Mới đây, người nhà của một bệnh nhi 22 tháng tuổi đã đem vòng hoa tang đến đặt trước một phòng khám sau cái chết đau lòng của bé. Bé trai này đã chết tức tưởi sau chỉ định truyền dịch của bác sĩ (BS) tại phòng khám.
|
Ảnh minh họa. |
Bệnh nặng hay nhẹ đều…truyền dịch
Chiều 15/10, theo thông tin từ người nhà, bé trai N.G.B (22 tháng tuổi, ngụ huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) bị sổ mũi, sốt, tiêu chảy nên được gia đình đưa tới thăm khám tại phòng khám tư nhân ở quận Long Biên (TP Hà Nội). Dù đã được BS nơi đây cho thuốc uống nhưng tình trạng bệnh của bé vẫn không thuyên giảm. Hôm sau, gia đình tiếp tục đưa bé đến phòng khám này; lần này BS chỉ định truyền dịch. Tuy nhiên, mới truyền dịch được một lúc, bé có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ. Mặc dù mọi người đã nhanh chóng đưa vào bệnh viện (BV) cấp cứu nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Trung tuần tháng 9, bệnh nhân V.T.T (42 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) được nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. BS Hoàng Ngọc Ánh, Phó Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Thống Nhất (TP HCM), thông tin bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, các BS đã can thiệp đặt nội khí quản cho thở máy, tiêm adrenalin, uống bù bicarbonat, tuy nhiên, tiên lượng nặng, không hồi phục được. Theo người nhà, bệnh nhân vốn có tiền sử hẹp van 2 lá, rung nhĩ, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, phải sinh hoạt tại chỗ nhiều năm liền. Trước đó 3 ngày, anh T. bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nên người nhà mời BS về truyền dịch tại nhà. Trong lúc truyền dịch, bệnh nhân khó thở, lạnh run người, mệt nên được chuyển cấp cứu.
Tại BV, kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị hẹp khít van 2 lá, huyết khối buồng nhĩ trái, suy tim, di chứng tai biến mạch máu não. Mặc dù được các BS điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, không cải thiện. Sau đó, người nhà xin đưa về nhà để lo hậu sự.
BS Ánh nhận định nguyên nhân là do tốc độ truyền dịch vào cơ thể bệnh nhân có bệnh lý nền suy tim, tim yếu nên không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp. "Trong dịch truyền thường có pha vitamin nhóm B (B1, B6, B12) dễ gây tình trạng sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân được truyền dịch tại nhà hoặc phòng khám tư nhân, khi xảy ra sốc phản vệ hoặc biến chứng mà không cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong rất cao" - BS Ánh khuyến cáo.
Tương tự cũng trong tháng 9, tại BV Việt Nam - Thụy Điển (tỉnh Quảng Ninh), bệnh nhân N.T.B (56 tuổi; ngụ xã Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cũng bị sốc phản vệ nguy kịch (độ III) do truyền dịch tại nhà.
Truyền dịch phải có chỉ định của BS
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, nhận xét nhiều bệnh nhân rất thích truyền dịch. Cứ thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mệt, uể oải là mời BS hay điều dưỡng tới nhà truyền dịch. Chính vì vậy, BV thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng với một trong những thành phần của dịch truyền. Có trường hợp vào BV quá trễ nên đã bị tổn thương não nặng và tử vong.
Việc truyền dịch tại nhà hay nơi không bảo đảm điều kiện sẽ vô cùng nguy hiểm vì nhiều nguyên nhân như người bệnh và người nhà bệnh nhân yêu cầu truyền đạm, mỡ hay dịch truyền có pha thêm thuốc; chỉ định từ BS… Tuy nhiên, dù là lý do gì thì việc bảo đảm an toàn cho người bệnh khi truyền dịch tại nhà vẫn không được tốt. Khi có phản ứng hay sốc thuốc xảy ra thì không có con người, phương tiện để cấp cứu bệnh nhân kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Mặt khác, truyền dịch nơi không bảo đảm kỹ thuật, thủ thuật cũng dễ gây nhiều biến chứng như nhiễm trùng nặng thêm tình trạng bệnh đang có sẵn, chưa kể đến việc mắc thêm nhiều bệnh lây nhiễm như HIV, viêm gan B, C…
Để bảo đảm an toàn, bệnh nhân nên đến BV hoặc nơi khám bệnh có uy tín, đủ điều kiện và được Sở Y tế cấp phép, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.