Chử Đức Liêm 23 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. 9 năm mắc bệnh cũng là chừng ấy năm người ta thấy nghị lực phi thường của chàng trai này. Em bảo, điều quan trọng trong cuộc sống là làm được gì, chứ không phải là sống được bao lâu.
Cắt một chân để nuôi sự sống
Liêm cho biết, em là con út trong gia đình nghèo. Mẹ em làm nông, còn bố là thợ xây dựng. Chính vì thế, từ nhỏ Liêm đã có ý thức học tập để sau này có điều kiện giúp đỡ bố mẹ. Nhưng ước mơ chưa thực hiện được thì em đã gặp bạo bệnh. “Năm học lớp 10, một lần em thấy chân đau buốt, như bị thấp khớp. Sau đó, em được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa trị.
Tưởng rằng căn bệnh này nhẹ, chữa thời gian ngắn sẽ khỏi. Nhưng không ngờ nó bị biến chứng. Khi dùng thuốc chỉ thuyên giảm thời gian ngắn, hết thuốc chân em lại đau nhức trở lại”. Thấy bệnh tình em trở nên nghiêm trọng, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyên gia đình chuyển em lên Bệnh viện K cơ sở 2 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Các bác sĩ nơi đây làm xét nghiệm, cuối cùng kết luận em bị ung thư xương, di căn sang phổi”.
Khi bác sĩ thông báo về bệnh tình của mình, Liêm hoang mang, sợ hãi, nghĩ cái chết đang cận kề. Hơn nửa tuần em nằm bất động trên gường, không nói không rằng, ăn uống cũng không màng tới. Liêm suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Nhờ sự động viên của bạn bè, người thân dần dần Liêm bình tâm trở lại.
Liêm kể rằng, trước khi điều trị hóa chất bác sĩ phải tháo khớp một chân để ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Mẹ động viên Liêm: “Chân con giờ như một cành cây sâu, phải cắt để cây vẫn phát triển và sâu không hủy hoại những cành khác trên cây. Thế nên, con cũng phải tháo một khớp chân để đảm bảo những bộ phận còn lại phát triển bình thường”.
Nghe mẹ nói vậy Liêm bình tĩnh đáp: “Cắt đi một chân mà được tiếp tục sống, tiếp tục theo đuổi ước mơ, làm việc mình thích thì đó là điều cần phải làm, con có thể chịu đau để bác sĩ phẫu thuật”.
|
Chử Đức Liêm bị ung thư phải cắt một bên chân. |
Vinh dự nhận giải thưởng Lê Văn Hưu
Sau một năm nằm viện điều trị, sức khoẻ Liêm dần được ổn định. Liêm tiếp tục quay trở lại trường học. Năm 2010, nhờ nỗ lực cố gắng trong học tập em đạt giải nhì môn lịch sử cấp thành phố.
Ngày Liêm thi đại học, ít ai biết em là thí sinh mang bệnh hiểm nghèo, khuyết một chân, bởi Liêm đi chân giả, đôi môi em nở nụ cười rạng rỡ khi gặp bạn bè.
Mọi nỗ lực, cố gắng của Liêm cuối cùng được đền đáp, năm 2012 em trúng tuyển đại học và nằm trong top 10 thí sinh có điểm cao nhất “đầu vào” Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em thi tuyển vào lớp chất lượng cao của khoa, cuối năm nhất đại học em vinh dự nhận giải thưởng Lê Văn Hưu của Hội Phát triển Sử học.
Chia sẻ về lý do chọn ngành Sử, Liêm cho biết có niềm đam mê đặc biệt với môn học này từ bé, càng tìm hiểu càng thích thú. Học sử để hiểu về quá khứ hào hừng của cha ông ta trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước.
|
Chử Đức Liêm hiện là thủ lĩnh CLB Nụ cười. |
Thủ lĩnh của Nụ cười
Liêm luôn ấp ủ lời mẹ dạy: “Ta sống bao lâu không quan trọng. Quan trọng là trong quãng đời ấy mình làm được gì để cuộc sống có thêm ý nghĩa”. Chính lời dạy ấy đã truyền thêm động lực để em sống, làm việc và chiến thắng bệnh tật.
Liêm tâm sự: Nhiều lúc em cũng rất bi quan về bệnh tình của mình, nhưng khi gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều tấm gương vượt khó trong cuộc sống, điều đó tạo cho Liêm vững tin hơn trong cuộc sống, em cảm thấy cần phải hành động, phải làm việc để cuộc sống này thêm ý nghĩa.
