Sở thích ăn rau sống trở thành "mầm bệnh" khiến chàng trai nhiễm ký sinh trùng. Ảnh minh họa: Pexels.
Trần Hiếu (19 tuổi, TP.HCM) đã đi rất nhiều phòng khám lớn để tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh ngứa ngáy không khỏi. Hiếu bắt đầu có triệu chứng ngứa ngáy tay chân từ khoảng 15 tuổi, đến nay đã 4 năm nhưng vẫn chưa hết hẳn.
Gần đây, Hiếu mới biết mình không phải bị mề đay, dị ứng hay bệnh da liễu như trước đây vẫn lầm tưởng. Sau khi xét nghiệm ký sinh trùng, nam thanh niên mới nhận ra mình nhiễm giun đũa chó nhiều năm qua.
Chi chít sẹo vì gãi ngứa
Ban đầu, khi thấy con trai liên tục ngứa ngáy, mẹ Hiếu tích cực mua thuốc từ Tây y sang Đông y cho con trai uống nhưng tình trạng không cải thiện.
Các cơn ngứa ngáy vẫn thường xuyên diễn ra theo đợt, khiến Hiếu không thể tập trung học. Mỗi lần ngứa ngáy, da nam sinh đỏ bừng, trợt loét.
Bàn chân ngứa lâu năm, chi chít sẹo của Hiếu. Ảnh: NVCC.
"Cảm giác ngứa ngáy nhiều khi khiến mình phát điên. Mình phải mua một cái lược để gãi chân mới thỏa cơn ngứa. Những lúc ấy, da mình trợt ra, sẹo cũ sẹo mới đan xen, trông rất ghê sợ. Mình tự ti, luôn đi giày vì không muốn mọi người nhìn thấy bàn chân của mình", Hiếu chia sẻ.
Uống thuốc nhiều tháng không đỡ, nam sinh được mẹ dẫn đi khám da liễu nhưng bác sĩ không phát hiện điều bất thường nên chỉ cho thuốc uống lẫn thuốc thoa. Nhưng thuốc cũng không có tác dụng.
8 tháng trước, một lần tình cờ, Hiếu được người quen chỉ cách đi xét nghiệm ký sinh trùng. Lúc này, nam sinh mới bất ngờ nhận kết quả nhiễm giun đũa chó.
Hiếu bị hen suyễn, ít chơi với động vật, có tính sạch sẽ nên rất ít tiếp xúc với đất cát hay bùn bẩn để nhiễm giun sán. Nam sinh này khẳng định nguyên nhân khiến cậu nhiễm ký sinh trùng có thể là thói quen ăn nhiều rau sống.
"Gia đình mình hay mua rau sạch họ hàng trồng ở quê. Loại rau này dù không sử dụng các loại thuốc trừ sâu nhưng được tưới phân tươi. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến mình nhiễm giun đũa chó mà không hay biết", Hiếu chia sẻ.
Trước đó, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng tiếp nhận một người đàn ông cũng bị ngứa ngáy hành hạ suốt 10 năm.
10 năm qua, anh H. (32 tuổi, Hà Nội) luôn phải mang thuốc dị ứng bên mình để hạn chế cơn ngứa. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bệnh của anh sau khi uống thuốc chỉ đỡ đi chứ không hết hẳn.
Sau khi làm xét nghiệm, anh H. bất ngờ khi nhận kết quả mình bị nhiễm giun đũa chó từ thú cưng nuôi trong nhà.
Giun đũa chó mèo là nguyên nhân khiến nhiều người ngứa lâu năm không khỏi. Ảnh: CNN.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho hay ông đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm giun đũa, giun móc chó, mèo bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da nhiều năm.
Bệnh ngứa không nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh.
Họ đa số đã đi khám, điều trị tại một số bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng nhưng bệnh không thuyên giảm. Khi dùng thuốc chống dị ứng, bệnh nhân chỉ giảm đi triệu chứng ngứa chứ không được điều trị triệt để nguyên nhân gây ra bệnh.
Tác nhân gây bệnh giun đũa chó mèo là ký sinh trùng Toxocara canis và Toxocara cati. Đây là những loại giun đũa thường sống trong đường ruột của chó và mèo.
Khi trứng của giun đũa này được thải ra qua phân của động vật, nó có thể lây nhiễm cho con người thông qua đất, cỏ hoặc thức ăn bị ô nhiễm bởi phân của động vật chứa trứng giun đũa.
Người bị nhiễm giun đũa chó mèo có thể không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sưng và đau cơ.
Trẻ em bị nhiễm giun đũa chó mèo nặng có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như tăng áp lực nội sọ, tình trạng đục thủy tinh thể, viêm màng não, viêm phổi hoặc viêm gan.
Ngoài ra, để ngăn ngừa bệnh giun đũa chó mèo, mọi người cần đảm bảo vệ sinh môi trường sống để loại bỏ trứng giun đũa chó mèo và giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi làm vệ sinh, nên đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với đất cát hoặc phân động vật.
Trong trường hợp nhà có nuôi thú cưng, chó mèo và vật dụng thường xuyên tiếp xúc (lồng, đĩa bát ăn..) nên được làm sạch thường xuyên. Thú cưng cũng nên được tẩy giun định kỳ để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cũng là một biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm giun đũa chó mèo. Nếu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng, mọi người nên nhanh chóng đi khám dể tránh những biến chứng nghiêm trọng về sau.