Ngày con trai dẫn Loan về quê ra mắt, bà Vy thích lắm. Bà không ngờ đứa con trai nhút nhát của mình lại có thể yêu được một con bé xinh xắn, lễ phép lại có công ăn việc làm ổn định. Sau khi kết hôn, vì công việc nên cả hai đều lên làm lại trên thành phố rồi thỉnh thoảng mới về thăm bà.
Chưa bao giờ bà nghĩ xấu về con dâu cho đến khi Loan sinh con và bà phải lên chăm cháu. Lúc lên bà hồ hởi lắm, mới bỏ đồ đạc xuống nhà cái là bà toan chạy vào bế thằng cháu nội thì Loan đanh đá nói lớn: “Bà rửa chân tay sạch sẽ rồi hẵng vào bế cháu nhé!”
Nhắc nhở của con dâu khiến bước chân của bà Vy chùn lại. Bà bảo con trai dẫn vào nhà vệ sinh, rửa nước sạch sẽ sau đó mới dám vào bế cháu.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên đến lúc bế cháu, bà Vy cũng không được thoải mái vì Loan cứ đòi hỏi bắt bà bế theo cách này kiểu khác. Loan lớn tiếng: “Ối giời, mẹ bồng cháu thế này thì chết con à! Bữa nay người ta không bế con kiểu này đâu”. Bà Vy buông tiếng thở dài không ngờ là nàng dâu lại nghi ngờ khả năng bồng bế con nhỏ của bà dù bà đã có kinh nghiệm 2 lần sinh đẻ.
Mấy ngày tiếp theo sau đó cũng là những ngày chăm cháu mệt mỏi đối với bà Vy. Loan luôn tỏ ra khó chịu thấy mẹ chồng không làm đúng điều mình muốn, cô nhất nhất bắt mẹ chồng phải sửa theo đúng ý mình. Đã thế, cháu nội lại hay khóc dạ đề nên ban đêm bà thường phải bế cháu đi khắp phòng để cho con dâu được ngủ ngon.
Chỉ mới hơn một tuần trôi qua mà trông bà Vy cứ gầy sọp cả đi. Tuy vất vả là vậy nhưng bà vẫn không được yên vì mỗi lần bà nấu món gì Loan cũng luôn nhăn nhó bắt bà chạy lui chạy tới thêm chút muối, bỏ tí đường cho vừa miệng.
Có hôm, mấy chị em trong công ty của Loan đến chơi. Tiếng nói chuyện ồn ào khiến thằng bé tỉnh giấc và khóc thét lên. Nghe tiếng con khóc mà Loan cũng không vào cho con bú lại nói vọng vào trách mẹ chồng: “Có dỗ cho cháu nội nín một lúc cũng không xong”. Lúc đó có nhiều người, mặc dù rất ấm ức nhưng bà Vy cũng cố nhịn cho qua chuyện.
Đã thế, khi bà Vy loay hoay hơ lá trầu áp bụng và mắt cho thằng bé để sau này phòng chống bệnh tật thì Loan lại vội vàng gạt đi không cho bà làm. Cô bảo người nhà quê cứ sinh sự làm đủ chuyện vô lý chứ người thành phố họ không bao giờ làm chuyện ngớ ngẩn đó.
Giờ thì bà Vy hoàn toàn ngả mũ chào thua về độ đanh đá và hách dịch của con dâu. Hai tuần ở trên thành phố chăm cháu mà bà ngỡ như hàng chục thế kỷ nặng nề và mệt mỏi vô cùng.
Ngày hôm sau, bà Vy lấy cớ việc ở nhà không ai quán xuyến nên về quê. Dù rất thương cháu nhưng bà cũng không chịu nổi. Con trai bà thì vô tư không để ý, bà sẽ không phàn nàn để tránh cho vợ chồng khỏi mâu thuẫn.
Không khác gì bà Vy, bà Huyền, 65 tuổi, từ Hải Phòng xuống Hà Nội chăm cháu cũng bị con dâu soi mói, chỉnh đốn đến mức stress.
Từ lời kể của Thư - con dâu bà Huyền khiến chị em trong cơ quan ai cũng thương cho Thư vì cô có một bà mẹ chồng tai ác. Bà Huyền được con dâu rước từ quê xuống, hầu hạ ăn ngon mặc đẹp, không phải mó tay vào bất cứ việc gì. Thế mà bà vẫn đi “buôn dưa lê” với hàng xóm, than phiền, kể xấu nàng dâu. “Nhàn cư vi bất thiện”, đồng nghiệp của Thư chép miệng.
Hôm Thư mời cả phòng về nhà mình bù khú nhân lúc chồng đi công tác vắng, chị em nhân thể cũng muốn xem mặt bà mẹ chồng không biết điều của cô ra sao.
Mọi người vào nhà, thấy một bà già chạy ra đon đả: “Mời các chị vào chơi với em nó”. Rồi bà chạy vào bưng một rổ khoai lang luộc ra mời khách. “Khoai nào đấy mẹ?”, Thư hỏi. “Con mua hôm qua chứ đâu. Mẹ thấy con bảo mời chị em đến chơi nên luộc trước cho con đỡ vất vả. Đúng là bây giờ ăn gì cũng ngán, ăn khoai ăn sắn lại hay”.
