Mốt nhuộm, uốn, duỗi tóc ra đời kéo theo hậu quả khiến nhiều người tóc xơ xác, chẻ ngọn, rụng thưa sau một thời gian sử dụng hóa chất làm đẹp cho tóc. Để khắc phục tóc hư tổn, hàng loạt mỹ phẩm giới thiệu là gel dưỡng tóc nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc tóc cho chị em. Tuy nhiên, mỹ phẩm dưỡng tóc cũng không tránh khỏi những tác hại đối với sức khoẻ.
3 lần bôi gel dưỡng tóc đều bị choáng đầu, buồn nôn
Nhiều người cho rằng, chỉ những mỹ phẩm bôi trực tiếp vào da mới có nguy cơ gây dị ứng cao. Những loại mỹ phẩm mùi không quá hắc, chỉ là bôi trên tóc, không chạm vào da đầu nhưng vẫn có nguy cơ gây dị ứng. Trường hợp chị Đỗ Thị Minh Lý (ngụ tại căn cứ 26, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) dưới đây là một ví dụ.
Cho chúng tôi xem mỹ phẩm dưỡng tóc được quảng cáo công dụng: “Tạo kiểu cho tất cả các loại tóc, có chất dưỡng làm mượt và bóng tối đa cho tóc. Gel màu sữa, dạng bọt, in chằng chịt thành phần hóa chất như benzyl alcohol, benzyl benzoate, butylphenyl methylpropional, lodopropynyl butylcarbamate...”, chị Lý cho biết: “Trong lần đi duỗi, nhuộm tóc, tôi được tiệm uốn tóc tư vấn dùng loại dưỡng tóc John Paul Mitchell cho tóc không bị xơ, rụng, giá 360.000đ/chai 150ml, xuất xứ Mỹ. Sau khi gội đầu, tôi thoa một lượng rất ít gel lên tóc, khoảng 15 phút, người choáng váng, nôn nao rất khó chịu. Lần 2, lần 3 dùng gel trên tôi vẫn thấy hiện tượng choáng, nhức đầu, có lúc nước mắt trào ra...”.
Trao đổi về vấn đề trên, TS Đặng Chí Hiền, Phân viện Hóa học TPHCM cho rằng, những thành phần hóa chất trên là một số chất bổ trợ, có thể hàm lượng không nhiều, nhưng chúng đều là những chất có khả năng bốc hơi mạnh, tác động đường hô hấp, nguy hiểm với người cơ địa dễ bị dị ứng. Trong các hợp chất hóa học tạo độ bóng, mượt cho tóc có hợp chất bay hơi, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây cảm giác nôn nao, khó chịu, đôi khi còn gây cho người dùng, người hít phải cảm giác lợm giọng buồn nôn. Có loại là hóa chất công nghiệp, nhưng lại bị biến thành nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, giúp bền màu, bền mùi.
Thành phần benzyl benzoat khi dùng với liều lượng lớn, có thể gây thần kinh, co giật, liệt hô hấp. Butylphenyl methylpropional là chất tạo hương tổng hợp, bị hạn chế do những lo ngại về kích ứng và phản ứng dị ứng. Chất Iodopropynyl butylcarbamate (IPBC) ban đầu được sử dụng trong các ngành công nghiệp gỗ, sơn, sau này được sử dụng trong một số mỹ phẩm, công dụng là chất bảo quản. IPBC cũng là một thành phần của thuốc trừ sâu carbamate. Sử dụng hạn chế ở một số nước do độc tính của nó, đặc biệt là nhiễm độc cấp tính đường hô hấp. IPBC cũng coi là một chất gây dị ứng tiếp xúc, bị theo dõi chặt chẽ.
|
Loại gel dưỡng tóc mà chị Đỗ Thị Minh Lý (TPHCM) sử dụng bị dị ứng. |
Gây nhiều tác hại cho cơ thể
Theo địa chỉ trên nhãn mác bao bì sản phẩm gel dưỡng tóc John Paul Mitchell, chúng tôi liên hệ tới nhà nhập khẩu, phân phối là Công ty TNHH Yến Nhi để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc sản phẩm trên thì được biết, công ty này đã sang nhượng, đổi tên thành Công ty TNHH Mỹ Yến (quận 3, TPHCM) kinh doanh mỹ phẩm. Công ty mới không biết gì về nguồn hàng gel dưỡng tóc do Công ty TNHH Yến Nhi đã bán cho khách hàng.
TS.BS Trần Ngọc Ánh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM khuyến cáo, chị em nên thận trọng với các loại “mỹ phẩm xấu”, trong đó có mỹ phẩm chăm sóc tóc như dưỡng, làm mềm mượt, nhuộm, uốn, duỗi, chống rụng, gãy, khô. Sử dụng các loại mỹ phẩm gel dưỡng trôi nổi, có thể gây các triệu chứng như da đầu ngứa, nổi mụn nước, mụn mủ, rụng tóc.
“Mỹ phẩm xấu” gây nhiều tác hại cho cơ thể. Có loại điều trị được, có loại tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ và tâm lý, nhưng có khi người sử dụng không nhận biết được vì thời gian gây tổn thương thường chậm. Nên thận trọng với những mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Thận trọng hơn đối với người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, chàm, viêm da dị ứng... Không bao giờ sử dụng lại khi dị ứng với mỹ phẩm dưỡng tóc đã dùng. Nên tránh lạm dụng mỹ phẩm, vì trên thực tế không có loại mỹ phẩm nào là bổ dưỡng cho da, tóc cả.
Dù là sản phẩm giới thiệu từ thiên nhiên, nhưng vẫn có trường hợp vì lợi nhuận thương mại hóa nên thành phần mỹ phẩm vẫn chủ yếu là hóa chất. Theo truyền thống xưa, để tóc bóng, mượt, người ta thường sử dụng lá, quả thiên nhiên, sơ chế rất đơn giản như cây lá sả, vỏ bưởi, bồ kết, cỏ mần trầu... dùng sắc nước gội đầu, dầu dừa thoa bóng tóc.
Hóa chất trong mỹ phẩm nhiễm qua đường hô hấp cũng rất nguy hiểm, vì nó trực tiếp và tức thì, ảnh hưởng tới phổi, hệ thần kinh, về lâu dài có khả năng gây bệnh mạn tính. Nên chọn mỹ phẩm thông dụng, có công thức đơn giản, mỹ phẩm có càng nhiều thành phần hóa chất khác nhau thì rủi ro mắc bệnh càng cao.
TS.BS Trần Ngọc Ánh