Sắn luộc là món ăn quen thuộc ở vùng nông thôn phía Bắc. Vị thơm bùi ấm áp của sắn cùng độ dẻo mềm khiến nhiều người thích thú. Hơn nữa đây là món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều người, ngửi vị sắn như được quay trở về với tuổi thơ năm ấy. Tuy nhiên, để luộc sắn ngon không phải ai cũng có thể làm được và không phải ai cũng thực hành đúng.
Trước hết ở khâu chọn sắn, để lựa chọn được những củ sắn ngon, bạn cần chọn củ tròn, củ nạc, sắn trồng được 1 năm trở lại ăn ngon nhất. Sắn có nhiều loại: Sắn chuối, sắn xanh, sắn lùn hay còn gọi là sắn đỏ, trong đó loại sắn ăn được ít bị say là sắn chuối.
Chế biến sắn đúng cách thế nào?
Trước tiên, bạn cần lột sạch lớp vỏ hồng của sắn và ngâm kỹ bằng nước gạo vài giờ trước khi cho vào nồi luộc. Bạn nên thay nước ngâm sắn thường xuyên để được sạch. Cách làm đúng nhất là ngâm sắn trong nước một thời gian (1/2 đến 1 ngày) rồi mới nấu sắn tươi.
Những loại củ sắn ngọt, phải chế biến ngay sau khi dỡ sắn, nếu không thì phải vùi củ xuống. Nếu mua tránh mua sắn mọc gần cây xoan, bởi sắn mọc ở gần xoan hay bị rễ cây xoan làm đắng củ, ăn rất độc và nguy hiểm, nên chị em nội trợ hết sức lưu ý khi mua sắn về chế biến.
Lưu ý phải bóc sạch vỏ và luộc chín để tránh ngộ độc sắn bởi trong sắn chứa nhiều độc tố, đặc biệt là axit cyanhydric (HCN) đáng kể, một chất có thể gây độc chết người. Lưu ý, khi luộc, bạn phải mở nắp nồi để chất độc bay ra ngoài, khi nước sôi, bạn hãy thả vào nồi sắn luộc một vài hạt muối trắng để khử khuẩn và tăng vị đậm đà cho sắn.
Sắn luộc, sắn hấp là món ăn vặt phổ biến và ngon lành mà các bà bầu hay nghĩ đến mỗi bữa phụ. Tuy nhiên, tương tự như măng tươi, củ sắn (khoai mì) có chứa rất nhiều axit cyanhydric (HCN) - rất độc đối với cơ thể; ăn củ sắn dễ gây rối loạn tiêu hóa hay thậm chí là ngộ độc. Do đó, các bà bầu và trẻ em dưới 3 tuổi không nên hạn chế ăn loại củ này.
Không nên ăn nhiều sắn vào lúc đói, khi ăn sắn hãy chấm với đường hoặc mật để giảm nguy cơ say sắn và ngộ độc thứ phát. Nếu thấy sắn đắng nên bỏ đi vì sắn càng đắng thì càng nhiều axitcyanhydric.