Trải qua hai cuộc phẫu thuật
Chị Cẩm Nhung (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM), mẹ cháu M. kể lại: “Hôm đó, cháu M. nghe bạn gọi nên chạy ra ban công chơi, do nghịch ngợm leo lên bậc chắn ngang của ban công và ngã nhào xuống dưới, bị thanh sắt nhọn của cổng nhà bên dưới đâm xuyên thủng qua ngực”.
Được biết, cháu M. rất hiếu động, thường chạy nhảy khắp nhà. Hôm đó do người lớn không để ý nên đã để xảy ra sự cố thương tâm. Lúc phát hiện, cháu đang trong tình trạng nằm ngửa, đầu hướng ra ngoài đường. Ba và chú hoảng hốt nhanh chóng trèo lên để đưa cháu M. ra khỏi thanh sắt, ôm chặt vết thương để máu ngưng rỉ ra, nhưng máu vẫn chảy quá nhiều đến ướt cả áo của hai người. Mẹ cháu M. xót xa cho biết, cháu dù bị sốc nặng, mặt tím tái nhưng vẫn tỉnh đến lúc được vào viện.
|
Cháu Nhật M. bên cạnh gia đình trong ngày xuất viện. |
ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, người trực tiếp tham gia vào quá trình mổ cấp cứu cháu M. cho biết: “Với lượng máu mất quá nhiều như vậy có thể nói lúc chúng tôi tiếp nhận thì cháu đang đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết. Cháu bị 3 vết thương, 2 lổ thủng ở phía sau lưng và 1 lỗ thủng trước ngực, hở phổi, mất máu cấp. Chúng tôi quyết định mở ngực gấp, phát hiện đây là vết thương thủng tâm nhĩ phải. Chúng tôi lập tức dùng ngón tay bịt lỗ tâm nhĩ để tạm thời xử lí mất máu cấp. Sau khi xác định vết thương tim và phổi, chúng tôi tiến hành vừa mổ vừa hồi sức”.
Tuy nhiên, sau lần phẫu thuật đầu tiên, cháu M. vẫn trong tình trạng huyết áp lên xuống bất thường, oxy trong máu xấu. 2h00 sáng ngày 27/10, cháu M. được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM để phẫu thuật lần 2. Tập thể êkip y bác sĩ bệnh viện khẩn trương xác định nguyên nhân bằng tiến hành siêu âm ngay tại giường, phát hiện máu tụ sau lồng ngực sau khi phẫu thuật. Khi mở lần 2, vết thương tim, phổi đã được cầm máu tốt, chỉ còn máu rỉ ra từ thành ngực.
ThS.BS Đào Trung Hiếu cho biết thêm: “Khi bị thanh sắt xuyên qua ngực đi qua các lớp cơ, các mạch máu vỡ làm máu chảy vào bên trong lồng ngực. May mắn sau khi phẫu thuật lần thứ 2 thì huyết áp của bé đã ổn định, không còn tình trạng tụ máu”.
Suýt liệt hai chân
Được biết, tuy qua tình trạng nguy kịch nhưng cháu M. gặp nhiều vấn đề nội khoa như rối loạn máu do truyền một lượng máu khổng lồ nên cần điều trị để cân bằng đông máu như huyết tương, tiểu cầu... và có nguy cơ bị nhiễm trùng do thanh sắt là vật thường bám nhiều vi khuẩn. Ngoài ra, còn có sự cố hai chân của cháu có dấu hiệu yếu, run và có nguy cơ bị liệt cả hai chân. Sau khi chụp CT, phát hiện thêm cháu bị gãy 3 xương sườn, tổn thương tủy và chấn thương cột sống.
BS Trần Văn Sơn, Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM chia sẻ: “Nhờ quyết định tuy khó khăn nhưng đúng đắn là giữ cháu lại cấp cứu tại bệnh viện, đồng thời với sự chẩn đoán nhanh và chính xác, phát hiện tổn thương tim của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 mới có thể cứu sống cháu Nhật M. qua cơn nguy kịch”.
Sau 3 tuần hồi sức tích cực và uống thuốc kháng sinh, kháng viêm, các y bác sĩ của cả 2 bệnh viện đều hết sức bất ngờ và vui mừng khi cháu M. hồi phục tốt, 2 chân đã hết run, thậm chí là đi lại bình thường. Cháu xuất viện với tình trạng sức khoẻ khá ổn định.