Ca ghép gan đặc biệt
Trao đổi với báo chí chiều 17/4, GS.BS Trần Đông A, cố vấn của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, sau quá trình chuẩn bị từ tháng 9/2016, sáng ngày 28/3 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã diễn ra ca ghép gan lần thứ 11.
|
Ca ghép gan diễn ra ngày 28/3/2017 kéo dài 14 tiếng. |
Bệnh nhi được ghép gan là bé Dương Gia Khiêm sinh ngày 24/5/2007 và người cho gan là mẹ của bé. Bé được chẩn đoán xơ gan, tăng áp cửa/teo đường mật đã phẫu thuật Kasai (phẫu thuật teo đường mật bẩm sinh) từ hồi mới hơn 2 tháng tuổi.
Với sự chuẩn bị và phối hợp kỹ càng của các ê-kíp phẫu thuật, gây mê là các bác sĩ trong và ngoài bệnh viện, chịu trách nhiệm điều hành chính là ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện; trưởng kíp mổ là ThS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, cùng sự cố vấn của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng trẻ em như GS.BS Trần Đông A, các giáo sư đến từ Bỉ, ca ghép gan kéo dài từ 7h sáng đến 21h đêm.
GS Trần Đông A cho biết, đây là một ca ghép gan đặc biệt bởi cả người cho và người nhận gan đều có những bất thường. Bệnh nhi bị tăng áp lực động mạch cửa khiến lá lách to bất thường làm cho tiểu cầu giảm rất thấp, chỉ còn 29.000 đơn vị (người bình thường từ 130.000 – 400.000 đơn vị tiểu cầu).
Thế nhưng, các bác sĩ cũng không thể truyền quá nhiều tiểu cầu cho bé vì nếu truyền quá nhiều, khi phẫu thuật dễ gây ra tắc mạch. Các bác sĩ đã quyết định chỉ truyền vừa đủ tiểu cầu (50.000 đơn vị), khi mổ sẽ cột động mạch lá lách lại để giảm lượng máu từ lách đến gan qua đường tĩnh mạch cửa.
|
GS Trần Đông A và ê kíp phẫu thuật trao đổi với báo chí chiều 17/4. |
Thêm vào đó, bé được phẫu thuật Kasai từ trước đó rất lâu khiến phần gan dính vào cơ hoành làm cho việc bóc tách rất lâu. Chính vì mất quá nhiều thời gian bóc tách nên đã làm tổn thương mạch treo (đường dẫn bạch huyết) khiến bé bị tràn dưỡng chất sau khi mổ 6 ngày.
Người cho gan (mẹ của bé) có cấu trúc gan bất thường khi có đến 2 động mạch gan. Các bác sĩ đã phải cân nhắc rất lâu vì nếu phải nối 2 lần động mạch sẽ rất khó và vướng, việc bóc tách gan phải diễn ra thật kỹ, rất may hai động mạch này tuy cách xa nhưng lại thông với nhau nên việc nối động mạch chỉ phải thực hiện 1 lần.
Các bác sĩ cho biết, thông thường ca ghép gan được thực hiện khi gan của bệnh nhi đã suy, không còn hoạt động được nữa, nhưng trong trường hợp này, gan bé tuy có xơ cứng nhưng vẫn chưa suy hoàn toàn.
Tuy nhiên, bé lại bị biến chứng sang chèn ép tĩnh mạch cửa khiến giãn tĩnh mạch tiêu hóa làm bé thường xuyên bị xuất huyết. Các bác sĩ đã dẫn lưu xuất huyết nhiều lần nhưng đến lúc tĩnh mạch giãn hết cỡ, không thể tiếp tục dẫn lưu được nữa, bé buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì xuất huyết tiêu hóa quá nhiều.
Sau 12 tiếng ròng rã, ca phẫu thuật đã thành công. Người mẹ đã được xuất viện sau 10 ngày cho gan, còn bệnh nhi sau 3 tuần, bé đã có thể đi lại, ăn uống như bình thường.
|
Bé Khiêm và mẹ mạnh khỏe sau 3 tuần ghép gan. |
Vẫn còn 200 bệnh nhi chờ ghép gan
GS Trần Đông A cho biết, trước khi thực hiện ca ghép gan này, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện rất kỹ, từ việc dinh dưỡng như thế nào để bé đủ sức đến kiểm soát kỹ từ dung dịch rửa gan đến dụng cụ đựng gan.
Điều quan trọng nhất là phải đảm bảm an toàn cho người cho gan còn sống (mẹ của bé) trước khi nói đến kết quả của người nhận. Sau đó là quá trình theo dõi sát sao, để ý đến từng chỉ số, từng biểu hiện biến đổi của bệnh nhân, đặc biệt trong khoảng thời gian 24 – 48 tiếng sau mổ.
Các bác sĩ cho biết, hiện tại Nhi đồng 2 đang theo dõi 200 bé đã được mổ Kasai, tức là có 200 bé đang cần được ghép gan, thế nhưng nguồn tạng hiện nay đang vô cùng khan hiếm. Bệnh nhi chỉ có thể nhận gan từ người trong cùng phả hệ, nhưng rất hạn chế vì có thể người cho không có cùng nhóm máu hoặc gan không “sạch”.
GS Đông A cho biết, ông đã từng kiến nghị với Chính phủ nên bỏ điều luật cấm trẻ em dưới 18 tuổi chết não cho tạng, bởi theo ông, nếu các em bé chết não được phép cho gan, các ca mổ sẽ diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều vì gan các bé có cùng kích thước và nguồn tạng sẽ nhiều hơn.
Hầu hết các ca bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan và cần phải ghép gan. Teo đường mật bẩm sinh là một bệnh án khá phức tạp, biểu hiện ban đầu thường là bé bị vàng da, vàng mắt sau khi sinh 15 ngày, phân có màu trắng bóc. Ngoài ra, bé cần phải được chẩn đoán bằng hình ảnh và làm nhiều xét nghiệm khác để biết chính xác tình trạng bệnh.
Sau khi thực hiện 11 ca ghép gan từ năm 2005 – 2006 đến nay, đã có 3 ca ghép sống trên 10 năm, các cháu đều mạnh khỏe, phát triển và đi học bình thường như mọi trẻ khác.