Dị ứng, mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Google News

Theo dân gian, bệnh mày đay được cho là xuất phát từ suy giảm chức năng gan nhưng thực tế đó là do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những yếu tố gây dị ứng.

Mày đay có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời
Bệnh mày đay là tình trạng da phát ban với biểu hiện đặc trưng là các nốt sẩn và ngứa, triệu chứng bệnh dễ nhận biết, thương tổn là một quầng đỏ hơi phù nề, gồ lên mặt da như vết muỗi đốt (sẩn phù). Mỗi nốt sẩn phù tồn tại khoảng 2-4 giờ và tự biến mất không cần điều trị (kéo dài không quá 24 giờ), nhưng sau đó các nốt sần khác xuất hiện và tiếp tục gây ngứa.
Tình trạng mày đay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh như gây mất tập trung, gây khó chịu trong làm việc, sinh hoạt, gây mất ngủ, khiến người bệnh lo lắng và ảnh hướng tâm lý. Bệnh mày đay đôi khi có đi kèm với triệu chứng phù quanh hốc mắt, môi, lưỡi, hầu họng… còn gọi là phù mạch, có thể gây những tình trạng khó thở cấp tính thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Dựa theo thời gian xuất hiện của tổn thương, mày đay phân chia 2 dạng: Mày đay cấp là tình trạng tổn thương da đặc trưng kéo dài trong vòng từ vài giờ tới dưới 6 tuần; mày đay mãn tính kéo dài trên 6 tuần và tái phát thường xuyên trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Di ung, may day co phai do suy giam chuc nang gan?
Mày đay có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
Theo dân gian, bệnh mày đay được cho là xuất phát từ suy giảm chức năng gan (hay nóng gan), tuy nhiên quan điểm này được chứng minh là chưa chính xác. Thực tế, tình trạng ngứa nổi mày đay là kết quả của quá trình dị ứng, tức hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những yếu tố gây dị ứng.
Các yếu tố được xem là căn nguyên gây dị ứng khi xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch, khiến cơ thể giải phóng nhiều hoạt chất trung gian hoá học, trong đó nhiều nhất là Histamin. Hoạt chất Histamin làm giãn mạch máu nhỏ dưới da, thoát mạch tăng tính thấm thành mạch gây ra sẩn phù, kích thích các tận cùng thần kinh cảm giác gây ngứa, co thắt cơ trơn gây khó thở, đau bụng. Ngoài ra còn kích hoạt nhiều hoạt chất trung gian khác gây viêm (nóng, sốt).
Căn nguyên bệnh mày đay rất phức tạp, trên cùng một người bệnh có thể có một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra cùng lúc. Tuỳ thể mày đay cấp tính hay mạn tính mà căn nguyên có thể khác nhau, một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp:
Dị ứng thức ăn: cơ thể dị ứng với thành phần của một số loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu, tôm, cua… nhìn chung có rất nhiều thực phẩm cả động vật và thực vật có thể gây bệnh mày đay ở những người có cơ địa dị ứng.
Do thuốc: Một số người bị nổi mày đay do mẫn cảm với một số thành phần thuốc như aspirin, kháng sinh, ibuprofen…
Do tiếp xúc với dị nguyên: Phấn hoa, bụi các loại, khói thuốc, lông động vật, men mốc, len…
Do các tác nhân vật lý: Áp lực tỳ đè (chứng da vẽ nổi), nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng mặt trời, nước…
Do tăng thân nhiệt thường sau vận động, stress, ăn đồ cay nóng.
Do nhiễm trùng, bệnh viêm mạn tính: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa bệnh nhiễm trùng (nhiễm Helicobacter pylori, viêm gan A, viêm gan C, nhiễm khuẩn vùng mũi họng, ký sinh trùng đường ruột), bệnh viêm mạn tính (viêm dạ dày, viêm thực quản trào ngược, hoặc viêm ống mật, túi mật) với mày đay mạn tính. Tuy nhiên, bằng chứng về mối liên quan này còn ít và cơ chế khởi phát bệnh chưa rõ ràng.
Do các bệnh lý tự miễn: Mày đay liên quan tới bệnh tự miễn của mô liên kết bệnh như lupus ban đỏ hệ thống hoặc hội chứng Sjögren (rối loạn mô cơ xương và mô liên kết)… nhưng chúng thường thể hiện dưới dạng viêm mạch mày đay, các thương tổn mày đay tồn tại trên 12 giờ tới 24 giờ, chậm thay đổi kích thước và hình thái, để lại rát tăng sắc tố do lắng đọng hemosiderin.
Không tìm ra nguyên nhân: Có đến 50% số trường hợp nổi mề đay không thể tìm ra nguyên nhân đặc biệt với mày đay mạn tính và loại này được xếp vào dạng mày đay mạn tự phát hay mày đay mạn vô căn.
Như vậy, nguyên nhân gây tình trạng nổi mày đay không phải do gan hay do nhiễm ký sinh trùng đơn thuần mà có rất nhiều nguyên nhân khác. Người bệnh bị bệnh mày đay cần được bác sĩ chuyên ngành thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá, phân loại và tìm ra căn nguyên.
Người bệnh tuyệt đối không nên tự sử dụng các thuốc được coi như hỗ trợ bảo vệ gan hay tăng cường miễn dịch, cần tuân thủ điều trị theo đơn bác sĩ chỉ định.
BS Vũ Thu Trang (Khoa Dị ứng, Trung tâm Da liễu-Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
BS Vũ Thu Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)