Liêm bảo, cuộc sống này không chỉ sống cho riêng mình mà còn cho mọi người. Vì thế, thời gian qua Liêm nhiệt tình tham gia phong trào tình nguyện, quyên góp, hỗ trợ các bệnh nhân. “Phòng bệnh em điều trị, luôn trong tình trạng quá tải. Phòng có 6 giường nhưng mỗi giường thường xuyên có 2 - 3 bệnh nhân. Do đó, khi truyền hoá chất xong, em theo mẹ về nhà luôn, nhường phần giường của mình cho bệnh nhân khác”, Liêm kể.
Liêm cho hay, trong thời gian dùng hóa chất điều trị toàn thân đau nhức, mệt mỏi. Nhưng Liêm luôn cố gắng chuyện trò, động viên các bệnh nhân khác. Đặc biệt, trong phòng Liêm có em Nguyễn Thị Thảo bị ung thư xương rất đáng thương. Những ngày đầu Thảo vào viện, chứng kiến một bạn bằng tuổi Thảo qua đời, em bị sốc, bỏ ăn ba ngày liền. Nằm cùng giường, Liêm đã kể cho Thảo nghe những tấm gương nghị lực vượt lên chiến thắng bệnh tật. Liêm an ủi bé Thảo bằng chuyện của chính mình và khuyên em cố gắng vượt qua chính mình. Câu chuyện của Liêm góp phần động viên tinh thần Thảo khiến em lạc quan hơn để chiến đấu với bệnh tật. Liêm còn dành thời gian dạy bé Thảo học tiếng Anh.
|
Ngoài thời gian điều trị ở viện, Liêm thường đến động viên, tặng quà những em nhỏ bị ung thư. |
Tiếp xúc nhiều với bệnh nhi bị ung thư ở Bệnh viện K, cơ sở 3 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) Liêm có sự đồng cảm đặc biệt. Liêm nảy ra ý định thành lập CLB Nụ cười nhằm tổ chức các chương trình gieo niềm vui, nụ cười, tiếp thêm nghị lực cho những em nhỏ nơi đây. Ý tưởng đưa ra được nhiều người thân, bạn bè, thầy cô và các nhà hảo tâm ủng hộ. Liêm bắt tay vào thành lập CLB với 30 thành viên và nhiều cộng tác viên, liên tục tổ chức các chương trình ý nghĩa.
Trong dịp Tết 2013, Liêm cùng nhóm sinh viên khuyết tật của Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội (CLB Hoa Đá) đã xin tài trợ tổ chức chương trình “Tết yêu thương”, dùng tiền quyên góp được mua quà, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi ung thư. Liêm còn kết hợp với CLB Hoa Hướng Dương, trường Đại học Bách khoa Hà Nội giao lưu với trẻ em khiếm thính trường Nguyễn Đình Chiểu, thăm và tặng quà cho trẻ em làng SOS Hòa Bình... Hằng tháng, từ sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, Liêm cùng bạn bè tới Bệnh viện K2 phát sữa cho bệnh nhi...
Đến nay Liêm và các bạn đã tổ chức được 9 chương trình trong chuỗi chương trình “Sáng mãi nụ cười em”. Mỗi tháng CLB tổ chức vui chơi, xem phim, tặng quà, chơi trò trí tuệ... Có những chương trình để lại dấu ấn đậm nét như chương trình hướng về năm học mới, mang không khí năm học mới đến bệnh viện. Hầu hết các em khi điều trị tại bệnh viện đều bỏ dang dở việc học, mỗi dịp tựu trường, các em đều nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè, các thành viên trong CLB Nụ cười đã giúp các em vơi đi nỗi nhớ, có niềm vui tựu trường thực sự.
Do tình trạng sức khoẻ không tốt, thường xuyên phải trị xạ nên Liêm chỉ điều hành và theo dõi hoạt động qua facebook. Liêm luôn tranh thủ từng ngày được nghỉ để vận động, quyên góp và sắp xếp, điều phối hoạt động.
Liêm bảo, có một câu hỏi của một em bé tại Bệnh viện K3 làm Liêm nhớ mãi: “Tại sao chú bị cắt chân mà chú vẫn đi tặng quà cho chúng cháu”. Đó là câu hỏi của bé Quang, 6 tuổi, bị ung thư não, hiện hai mắt không nhìn rõ nhưng em luôn nhiệt tình tham gia các chương trình từ thiện. “Nhìn nụ cười của Quang và các em nhỏ, em có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật để tiếp tục hành trình sáng mãi nụ cười em”, Liêm tâm sự.
Tính tới thời điểm này Liêm đã phải trải qua hơn 20 đợt truyền hoá chất. Nhiều hôm sức khoẻ yếu, em chỉ nằm một chỗ. Nhưng mỗi khi sức khoẻ ổn định em lại đến động viên, chia sẻ với người cùng cảnh ngộ với mình. Cuộc sống hiện tại còn nhiều gian khó, nhưng em vẫn vững tin vì ngày mai tươi sáng.