Trong căn phòng rộng hơn 20m2, hai chiếc giường nhỏ được kê sát nhau, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (SN 1942, quê gốc Đà Nẵng) đang lật mở từng trang album để xem hình con cháu. Chồng bà - ông Nguyễn Gia Hiểu (SN 1936, Hà Nội) - đang đọc nốt tờ báo cũ.
Cách đây 1 năm, vợ chồng bà Sơn quyết định vào viện dưỡng lão ở huyện Thanh Oai, Hà Nội để an hưởng tuổi già. Bà nói, đây có thể không phải là phương án tốt nhất nhưng là giải pháp phù hợp.
Vợ chồng bà Sơn – ông Hiểu đã có hơn 50 năm bên nhau. Ông bà sinh được 2 cô con gái, cả hai đều đã lập gia đình và định cư ở nước ngoài.
Trước khi vào viện dưỡng lão, ông bà sống tại một căn chung cư ở Hà Nội. Các con thuê người giúp việc theo giờ cho bố mẹ để đỡ đần việc nhà, cơm nước,...
Nhưng những năm gần đây, căn bệnh Parkinson của ông Hiểu và bệnh Alzheimer của bà Sơn trở nặng. Lo lắng không thể tự xoay xở đêm hôm, ông bà bàn với con chuyển đến viện dưỡng lão.
Năm 2023, đôi vợ chồng già chính thức trở thành một phần của mái ấm này.
Bà thừa nhận, khi lựa chọn vào viện dưỡng lão, bà rất đắn đo. Ngay cả khi đã quen với cuộc sống nơi đây, bà vẫn nhớ đến lúc vui vầy bên con cháu.
Thế nhưng, các con có công việc và cuộc sống riêng nên bà không muốn trở thành mối bận tâm đau đáu của con cái. Bà chọn lùi lại một bước để các con được yên tâm.
“Vợ chồng tôi muốn các con được học hành, phát triển nên quyết định như vậy. May mà vợ chồng tôi được ở cùng nhau, được nhìn thấy nhau mỗi ngày là đã an tâm rồi”, bà Sơn chia sẻ.
Một buổi tổ chức sinh nhật của ông bà. Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp
Trong căn phòng nhỏ trên tầng 4, vợ chồng bà Sơn được nhân viên chăm sóc chu đáo:
“Ở đây, chúng tôi sinh hoạt điều độ theo giờ giấc, các bữa ăn rất ngon, thực đơn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng.
Hàng ngày, ông ấy được tham gia các buổi tập trị liệu, rất tốt cho căn bệnh Parkinson. Ngoài ra, ông ấy được các cháu phụ giúp tắm rửa, còn bản thân tôi vẫn tự làm được nên chủ động”, bà nói.
Khi vào đây, bà Sơn mang theo một cuốn album dày, bên trong có ảnh kỷ niệm của hai ông bà và gia đình. Mỗi khi nhớ con cháu, bà lại rủ chồng đến cùng xem rồi ôn lại kỷ niệm.
Mỗi bức ảnh, ông bà nhìn đi nhìn lại rất kỹ, rồi nhắc lại cho nhau nghe chuyện ngày xưa của các con, các cháu.
“Thực ra, cũng có những khoảnh khắc tôi thấy buồn và nhớ các con, đặc biệt là sự hồn nhiên, nhí nhảnh của các cháu. Thi thoảng, tôi rất muốn được gặp tụi nhỏ nhưng gặp sao được, khoảng cách mấy nghìn cây số không phải nói về là có thể về.
Tuy nhiên, tôi không thấy tủi thân. Các con vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, trò chuyện với chúng tôi. Tết Nguyên đán 2024, các con từ Pháp về Việt Nam, đón chúng tôi về nhà ăn Tết. Thấy các con sống tốt, vui vẻ, khỏe mạnh, vợ chồng tôi cũng yên lòng”, bà kể.
Ngọt ngào từ cách xưng hô
Ở tuổi U90, bà Sơn, ông Hiểu vẫn xưng hô “anh – em”. Khi nhắc đến chồng, đôi mắt bà lấp lánh niềm vui và tự hào. Bà nhỏ giọng trêu đùa: “Năm xưa khi vừa cưới xong, anh sang Hungary công tác, bắt em đợi 6 năm mới quay về. Anh còn nhớ không?”.
Ông Hiểu có chút lãng tai nhưng thấy vợ cười, ông cũng mỉm cười theo.
“Năm xưa, chúng tôi học chung ở Trường Đại học Bách Khoa. Cưới xong, ông ấy sang Hungary công tác, tôi ở lại Việt Nam làm việc. Mấy năm sau ông quay về, chúng tôi mới sinh con đẻ cái”, bà Sơn kể.
Mấy chục năm gắn bó, đồng cam cộng khổ, bà Sơn và ông Hiểu đã trở thành chỗ dựa vững chãi của nhau. Có vợ có chồng, bà Sơn luôn cảm thấy vững lòng.
Hàng ngày, tại viện dưỡng lão, đôi vợ chồng già nhắc nhở nhau ăn cơm, uống thuốc, nghỉ ngơi. Mỗi khi viện dưỡng lão có hoạt động chung, hai ông bà lại dắt nhau đến tham dự.
“Mỗi đêm tỉnh giấc, thấy ông ấy nằm giường bên cạnh, tôi lại yên tâm ngủ tiếp. Cái bóng của ông ấy giúp tôi vững vàng hơn rất nhiều”, bà tâm sự.