Anh Tiểu Vỹ, 32 tuổi đến từ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, mới đây ăn một đĩa hải sản sống, hôm sau sốt cao 39,5 độ C, bơ phờ, sốc nhiễm trùng, đùi phải sưng tấy đáng kể, sau một thời gian ngắn, da ở chân của anh chuyển sang màu đen.
Hơn một tháng điều trị tại bệnh viện, trải qua 4 ca phẫu thuật, tính mạng của anh Tiểu Vỹ hiện giữ lại được. Đáng tiếc, do nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử vô mạch nên chi dưới của Tiểu Vỹ không thể cứu được.
|
Ảnh minh họa. |
Theo thông tin đăng tải, giữa tháng 8 năm nay, anh Tiểu Vỹ ăn hải sản muối sống (món này gồm cá, tôm, cua và các loại hải sản khác hoặc thực phẩm tươi sống, ướp với rượu, gừng, tỏi và các gia vị khác rồi để trong tủ lạnh).
Lúc ăn món này, Tiểu Vỹ cũng uống chút rượu, khi quay về thì bị ngã nhưng anh không quan tâm. Không ngờ ngày hôm sau Tiểu Vỹ lại sốt cao, mu bàn chân phải đến đùi phải sưng đỏ, da chuyển sang màu đen. Ngày thứ ba, anh được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện.
"Khi được đưa vào, bệnh nhân sốt cao 39,5 độ C, hôn mê, huyết áp tụt, sốc nhiễm trùng, rối loạn chức năng đa cơ quan, sưng tấy rõ rệt từ mu bàn chân phải đến đùi phải, vùng da đen nổi mụn nước cục bộ, tứ chi lạnh, chi dưới bên phải hoại tử và thiếu máu cục bộ diện rộng", bác sĩ tiếp nhận trường hợp của anh Tiểu Vỹ nói.
Ngay lập tức, bác sĩ trực đưa ra một loạt phương pháp điều trị như bù nước, chống sốc, chống tiêu chảy, nhiễm trùng, duy trì chức năng cơ quan và thực hiện phẫu thuật cấp cứu.
Do chức năng của tim, gan, thận và các cơ quan khác bị tổn thương, Tiểu Vỹ vẫn cần chạy thận nhân tạo, hỗ trợ sự sống và các phương pháp điều trị khác, đồng thời được đưa đến ICU để tiếp tục điều trị sau ca phẫu thuật.
Sau đó, bác sĩ phát hiện anh Tiểu Vỹ không có bệnh lý tiềm ẩn nào mà bệnh nặng như vậy là do nhiễm phải "vi khuẩn ăn thịt người" Vibrio vulnificus, loài vi khuẩn có trong hải sản sống, chưa nấu chín hoặc ôi thiu.
Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn sống ở đại dương, có thể phân lập được từ hàu và các loại hải sản khác. Người mắc bệnh khởi phát cấp tính, tiến triển dữ dội, điều trị khó khăn, nếu không được điều trị kịp thời trong vòng 48 giờ, tỷ lệ tử vong có thể lên tới trên 50%, nếu quá 72 giờ không được điều trị hiệu quả, tỷ lệ tử vong có thể đạt gần 100%.
Các bác sĩ cho biết, có hai con đường chính dẫn đến nhiễm Vibrio vulnificus, một là da hoặc niêm mạc bị tổn thương tiếp xúc với nước biển hoặc hải sản và da bị châm chích, nhiễm trùng. Nhiều người nhiễm bệnh phải cắt bỏ tứ chi để cứu sống. Trong đó, loại nhiễm trùng chấn thương là phổ biến nhất. Hai là ăn hải sản bị nhiễm Vibrio vulnificus, Vibrio vulnificus xâm nhập vào máu qua niêm mạc đường tiêu hóa và gây nhiễm trùng toàn thân.
Vì nhiễm V. vulnificus có tỷ lệ tử vong cao nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo rằng, nếu có vùng da bị tổn thương hoặc vết thương hở nên tránh xa nước biển.
Thứ hai, hãy đặc biệt cẩn thận khi xử lý hải sản, đặc biệt là những người mắc bệnh tiềm ẩn hoặc chức năng miễn dịch kém, khi làm sạch và xử lý thực phẩm, hãy cố gắng đeo găng tay dày không thấm nước hoặc sử dụng dao, kìm và các dụng cụ sắc bén khác để tránh bị đâm. Thứ ba, nhóm có nguy cơ cao nên tránh ăn hải sản sống.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Bị cưa cụt chân vì kẹt vào băng chuyền ở sân bay