Nghiên cứu được thực hiện bới các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y tế Cộng đồng Harvard, được công bố trên tạp chí Circulation ngày 22/7. Nghiên cứu phân tích thói quen ăn uống hàng ngày cũng như theo dõi các vấn đề sức khỏe của gần 27.000 nam giới ở độ tuổi từ 45-82 trong khoảng thời gian từ năm 1992-2008.
Kết quả khảo sát trong 16 năm cho thấy, 1527 người đã bị đau tim, trong đó có 171 người tiết lộ họ thường xuyên bỏ bữa sáng.
|
Những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ đau tim tăng 27% so với những người có ăn sáng. |
Kết quả nghiên cứu khẳng định nguy cơ mắc các cơn đau tim hoặc tử vong do các bệnh tim mạch ở nam giới bỏ bữa sáng thường xuyên cao hơn tới 27% so với những người ăn sáng đầy đủ. Ngoài ra, theo thống kê, những người ăn sáng thường ăn nhiều hơn những người bỏ bữa sáng trung bình một bữa trong ngày, điều này cho thấy những người bỏ bữa sáng thường không ăn bù cho lượng thức ăn thiếu.
Dù các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn rằng bỏ ăn sáng có phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau tim hay không, nhưng họ đã đưa ra kết luận và khuyến cáo: những người không ăn sáng khả năng đói lớn hơn, do đó sẽ nạp nhiều thức ăn ở các bữa trưa và tối hơn, điều đó đồng nghĩa với việc cơ thể phải xử lý một lượng calo lớn trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và có thể dẫn đến tắc động mạch.
Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc bỏ ăn sáng và các vấn đề sức khỏe như béo phì, huyết áp cao, tiểu đường... được coi là tiền thân của bệnh tim mạch.