Dì Út đi du lịch hè gần một tuần, tôi ở nhà cứ thấp thỏm mong. Bãi cỏ trồng trong vườn tốt ngập đầu, dì nó không về cắt cho bò ăn thì cỏ già mất. Buổi tối trước khi ngủ, tôi nói với bà xã:
- Dì Út đi sáu ngày rồi hén! Chừng nào nó về? Anh mong quá!
Bà xã phì cười:
- Hên là em hiểu rõ anh em nhà anh, không thì lại ghen tuông ẩu. Anh rể gì mà mong em vợ.
Ừa, cũng lạ! Anh rể với em gái vợ mà cứ mong mong, nhớ nhớ. Dì Út 36 tuổi, là giáo viên dạy văn trường THCS xã, cách nhà tôi chừng mười cây số. Chú em “cột chèo” là công nhân đường sắt, kiêm làm vườn và nuôi bò.
Vợ chồng nhà dì Út đúng là một cặp “thanh mai, trúc mã”. Hai đứa yêu thương, nhường nhịn nhau, nuôi hai đứa con học hành giỏi giang. Tôi lấy vợ muộn, nên khi cưới bà xã được một năm thì kéo nhau về ở chung với ông bà ngoại.
|
Ảnh minh họa. |
Hai ông bà già rồi mà chỉ có hai cô con gái, nên cũng mong có con rể trong nhà. Hai cặp vợ chồng hiểu biết, thương yêu và trân trọng nhau. Tôi với dì Út có nhiều điểm tương đồng về cuộc sống, cách suy nghĩ, làm việc.
Tôi thường bị em vợ nhắc nhở: “Anh Hai lớn tuổi rồi, làm gì thì đừng ráng sức, lỡ đau bệnh. Phải có sức khỏe mà chăm sóc hai mẹ con bả (bà xã tôi)”. Có buổi đi hái điều trong vườn, tôi ham quá làm tới mười giờ, trời nắng nóng, mồ hôi đổ ra như tắm. Dì Út đi dạy về ngang nhìn thấy, to tiếng:
- Trời nắng phải biết vô nghỉ chớ! Vô liền đi, để đó cuối tuần em lên hái cho một buổi là xong.
Ngày thứ Bảy vợ chồng tụi nó lên thiệt. Đứa con gái chơi với bà ngoại, chồng nó cắt cỏ bò, còn hai anh em tôi đi hái đào.
Hái đào với em vợ tất nhiên là vui hơn, đỡ mệt hơn. Dì Út luôn miệng kể chuyện dạy con, “dạy chồng”, tới việc bảo tôi đừng cho ông ngoại hút thuốc lá nhiều. Bà xã tôi hơi chậm chạp, nên mọi chuyện trong nhà toàn tôi lo, hoặc là nhờ dì Út. Đưa con nhỏ đi khám bệnh, mua dầu gội đầu, thuốc trị nám cho chị gái đều một tay dì Út. Biết tôi hay bị đau đầu, thi thoảng dì mua cho mấy hộp hoạt huyết dưỡng não. Bà xã tôi thường ngại bị em gái la chị vì để giường chiếu bề bộn, không chịu lau mặt cho bé. Để cho chồng dãi nắng cả buổi ngoài đồng mà không kêu vô pha nước chanh cho uống.
Tôi và dì Út có những tính toán cũng giống nhau. Tôi muốn mua cho bà xã chiếc xe mới, trong khi vợ tôi nói xe nào cũng được, thì anh em tôi chọn mua xe tay ga. Mua quần áo cho con tôi, cả hai chọn mua màu sáng thay vì màu đỏ như bà xã tôi dặn.
Thằng con lớn nhà dì Út lên lớp 12, ba nó có nguyện vọng học xong THPT thì cho đi học nghề, còn mẹ nó và tôi thì muốn cháu vô Học viện quân sự. Tôi đi công tác hay về quê, đôi khi kẹt tiền, chưa kịp nói ra thì dì Út đã đưa cho mấy triệu. “Anh cầm xài dọc đường, lúc nào có trả lại cũng được”. Cũng lạ là những chuyện riêng tư, chuyện công việc, anh em tôi thường tâm sự với nhau, thay vì kể với vợ hoặc chồng mình.
Cả bà xã tôi và chú em “cột chèo” tất nhiên đều hiểu về quan hệ thân thiết giữa anh rể và em vợ. Họ thông cảm và không nghi ngờ gì. Cả hai anh em tôi cũng hiểu như vậy và cư xử với nhau đúng mực. Đó không phải là tình cảm yêu thương, mà là sự tri âm, tri kỷ của hai người bạn.
Tôi dám kể ra chuyện này, cũng là để mọi người biết, đừng hiểu sai lệch về quan niệm “anh rể, em vợ”. Vì chúng tôi đang có một tình bạn tốt, tình anh em chân thành, vô điều kiện và không vụ lợi.