Đồ chơi bán cân dễ khiến con bạn bị tâm thần, ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Các bà mẹ đừng mua loại đồ chơi bán cân bằng nhựa tái chế giá 80.000 đồng/kg vì chúng chứa rất nhiều chất độc hại. 

80.000đ/kg đồ chơi là một mức giá quá rẻ so với các loại đồ chơi mua riêng lẻ. đây là lý do khiến nhiều phụ huynh tìm mua mà không đắn đo cân nhắc nhiều về những tác hại của nó. Theo các chuyên gia, loại đồ chơi bán cân này được làm bằng nhựa tái chế với đủ loại thành phần độc hại, chính là kẻ thù với sức khoẻ của trẻ em.
Đồ chơi rẻ như cho
Không khó để tìm được điểm bán đồ chơi trẻ em theo cân. Ở một số tỉnh như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội... đồ chơi bán cân được bày bán nhiều ở chợ, vỉa hè. Với mức giá là 80.000đ/kg, bộ đồ chơi này gồm nhiều món đồ khác nhau, nhiều thì hàng trăm món, ít thì cũng vài chục món đồ. So với mức giá của các loại đồ chơi thông thường bán lẻ khác, đây là mức giá chỉ rẻ bằng một nửa hoặc 1/3 khiến nhiều phụ huynh lựa chọn. 
Theo quan sát thì loại đồ chơi này được đổ đống trên vỉa hè, không đóng túi, nhãn mác. Màu sắc của các món đồ không tươi sáng mà xỉn màu, xù xì và tương đối thủ công, dễ phân biệt so với các loại thông thường khác. Người bán hàng quảng cáo đây là đồ chơi do Việt Nam sản xuất nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng. 
Chưa cần phải thực hiện phân tích mẫu vật, TS Đặng Quang Khoa, Viện Hóa học đã có thể khẳng định ngay rằng, loại đồ chơi bán cân này được làm từ nhựa tái sinh. Chỉ có nhựa tái sinh mới có màu sắc và hình thức như thế. Hiện, lĩnh vực gia công nhựa ở Việt Nam gần như chưa được kiểm soát về chất lượng. Trong quá trình gia công nhựa, người ta có thể đưa vào một số chất hóa dẻo, chất phụ gia. 
Đặc biệt, các sản phẩm có chứa chất hóa dẻo khi ở nhiệt độ cao sẽ thải ra chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người như tim mạch, tuần hoàn máu hay thậm chí có thể gây ra bệnh tâm thần, ung thư... khó kiểm soát. Trẻ em là đối tượng dễ mẫn cảm với các thành phần hóa chất độc hại, nếu tiếp xúc, chơi, gặm các loại đồ chơi này thì nguy cơ nhiễm độc là khó tránh khỏi.
Nguyên liệu của nhựa tái sinh từ rất nhiều nguồn, có thể từ các loại phế thải thu gom ở các thùng rác, rác thải y tế... do điều kiện cơ sở, công nghệ, máy móc chưa cao nên thường sơ chế một cách sơ sài, miễn sao ra được hạt nhựa để bán ra ngoài. “Bạn cứ tưởng tượng con mình cầm một đồ chơi có nguyên liệu bẩn thỉu như ở trong đống rác, mà con bạn ngậm vào miệng, thì nguy hại thế nào”, TS Đặng Quang Khoa nhấn mạnh. 
Do choi ban can la ke thu cua suc khoe tre em
 
Nói không với nhựa tái sinh
TS Đặng Quang Khoa cho hay, ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người. Nhựa tái chế là loại nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung, rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không làm sạch nên trong quá trình đưa vào nhựa hóa, các hóa chất đọng lại trong đó sẽ khuếch tán ra ngoài. Nhựa phế phẩm khi muốn tái chế phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp. Có thể nói đây là phép cộng của rất nhiều loại hóa chất độc hại, trẻ em tiếp xúc thì rất dễ bị phơi nhiễm 
TS Lê Anh Dũng, chuyên gia về thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em cho biết, người tiêu dùng nên dùng loại đồ chơi bằng nhựa có màu sắc rõ ràng, sắc nét, trong suốt. Trẻ tiếp xúc với đồ chơi độc hại, có thể không ốm ngay, mắc bệnh ngay nhưng về lâu dài thì những chất độc hại này chính là mầm mống của các bệnh như tiêu hóa, khí quản. Nhiều người cho rằng, vì đã trót mua rồi thì có thể rửa sạch để dùng, nhưng ngay cả khi được tẩy rửa bằng các hóa chất đặc dụng thì chất độc có trong nguyên liệu cũng vẫn không thể mất đi được. Tốt nhất là loại bỏ những đồ chơi đó ra khỏi hệ thống đồ chơi của trẻ.
Hiện nay đã có quy định về việc dán nhãn đồ chơi an toàn cho trẻ em, khi lựa chọn đồ chơi, tốt nhất là các phụ huynh nên để ý đến tem nhãn, đồ chơi đã được kiểm định an toàn thì mới mua.
Theo các chuyên gia, đồ chơi bằng nhựa, dù là nhựa sạch cũng không được khuyến khích sử dụng. Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. 
Bảo Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)