Thư gắt: “Trời ơi, con đã bảo mẹ cứ nghỉ ngơi, đừng có đụng tay vào việc gì. Khoai đấy con mua làm lẩu cơ mà. Rõ khổ, lại phải lóc cóc đi chợ”. Thư đi rồi, bà Huyền cố phân bua với khách: “Tôi thấy nó bận bịu quá nên muốn giúp được chút nào hay chút đấy, không ngờ toàn làm không đúng ý nó”.
Rồi bà than, ở quê thì con cái kêu là không tạo điều kiện cho nó báo hiếu, chứ lên đây buồn quá, muốn giúp chuyện cơm nước thì con dâu không cho làm, chắc vì bà nấu kiểu nhà quê không ngon. Quần áo đã có máy giặt, và từ hồi làm hỏng mấy cái váy của Thư vì cho cả đồ trắng và đồ màu vào một mẻ giặt, bà không dám động đến nó nữa. Vệ sinh nhà cửa thì đã có giúp việc theo giờ.
“Tôi muốn về lắm nhưng sợ con cái nó nghĩ ngợi. Trước tôi hay sang các nhà hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn, nhưng có lần cái Thư trách tôi nói xấu nó, làm hàng xóm nghĩ nó ghê gớm với mẹ chồng. Tôi sợ ảnh hưởng đến con nên chả dám đi nữa. Chắc nó hiểu nhầm chứ tôi có nói xấu gì đâu, cũng chỉ than buồn như kể với mấy chị nãy giờ thôi”.
Thư về, mẹ chồng chạy lại hỏi có việc gì để bà làm giúp, nhưng cô bảo: “Thôi mẹ cứ nghỉ cho khỏe. Con làm ù tí là xong”. Bà già tiu nghỉu lên phòng. Thư lắc đầu nói với đồng nghiệp: “Khổ, làm gì hỏng đó mà cứ đòi làm. Em chả dại để bà làm, đã mang tiếng bóc lột mẹ chồng lại còn phải khắc phục hậu quả”.
Chuyện mẹ chồng - nàng dâu xưa nay vốn đã là mối quan tâm hàng đầu với những cô gái trẻ sắp kết hôn và cũng là nỗi đau đầu với những bà mẹ chồng chuẩn bị đón dâu mới. Làm sao để hòa hợp được mối quan hệ này và làm thế nào để tháo gỡ bớt những mâu thuẫn để sống chung với mẹ chồng hoàn thuận? Mời bạn tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Hãy tìm hiểu những khác biệt
Khoảng cách giữa hai thế hệ mẹ chồng - nàng dâu thường rất lớn, do vậy có nhiều lúc, bạn sẽ không hiểu vì sao cùng một vấn đề nhưng mẹ chồng lại có cách suy nghĩ và giải quyết hoàn toàn khác bạn.
Hãy thử tìm hiểu lại, có thể trước đây mẹ chồng bạn từng có cuộc sống lam lũ hoặc bà được dạy là phải sống tiết kiệm như vậy cho nên điều đó tồn tại đến bây giờ. Vì thế, đừng vội tỏ thái độ khó chịu mà hãy tìm hiểu vấn đề cho thật kỹ để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
Không kể xấu, than thở
Sẽ có lúc bạn cảm thấy vô cùng ức chế vì cách cư xử của mẹ chồng. Nhưng nếu vì thế mà gặp bất cứ ai, bạn cũng kể để giải tỏa cảm xúc thì chưa chắc đã tốt, nhất là khi chẳng may chuyện đó lại lọt đến tai mẹ chồng. Vì thế, hãy tìm đến những người bạn tin tưởng hoặc một ai đó bạn có thể nhận được những lời khuyên đúng đắn để chia sẻ.
Tìm kiếm “đồng minh”
Đồng minh ở đây có thể là chồng, em dâu, chị chồng hay bất cứ ai bạn có thể tin tưởng và họ sẽ giúp đỡ bạn. Những người nào có thể gần gũi hay hiểu mẹ chồng bạn nhất chính là người bạn nên tìm đến và nhờ sự giúp đỡ từ họ.
Tham khảo ý kiến mẹ chồng
Trong bất cứ trường hợp nào thì bạn cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng trước khi làm một việc gì đó. Điều đó có hai lợi ích, thứ nhất là mẹ chồng sẽ cảm thấy được tôn trọng, thứ hai là bạn cũng có cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình mà không bị gắn mác ích kỷ, độc đoán. Nếu mẹ chồng có chọn ý kiến khác bạn thì bạn nên dành thời gian thuyết phục bà.
Học cách biết ơn
Mẹ chồng là người đã sinh ra người bạn đời của bạn và đã nuôi nấng anh ấy trưởng thành. Sau này, nếu bạn có may mắn được làm mẹ chồng, hẳn bạn cũng muốn có một cô con dâu biết thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đối với mình.