Sốc phản vệ sau khi ăn châu chấu rang
Mới đây, một nam thanh niên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cấp cứu. Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trên da toàn thân xuất hiện nhiều ban dị ứng màu đỏ, kích thước 3-5 mm, ngứa; tím môi và đầu chi, khó thở nhanh nông, đau tức ngực, thể trạng mệt mỏi, huyết áp 70/40 mmHg.
Người bệnh được chẩn đoán sốc phản vệ do ăn châu chấu.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho người bệnh và xử trí theo phác đồ xử trí phản vệ. Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.
|
Ảnh minh họa: VTV. |
Nhập viện do dị ứng ve sầu
Trước đó, vào tháng 5/2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam 34 tuổi nhập viện do dị ứng ve sầu.
VTV đưa tin, người nhà bệnh nhân kể lại, sau bữa tối ăn nhộng ve, bệnh nhân có hiện tượng mệt mỏi, đau quặn bụng, đại tiện phân lỏng, tức ngực, khó thở kèm nôn nhiều, lập tức được đưa đến bệnh viện. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ độ 2 do ăn nhộng ve.
|
Bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC. |
Sốc phản vệ sau khi ăn lòng lợn, tiết canh
Vào tháng 3/2023, người đàn ông 51 tuổi được đưa đến Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội) cấp cứu.
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, bệnh nhân là L.Q.H.S, 51 tuổi, nhập viện vào ngày 8/3 trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân cho biết trước khi vào viện khoảng một giờ, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Trước đó, người đàn ông này khỏe mạnh, chưa từng bị dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có triệu chứng sốc phản vệ độ II (mức có thể nguy hiểm đến tính mạng). Sau một giờ được cấp cứu tích cực, sức khỏe của bệnh nhân dần tiến triển tốt, dấu hiệu mẩn đỏ trên da dịu lại, đỡ khó thở, tức ngực, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu về mức ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn.
|
Ảnh minh họa. |
Sốc phản vệ sau khi ăn tôm
Tháng 1/2023, một bệnh nhân bị sốc phản vệ hai lần, chỉ cách nhau hơn một tuần, sau khi ăn tôm.
Theo thông tin trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân là ông K.A.T. (59 tuổi, Việt kiều Úc). Sau Tết, ông T. ăn tân niên cùng bạn tại một quán hải sản ở quận Tân Bình (TP HCM) bỗng nổi mề đay, miệng sưng vù sau 10 phút ăn món tôm hấp. Ông nghĩ dị ứng bình thường nhưng có con trai làm bác sĩ tại Úc nên gọi điện thoại hỏi thăm. Con trai ông liên tục giục ông đến viện gần đó để được cấp cứu ngay.
Khai thác bệnh sử ghi nhận ông T. có cơ địa dị ứng hải sản, cùng với kết quả đo huyết áp 91/55 mmHg (bình thường 140/80mmHg), bác sĩ nhanh chóng nhận định bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 với tôm. Người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 10 phút, người bệnh giảm sưng miệng, hết ngứa, được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để tiếp tục theo dõi sát.
Sau 24 giờ theo dõi, bệnh nhân không còn diễn ra sốc phản vệ, da không còn nổi ban, ăn uống bình thường.
Được biết, chỉ trước đó hơn 1 tuần, vừa trở về từ Úc, ông T. cùng bạn bè đi Vũng Tàu. Khi ăn tôm nướng, ông bị ngứa, nổi mẩn đỏ, được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu với chẩn đoán sốc phản vệ nhẹ.
Theo bác sĩ, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm, cần được xử lý và cấp cứu ngay lập tức, càng sớm càng tốt tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng dị ứng hay sốc phản vệ xảy ra, người dân nên hạn chế ăn và loại bỏ thói quen ăn châu chấu hay những món lạ khác, nhất là người có cơ địa dị ứng.
Nếu thấy các dấu hiệu sẩn ngứa, khó thở… nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm