạch tuộc tươi sống, có đầu không bị đứt rời, túi mực không bị giập. Tốt nhất là ăn tại các nhà hàng có uy tín, chế biến kỹ món này để thực khách ăn uống được an toàn.

- Cơ địa mỗi người mỗi khác, nhưng không nên mạo hiểm thử món bạch tuộc sống – bởi ăn kiểu này rất dễ bị xúc tu bạch tuộc bám vào cổ họng – có thể gây ngạt thở, đe dọa tính mạng.

- Bạch tuộc rất dễ gây dị ứng cho người ăn nhiều, người có cơ địa dễ dị ứng – do sinh ra chất Histamine tự do (bạch tuộc chết càng lâu thì chất độc này càng nhiều), khi vào cơ thể sẽ gây ngứa, mẩn đỏ, hạ huyết áp… Ngoài ra trong thịt bạch tuộc còn có rất nhiều vi sinh vật, vi khuẩn có hại khiến người cơ địa yếu có thể bị nôn mửa, đau đầu, ngứa ngáy cơ thể... dù món ăn đã được nấu chín ở nhiệt độ cao.

Vì vậy người có tiền sử bị dị ứng với hải sản nên cẩn thận, hãy ăn thử một lượng nhỏ, nếu thấy cơ thể không có gì bất thường thì ăn tiếp. Nếu có dấu hiệu dị ứng thì ngừng ăn và tới bệnh viện chuyên khoa sớm để được giúp đỡ trước khi tình trạng xấu hơn.

Gia tri dinh duong tuyet voi cua bach tuoc va su that an bach tuoc-Hinh-2

Người ít kinh nghiệm tốt nhất là ăn món bạch tuộc tại các nhà hàng có uy tín cho an toàn. Ảnh internet.

Lưu ý chọn mua bạch tuộc

Bạch tuộc tươi là loại mới đánh bắt về, còn tươi sống để làm món ăn sống.

Bạch tuộc vào đất liền bảo quản còn tươi ngon là đầu không bị đứt rời, túi mực không bị giập. Mắt long lanh, trong sáng. Da dưới bụng của bạch tuộc tươi có màu trắng sáng, mịn và trơn.

Tốt nhất là chọn loại tươi sống, đang bơi trong bể, di chuyển nhanh nhẹn, khi vớt ra còn chuyển động linh hoạt.

Phần thân bạch tuộc tươi sơ không thấy bị mềm nhũn, hay lõng bõng nước, ấn nhẹ phần thịt thấy có tính đàn hồi.

Bạch tuộc đông lạnh được ướp đá để giữ nguyên độ tươi ngon. Khi mua hãy quan sát:

- Con bạch tuộc tươi mắt nó vẫn trong sáng - dù đã được ướp đá.

- Da lưng bạch tuộc có màu nâu xám, hoặc nâu hơi ánh xanh. Lật giở phần dưới thì thấy các thớ thịt màu trắng sáng. Da thân bạch tuộc trơn, mịn (không bị trương phình).

Gia tri dinh duong tuyet voi cua bach tuoc va su that an bach tuoc-Hinh-3

Bạch tuộc chấm mù tát rất hấp dẫn quý ông. Ảnh internet.

Tránh xa những con bạch tuộc có dấu hiệu sau

- Tránh mua bạch tuộc tròng mắt đục, có mùi tanh, khẳm... là đã bị ươn.

- Tránh mua bạch tuộc phần da dưới bụng màu trắng – là đã để lâu ngày, hoặc đã bị ngâm nước.

- Tránh mua bạch tuộc da bị nhão, rách, thân mềm hoặc nhũn vì đã hỏng - tuyệt đối tránh loại bạch tuộc có chảy nước đen, mùi tanh khó chịu vì nó chết lâu rồi.

Bạch tuộc bảo quản đông lạnh quá lâu giá trị dinh dưỡng bị giảm đi rất nhiều, còn tăng thêm nguy cơ ngộ độc vi sinh vật. Da bạch tuộc để đông lạnh quá lâu chuyển sang màu trắng ngà, hoặc trắng đục ăn không còn ngon ngọt nữa.

- Tránh xa những con bạch tuộc thân có nhiều đốm xanh vì chúng có độc tố thần kinh Tetrodotoxin rất mạnh là (gây tê môi, lưỡi, miệng, ngón chân, tay, khó thở…).

- Sau khi ăn bạch tuộc nếu thấy có dấu hiệu vã mồ hôi, miệng lưỡi, các ngón chân, ngón tay bị tê cứng, buồn nôn, đau bụng, tụt huyết áp… là đã bị ngộ độc, cần đưa tới bệnh viện ngay kẻo có thể dẫn đến tử vong rất nhanh.

Lưu ý khi chế biến bạch tuộc

- Nướng thịt bạch tuộc tới khi cảm nhận thấy mùi thơm vừa chín tới. Không nên nướng lâu vì món ăn sẽ bị dai, cứng.

- Món bạch tuộc luộc chỉ khoảng 10 phút là đủ chín tới.

- Bạch tuộc nhúng giấm chỉ cần sơ chế sạch, thả từng miếng vào nước dấm sôi (có sẵn hành tím, hành tây, sả, tỏi băm nhỏ ), vặn to lửa đến khi nước sôi sùng sục lại là vừa chín. Tránh nhúng bạch tuộc quá lâu vì mất độ giòn, ngon, ngọt.


Theo Ngọc Hà/Gia đình & Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)