Theo ghi nhận của PV tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, những ca mắc sốt xuất huyết của miền Bắc bắt đầu xuất hiện với số lượng nhỏ lẻ. Đa phần trong nhóm này có tiền sử trở về từ các tỉnh, thành phố miền Nam.
Dù vậy, dịch sốt xuất huyết được các chuyên gia và ngành y tế dự báo sẽ sớm lan rộng tại miền Bắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, do đặc điểm về thời tiết, khí hậu, số lượng ca mắc có thể sẽ không lớn như ở các tỉnh, thành phố miền Nam đang ghi nhận.
Hà Nội ghi nhận hơn 50 ca sốt xuất huyết trong 7 ngày qua
Cách đây 5 ngày, bà N.C.T. (50 tuổi, trú tại Hà Nội), bắt đầu có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ăn uống kém. Tình trạng này tiếp tục duy trì suốt những ngày sau đó dù bà đã tự uống thuốc, chăm sóc tại nhà và buộc phải tới khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tại đây, bác sĩ Nguyễn Đình Tới, khoa Bệnh Nghề nghiệp, cho biết bệnh nhân đã được xét nghiệm và phát hiện tình trạng giảm tiểu cầu, xuất huyết niêm mạc. Sau khi hội chẩn, bà được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
|
Bà N.C.T. được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Mạnh Quân.
|
Theo thông tin từ cơ sở y tế này, đây chỉ là một trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết được Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận trong thời gian qua.
Trao đổi với báo chí, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, cho biết số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại đây hiện chưa quá nhiều, chỉ lác đác vài ca. Tìm hiểu sâu về lịch sử dịch tễ cho thấy một số trường hợp cũng từng trở về từ miền Trung và miền Nam.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, cơ sở y tế này liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có tiền sử đi du lịch, đi công tác về từ phía Nam.
Điển hình trong số này là nam sinh 17 tuổi ở Hải Dương, đi du lịch ở Bình Chánh (TP.HCM). Sau 6 ngày từ khi quay lại Hải Dương, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau đầu, đau người, da và mắt đỏ xung huyết và có biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết.
Một trường hợp khác là người đàn ông 38 tuổi, quê ở Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy Nam - Bắc. Bệnh nhân vừa qua đã chạy xe từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn.
Ông có biểu hiện sốt từ nhà, khi đến Lạng Sơn, xuất hiện triệu chứng của sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật. Bệnh nhân lúc này mới được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.
Sau khi được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm, kết quả cho thấy ông dương tính với sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ còn 70 G/L. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não - màng não.
Hay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi T.T.B.N. (nữ, 7 tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định) có tiền sử trở về từ Bình Dương.
|
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết được bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám. Ảnh: BVCC.
|
“Sau khi trở về Nam Định được 4 ngày, bé bắt đầu có biểu hiện sốt cùng các triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết như đau đầu, đau mỏi người...”, bác sĩ Thúy cho hay.
Đến ngày thứ 3 của bệnh, gia đình mới đưa bé tới bệnh viện tuyến huyện để thăm khám. Tại đây, bệnh nhi vẫn sốt cao, xung huyết ở mắt và đau mỏi người. Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue của trẻ dương tính.
Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện. So với tuần trước, số lượng này tăng 2,3 lần. Trong năm 2022, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội là 175 trường hợp. Thành phố hiện chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết.
Kết quả xét nghiệm định type virus từ đầu năm đến nay ghi nhận một trường hợp nhiễm type DENV2 tại Ba Đình và một trường hợp nhiễm type DENV1 tại Đống Đa.
Dịch sẽ bùng phát ở miền Bắc nhưng không lan rộng như khu vực phía Nam
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định tương tự miền Nam, miền Bắc sẽ sớm có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
“Nguyên nhân gây ra sự bùng phát dịch sốt xuất huyết đến từ sự sinh sản, phát triển của muỗi, khả năng miễn dịch trong cộng đồng, sự gia tăng di biến động của người dân, sự xuất hiện các chủng virus sốt xuất huyết mới... Từ đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại miền Bắc chắc chắn sẽ gia tăng”, vị chuyên gia khẳng định.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết theo khuynh hướng của dịch được quan sát từ những năm trước, từ Bắc vào Nam, tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết sẽ tăng dần. Nguyên nhân đến từ bản chất sự lây lan của dịch là qua đường muỗi đốt, lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ.
Do đó, vị chuyên gia dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tại miền Nam sẽ tăng cao hơn miền Bắc.
Dù vậy, PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vẫn lưu ý miền Bắc đang bước vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản và phát triển.
Kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng, nguy cơ mắc và lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết rất cao.
|
PGS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: MT.
|
PGS Cường nhận định tại Hà Nội cũng như miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch. Các chuyên gia dự báo đỉnh điểm của dịch có thể sẽ vào tháng 8.
“Do đó, chúng ta phải lưu ý và chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thu Hường cho rằng việc dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh vào khoảng tháng 8 là có thể xảy ra.
“Mọi năm, sốt xuất huyết có thể bắt đầu xuất hiện từ khoảng đầu tháng 6. Đỉnh dịch cũng sẽ rơi vào tháng 6, 7. Tuy nhiên, hiện là tháng 7 nhưng số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không nhiều. Nguyên nhân có thể là thời tiết năm nay thay đổi khá nhiều khi chúng ta nhận thấy mùa hè vẫn có những đợt không khí lạnh”, bác sĩ Hường nhận định.
Theo bà, sự thay đổi thời tiết này có thể khiến chu kỳ phát triển của muỗi thay đổi, dẫn đến dịch sốt xuất huyết đến chậm hơn. Do đó, nhiều khả năng, dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc sẽ phát triển trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11.
“Thực tế cũng cho thấy thời điểm này, chúng ta mới bắt đầu ghi nhận xu hướng dịch sốt xuất huyết tăng lên”, bác sĩ Hường nói.
Trước tình hình đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về, cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời.
Việc làm này sẽ giúp chúng ta tránh được những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu…
Ngoài ra, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.