Ngày 7/8, liên quan đến vụ việc 2 nữ hộ sinh của bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai truyền nhầm nhóm máu cho bệnh nhân (SN 1973, ngụ xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) may mắn sau đó sự việc được phát hiện sớm nên bệnh nhân được cứu sống.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, trưởng khoa sản bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, cho biết: "Đây là trường hợp sai sót y khoa rất đáng trách, may mắn sự việc được phát hiện kịp thời các bác sĩ kíp trực đã kịp thời cứu chữa".
|
Chị Blonh người bị truyền nhầm nhóm máu. Ảnh: Người đưa tin.
|
Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân tên Blonh trước đó nhập viện trong tình trạng, thiếu máu, rong huyết, u xơ tử cung. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luật bệnh nhân có số lượng hồng cầu trước khi vào viện là 2 triệu 3, chất lượng hồng cầu giảm do chảy máu trong thời gian dài. Do đó, sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định sẽ mổ cắt tử cung để cầm máu.
Đến ngày 6/8, hai nữ hộ sinh của khoa sản là Phạm Nguyễn Thanh Phi, Hà Thị Hằng Ny đi nhận 2 đơn vị máu nhóm A để truyền cho chị Lê Thị Hồng Thu (46 tuổi, ngụ xã Tiên Sơn, TP.Plieku, tỉnh Gia Lai) cũng bị bệnh thiếu máu, rong huyết, u sơ tử cung nằm cùng phòng với bệnh nhân Blonh.
Sau khi đi nhân 2 đơn vị nhóm máu A về nữ hộ sinh Ny thực hiện đầy đủ quy trình làm phản ứng ngưng kết hồng cầu cho bệnh nhân Thu ngay tai giường bệnh. Tuy nhiên, sau đó, nữ hộ sinh Phi lại bất cẩn cầm đơn vị nhóm máu A đáng lẽ ra được truyền cho chị Thu thì lại đem sang giường khác để truyền cho chị Blonh người có nhóm máu B.
Bác sĩ Bình cho biết thêm: "Cũng may mắn ngay sau đó 2 nữ hộ sinh phát hiện ra sự nhầm lẫn, kịp thời can thiệp và báo cáo cho bác sĩ trực kịp thời thực hiện các biện pháp cứu chữa".
Theo bác sĩ Bình, sau khi sự việc xảy ra bệnh viện đã niêm phong tất cả các thứ có liên quan lại để sau này nếu có sự cố đáng tiếc xảy ra cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Các tai biến khi truyền sai nhóm máu có thể gặp
Khi truyền nhầm nhóm máu, có thể xảy ra một số tai biến thường gặp như:
1. Tai biến tan máu
Với biểu hiện của bệnh là khắp người đau nhức, lưng đau dữ dội, tức ngực, khó chịu, cảm giác ớn lạnh, sốt cao, người nhận máu có thể bị trụy tim. Đối với người bệnh bị hôn mê bị mất cảm giác đau đớn, mồ hôi ra nhiều, mặt tái đi, mạch đập nhanh hơn, chân tay lạnh. Trong hội chứng đông máu nội mạch, triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra sau vài giờ hoặc sau 5-6 ngày.
Tai biến tan máu nội mạch thường gặp khi truyền máu khác nhóm trong hệ ABO.
Tai biến tan máu nội mô thường gặp do truyền máu không đồng nhất nhóm máu Rh với các nhóm máu phụ khác với những biểu hiện nhẹ hơn và ít có các biến chứng ở thận như tan máu nội mạch.
Khi xảy ra tai biến tan máu khi truyền cần lập tức ngừng truyền máu, thu hồi lại đơn vị máu truyền và lấy mẫu máu của người bệnh để xác định lại chính xác nhóm máu và thực hiện phản ứng chéo.
Để hạn chế tai biến này xảy ra cần đảm bảo quy trình phát máu chính xác, tuân thủ các quy định như ghi đúng nhãn máu, xác định đúng chai máu và đối tượng cần truyền máu, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định đúng nhóm máu của người nhận và người hiến đồng thời cần làm phản ứng chéo khi phát máu.
2. Tai biến tan máu muộn sau truyền máu
Sau khi người bệnh tiếp xúc với kháng nguyên lạ trong máu được truyền sau 1-2 tuần do xuất hiện hiện tượng miễn dịch thứ phát chống lại các đồng kháng nguyên hồng cầu.
Bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ có hiện tượng giảm nồng độ hemoglobin. Khi tan máu nặng, bệnh nhân có những biểu hiện đặc trưng như sốt cao, run, vàng da, thiếu máu...
Mức độ của tai biến này thường nhẹ nên không cần phải điều trị tích cực. Chỉ thực hiện điều trị khi bệnh nhân có các biểu hiện nặng như biểu hiện ở thận.
Để tránh tai biến ngoài mong muốn này, cần phải chọn người hiến có nhóm máu tương đồng về cả các hệ nhóm máu khác ngoài hệ ABO đối với những bệnh nhân có nguy cơ cơ cao như phải thực hiện truyền máu nhiều lần. Để phát hiện các đồng kháng thể mới xuất hiện trong máu của người nhận, cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc kháng thể.
3. Sốt do truyền máu không do tan máu
Khi nhóm bạch cầu và tiểu cầu của người nhận và người hiến không phù hợp, sự tương tác giữa kháng thể và kháng nguyên gây nên sự giải phóng các chất khiến người nhận máu bị sốt.
Để xác định được nguyên nhân gây nên tình trạng này thường rất tốn kém chính vì vậy, thực tế thường dùng phương pháp chẩn đoán loại trừ.
Có thể điều trị triệu chứng bằng thuốc hạ sốt và tiến hành xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.
4. Tai biến khi truyền máu cho những đối tượng mang nhóm máu Rh
Đối với những người có Rh-( không mang kháng nguyên D) trong lần đầu được truyền Rh+( cơ thể mang kháng nguyên D) sẽ không xảy ra tai biến. Tuy nhiên, khi cơ thể người nhận bắt đầu sản xuất kháng thể kháng Rh, chỉ sau 2-4 tháng nhận máu, nồng độ kháng thể sẽ đạt tối đa. Khi thực hiện truyền máu có Rh+ lần thứ 2 sẽ gây nên phản ứng, hồng cầu bị ngưng kết và gây nên tình trạng sốc truyền máu. Phản ứng sẽ càng mạnh hơn khi thực hiện những lần truyền máu Rh+ lần sau.
Khi truyền máu sai nhóm máu sẽ gây nên những tai biến đối với người nhận, nếu không xử lý kịp thời thậm chí người bệnh có thể có nguy cơ tử vong. Vì vậy, khi thực hiện truyền máu, cần phải xác định đúng nhóm máu của người nhận đồng thời phải thực hiện phản ứng chéo. Bên cạnh đó, quy trình thực hiện xét nghiệm phải đảm bảo an toàn và chính xác tuyệt đối để tránh các tai biến truyền máu.