Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng khó quên

Google News

Dâu mới về nhà chồng sẽ có rất nhiều thứ “đầu tiên” gây nhiều bỡ ngỡ, thậm chí có cả cảm giác hẫng hụt và thất vọng. Với tôi, cái Tết đầu tiên ở nhà chồng là một trong những thứ “đầu tiên” thật khó quên.
 

15 năm về trước, cũng là cái Tết đầu tiên tôi phải xa nhà để về nhà chồng ăn Tết.
Tôi vẫn nhớ như in, vào khoảnh khắc giao thừa, một mình tôi ôm chậu quần áo vượt mặt lên tầng thượng để giặt giũ, phơi phóng và "tranh thủ" khóc một mình, còn dưới nhà, bố mẹ chồng, em chồng và chồng đều đã chìm vào giấc ngủ sâu.
Đứng trên tầng thượng, ngóng về nơi xa là nhà bố mẹ đẻ của tôi, tôi lại nhớ khoảnh khắc giao thừa của một năm trước đó khi tôi chưa lấy chồng cũng như nhiều năm về trước nữa, bà nội tôi, bố mẹ tôi và chị em tôi đều diện quần áo mới, chờ thắp hương cúng giao thừa, cùng ngồi xem chương trình chào năm mới trên tivi, rồi cùng tặng nhau phong bao lì xì mừng tuổi mới.
Cai Tet dau tien o nha chong kho quen
 Vào khoảnh khắc giao thừa, một mình tôi ôm chậu quần áo vượt mặt lên tầng thượng để giặt giũ... (Ảnh minh họa)
Bao năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt của bà tôi móm mém cười hiền, khuôn mặt bố mẹ tôi rạng rỡ bỏ qua một năm với bao bộn bề, khó khăn vất vả với cái nghề “bán phổi đổi lấy cơm” (cả hai bố mẹ tôi đều là giáo viên của cái thời “lương ba cọc ba đồng”), còn chị em tôi lăng xăng giúp bố mẹ cúng giao thừa rồi hạ lễ và thụ lộc.
Chưa kể những năm chúng tôi còn bé tí, một trong những thú vui mà từ lúc tôi lấy chồng đến bây giờ không còn có dịp lặp lại lần nữa, đó là cùng chờ từng phút đồng hồ, đến đúng 12 giờ đêm 30 Tết thì hô cả xóm cùng đồng thời châm bánh pháo hồng để đón chào năm mới trong không gian sánh nồng mùi khói pháo giao thừa.
Sau khi bố hoàn tất thủ tục lễ bái trong nhà và ngoài trời, cả nhà tặng cho nhau những lời chúc mừng năm mới đầy vui vẻ, và lũ trẻ chúng tôi đương nhiên là không thể thiếu những bao lì xì mừng tuổi đầu năm.
Đến khi chị em tôi trưởng thành và đi làm, không ít thì nhiều, chúng tôi cũng tặng bà và bố mẹ mỗi người một phong bao đỏ với số tiền tùy theo tình hình thu nhập của mỗi năm để chúc bà và bố mẹ thêm tuổi thêm mạnh khỏe và hạnh phúc.
Không khí giao thừa ấm cúng, tình cảm sum vầy cả nhà là như thế. Vậy mà, cái Tết đầu tiên ở nhà chồng của tôi lại quá vắng lặng. Tôi nhớ bà, nhớ bố mẹ, nhớ cả thằng em trai mà thi thoảng vẫn hay chí chóe với tôi. Nước mắt rơi lã chã.
Sáng mồng một Tết. Theo đúng phong tục truyền thống, nhà chồng tôi soạn mâm cơm cúng ông bà tiên tổ. Một mình tôi chuẩn bị cơm cúng, trong lúc đó mẹ chồng và em chồng sửa soạn quần áo đi lễ chùa. Cảm giác cô đơn, nhớ nhà lại trỗi dậy trong tôi. Và tôi lại nhớ về nhà của bố mẹ đẻ, sáng mồng Tết cả nhà gồm có bà, bố mẹ và em quây quần đầm ấm bên nhau.
Tôi buồn. Nhưng tôi quyết không để nỗi buồn đó lặp đi lặp lại cho nhiều năm sau.
Các cụ có câu “Nhập gia tùy tục”. Tuy nhiên, với một cô dâu mới bướng bỉnh, tôi đã làm một cuộc cách mạng ngầm. Tôi cứ rủ rỉ với mẹ chồng và thi thoảng lại kể chuyện bâng quơ với bố chồng, với chồng và em chồng về không khí giao thừa, mồng một Tết ở nhà mình.
Rồi “mưa dầm thấm lâu”, và cũng may mắn cho tôi là bố mẹ chồng cũng thương và chiều con dâu. Chỉ một hai cái Tết sau, nhà chồng tôi cũng bắt đầu có thói quen cùng nhau thức qua giao thừa để đón năm mới.
Rồi nhà có thêm lũ trẻ. Thời khắc giao thừa, bọn trẻ chạy lăng xăng quanh nhà, chờ kim đồng hồ điểm đúng số 12 để cùng bóc quà và nhận lì xì mừng tuổi của ông bà, bố mẹ. Sau khi ông và bố hoàn tất nghi thức cúng giao thừa, lũ trẻ cùng người lớn khấn lạy ông bà tiên tổ phù hộ cho một năm mới cả nhà an khang thịnh vượng. Không khí này thật vui, thật ấm áp và hạnh phúc.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tôi kể câu chuyện này nhằm muốn chia sẻ với các em gái chuẩn bị làm dâu rằng hãy chuẩn bị sẵn tinh thần, cái Tết đầu tiên ở nhà chồng có thể sẽ không được như ở nhà bố mẹ đẻ. Nhưng nếu mình sống thật tâm, thật tình và khéo léo một chút, mọi sự sẽ đều suôn sẻ. Chúc các chị em đón Tết thật vui vẻ bên gia đình và người thân.
Theo N.Đ/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)