Lý học Cao đẳng du lịch xong, ra trường không xin được việc nên cô xin đi làm bán hàng cho một cửa hàng thời trang cao cấp.
Còn Vương, chồng Lý thì làm quản lý kỹ thuật cho một công ty điện tử, công việc đòi hỏi cao nên anh thường xuyên phải đi công tác hay tham gia các lớp đào tạo tập huấn và thường xuyên vắng nhà.
Nhà Vương có 3 chị em, hai chị gái đều đã lập gia đình riêng, nên vợ chồng Lý sống chung với bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng Lý là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, chịu thương chịu khó, cả đời sống chắt bóp tiết kiệm nên mua được căn liền kề trong khu đô thị. Người ngoài nhìn vào ai cũng bảo Lý rất may mắn khi gia đình chồng khá giả, có của ăn của để, bố mẹ chồng đều rất chăm làm. Đôi bên gia đình đều xứng đôi vừa lứa. Vậy nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Dĩ nhiên Vương không để cho Lý thiếu thốn. Nhưng vốn thông minh, lại có lòng tự trọng, Lý không muốn để cho nhà chồng nghĩ mình là kẻ vô dụng, ăn bám. Sau cưới 3 tháng, Lý gom số tiền bố mẹ và cô dì chú bác bên ngoại cho làm của hồi môn để mở cửa hàng thời trang nam. Là người nhanh nhẹn, có duyên lại tích lũy được kinh nghiệm có mối hàng bên Quảng Châu giá mềm nên cửa hàng của Lý đông khách, thu nhập được gần 30 triệu/tháng.
Tuy nhiên, dù thực tế kiếm ra tiền nhưng họ hàng nhà chồng và hàng xóm đều không nghĩ Lý vậy, ai cũng nghĩ cô thất nghiệp, ăn bám chồng, mở cửa hàng quần áo chỉ cho vui chứ "lỗ chổng vó".
Đã thế, mẹ chồng Lý thường bóng gió chê cô người thấp lùn, không học đại học đến nơi đến chốn, trong khi con trai bà đã học xong cao học. Chính vì vậy bà bảo Lý không phù hợp với con trai bà, rồi chê cô không biết nấu ăn, “mồm miệng đỡ chân tay”… Bất cứ sơ hở nào của Lý đều bị mẹ chồng “bêu” ra hết.
|
Ảnh minh họa. |
Những hôm vắng chồng, Lý không những không được thông cảm mà còn thường bị mẹ chồng “bắt nạt”. Bất kể cô đi đâu hay làm gì mẹ chồng cô cũng đều phải hạnh họe, săm soi đủ kiểu. Kể cả cô chơi với hàng xóm bà cũng thường can thiệp; người thì bị bà chê là quê mùa, không hợp với gia đình bà; người thì bị chê là ghê gớm, chơi cùng sợ vạ lây…
Không những thế, mẹ chồng Lý cũng luôn kiếm cớ không cho cô về nhà bố mẹ đẻ với lý do con gái đã đi lấy chồng rồi thì là con người ta, sao cứ suốt ngày muốn về mẹ đẻ. Bà lúc nào cũng tỏ ra muốn con dâu không thể làm gì qua được mắt mình.
Rồi Lý mang bầu, sinh con gái. Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu ngày càng thêm gay gắt. Mẹ chồng Lý không chăm con dâu đẻ mà hàng ngày mẹ Lý phải lóc cóc đi gần chục cây số đến tắm giặt, chăm cháu rồi tối muộn mới về. Không giúp được con dâu và cháu, mẹ chồng Lý còn liên tục chê cô vụng, không biết cách chăm con.
Những tưởng mẹ chồng không thông cảm cho con dâu đã đành, mà chồng Lý cũng không có chính kiến để bảo vệ vợ. Mỗi lần Lý ý nhị chia sẻ, phàn nàn với chồng thì Vương nghe xong rồi đều xua tay bảo: “Thôi, em chịu khó nhịn mẹ. Chấp bà làm gì” khiến Lý ấm ức mà đành chịu.
Con được 1 tuổi, Lý quay trở lại với kinh doanh quần áo thời trang. Mẹ chồng cô thấy cháu còn nhỏ đi nhà trẻ cũng không lấy làm xót.
Cuối tuần trước Lý đang ở cửa hàng thì nhận được điện thoại cô trông trẻ gọi điện nói con gái cô bị sốt. Lý vội vàng đóng cửa hàng, đồng thời gọi điện luôn cho chồng xin nghỉ về đưa con đi khám. Chờ mãi không thấy chồng về, Lý đành bắt taxi đưa con đến bệnh viện. Mãi đến tối muộn mới thấy chồng lò dò về, người có hơi men. Vậy là hai vợ chồng cãi nhau một trận.
Trong lúc nóng giận, Lý có nói chồng: “Lần sau anh đừng có rượu chè với đám bạn nữa. Con ốm mà không chịu về, chả được tích sự gì cả”. Ai ngờ mẹ chồng Lý nghe thấy. Bà giận dữ mắng cô sa sả: “Mày đúng là dân chợ búa, buôn bán có khác. Dù thế nào đi nữa, vợ cũng không được phép mắng chồng. Đàn bà phải biết nhẫn nhịn, phải biết lúc nào nên “bớt lửa”, lúc nào nên “biết thua” chứ ai lại mắng chồng nặng lời như thế. Mày mà mắng chồng thế này, tan cửa nát nhà là do mày”.
Nghe mẹ chồng nói xong Lý thấy điếng người. Cô biết rõ một phần mình hơi quá lời nhưng chả nhẽ là vợ thì không bao giờ có quyền nói và mắng lại chồng. Hơn nữa, mẹ chồng sao chỉ bênh con trai mà không biết chuyện gì là đúng, là sai?