|
Trẻ bị TCM đang gia tăng ở TPHCM. |
Ngày 15/5, tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại TPHCM. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pastuer TPHCM cho biết, bệnh tay chân miệng (TCM) đang vào mùa. Theo giám sát, năm nay chủng EV 71 - bệnh tay chân miệng do virus enterovirus 71 thường diễn tiến rất nhanh, gây tổn thương phổi, não, tim chỉ trong hai ba ngày đầu mắc bệnh và có thể dẫn đến tử vong, sẽ tiếp tục tăng cao, khả năng diễn biến còn tăng hơn năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 4 chỉ số côn trùng tăng thì qua tháng sau bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ tăng, nhất là miền Nam đang bước vào mùa mưa.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng TPHCM cho rằng, khi so sánh với năm ngoái, bệnh do virus gia tăng như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Tuy nhiên, số bệnh nhân tỉnh mắc bệnh truyền nhiễm chiếm 30 - 50% điều trị nội trú tại TPHCM, đặc biệt bệnh tay chân miệng, sốt phát ban chiếm 50%. Bên cạnh đó, TPHCM có 4 điểm nóng về các bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết là quận 8, quận Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh (dân số đông mà nhân viên y tế ít). Bệnh TCM hiện đang vào đỉnh dịch nên số ca mắc TCM tăng 28% so với cùng kỳ và đang đi vào đỉnh dịch đầu tiên của năm. TPHCM đang cố gắng, giám sát virus, vệ sinh dịch tể để phòng chống để tránh lây lan, hiện chưa có ca tử vong.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo, tình hình bệnh TCM đang vào đỉnh dịch, mặc dù chưa có trường hợp tử vong nào, nhưng cần phải hết sức cảnh giác. Hiện tại chưa có văcxin phòng bệnh, phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường 1 hoặc 2 lần trong ngày. Đồng thời, cho trẻ ăn uống chín, không ăn chung thìa, bát, tránh tiếp xúc gần với trẻ đã mắc bệnh. Khi trẻ đã được xác định bị bệnh, phải cho nghỉ học ngay và báo với nhà trường để vệ sinh trường học, tránh lây lan thành đại dịch.
Triệu chứng bệnh TCM: Xuất hiện những nốt hồng ban tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, loét miệng, có hoặc không sốt. Khoảng 90% trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi, nếu mắc nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 - 400, nôn, tiêu chảy, ăn ngủ kém, giật mình nhiều khi ngủ thì nên đưa đến các cơ sở y tế để khám, điều trị để tránh biến chứng nặng và tử vong.
(Nguồn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM)