Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã điều trị cho một bệnh nhân bị tắc ruột sau khi ăn liên tục 10 trái hồng. Người bệnh là chị T.A.H, 41 tuổi, ngụ tại TP.HCM. Chị H nhập viện trong tình trạng chướng và đau quặn bụng. May mắn được người nhà đưa đi nhập viện sớm chị H đã thoát được cơn nguy kịch.
Ba ngày trước khi nhập viện, chị H đã ăn liên tục 10 trái hồng. Sau đó, chị cảm thấy khó chịu, đau bụng quặn từng cơn, chướng bụng. Chị ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc chữa đau bao tử về uống nhưng không thấy thuyên giảm. Thấy tình trạng ngày càng nặng nên chị H. được người nhà đưa đi Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị tắc ruột do ăn hồng giòn.
Trước đó, ngày 1/11, bác sĩ Hoàng Thanh Hiền, khoa Y học Dân tộc - Vật lý trị liệu, Bệnh viện (BV) Quận 11, TP.HCM cho biết trên VTC News, bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị đau bụng, bí trung đại tiện, buồn nôn trong nhiều ngày qua. Qua siêu âm và nội soi, bác sĩ phát hiện các bệnh nhân này bị tắc ruột do bã thức ăn, cụ thể là ăn nhiều trái hồng giòn.
Theo bác sĩ, không phải ai ăn hồng giòn cũng bị tắc ruột. Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở những bệnh nhân răng yếu, nhai không kỹ hoặc có bệnh lý ruột - đại tràng, người có tiền sử phẫu thuật ở khu vực bụng và dạ dày. Vì vậy, cần hạn chế cho người già và trẻ nhỏ ăn hồng giòn. Nên đổi sang ăn hồng chín mềm hoặc hồng sấy khô (hồng mứt) để tránh bị nghẹn.
Lưu ý khi ăn hồng giòn để không bị tắc ruột
Không nên ăn trái hồng lúc bụng đói vì tanin trong trái này dưới tác động của axit dạ dày dễ kết tủa làm dạ dày cồn cào, mệt mỏi, buồn nôn. Hồng giòn tuy ngọt nhưng vẫn còn một lượng tanin trong đó.
Không ăn vỏ trái hồng, nhất là vỏ trái hồng còn xanh vì chứa nhiều tanin.
Không ăn hồng với khoai lang: Khoai lang có nhiều tinh bột, khi ăn, dạ dày sẽ phải tiết ra một lượng lớn acid để tiêu hóa. Nếu ăn hồng chung với khoai lang, tanin và pectin sẽ kết tủa dưới tác dụng của acid dạ dày, gây khó khăn cho hệ tiêu hóa.
Không ăn hồng khi uống rượu: Theo Đông y, hồng có tính hàn, vị ngọt. Rượu có tính nóng, vị cay và đắng. Khi ăn hồng mà uống rượu sẽ tạo thành một chất nhầy, sệt trong dạ dày, dễ gây tắc ruột.
Không ăn hồng cùng thức ăn giàu đạm: Những loại thực phẩm như thịt ngỗng, tôm, cua, mực… đều rất giàu protein. Nếu ăn các thực phẩm này chung với hồng, chất tanin trong trái hồng sẽ kết tủa, khiến bạn bị đầy hơi, khó tiêu. Tốt nhất nên ăn hồng sau khi ăn các thực phẩm trên khoảng hai giờ.
Không dùng hồng cho những người bị viêm dạ dày mạn, người đã cắt một phần dạ dày.
Không dùng cho người thiếu máu. Ngoài ra, cũng không ăn trái hồng khi uống thuốc có chất sắt.
Bệnh nhân bị tiểu đường cũng nên thận trọng khi sử dụng vì trái hồng chứa 10,8% đường, phần lớn đường disaccharides đơn giản và monosaccharides nên dễ dàng hấp thu vào máu sẽ gây tăng lượng đường trong máu.