Theo thông tin từ Bộ Y tế, chiều 4/2 (mùng 4 Tết Nhâm Dần), Việt Nam ghi nhận 11.594 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 11.586 ca ghi nhận trong nước tại 59 tỉnh, thành phố.
Như vậy, sau 2 ngày số ca nhiễm có chiều hướng giảm mạnh, số F0 quay trở lại mức hơn 11.500 người dương tính với SARS-CoV-2.
Số F0 tăng trở lại sau 2 ngày giảm mạnh
Trước đó, từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 1, số ca mắc tại Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động 14.000-16.000 F0 (chưa tính ca bổ sung).
Ngày 2/2 (ngày mùng 2 Tết Nhâm Dần), Bộ Y tế công bố cả nước có 8.722 ca mắc Covid-19. Đây là số ca nhiễm thấp nhất được ghi nhận tại Việt Nam sau 79 ngày liên tiếp. Đến ngày 3/2, số lượng F0 tiếp tục giảm xuống còn 8.575 ca.
Tuy nhiên, đến ngày 4/2, số ca nhiễm tăng trở lại, nhiều hơn ngày trước đó 3.011 ca. Trong đó, Hà Nội duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về số ca mắc trong thời gian dài vừa qua (2.756 ca). Xếp sau lần lượt là Đà Nẵng (1.544 ca trong 2 ngày, Nam Định (620), Quảng Nam (594).
Báo Sức khỏe Đời sống dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/1-2/2), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc Covid-19 và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).
So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%. Số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Bộ trưởng Y tế nhận định việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
30 quận, huyện ở Hà Nội có thêm ca mắc Covid-19
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 3/2 đến 18h ngày 4/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.756 ca Covid-19.
2.756 bệnh nhân phân bố tại 402 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong 24 giờ qua (140), xếp sau là các quận Đông Anh (130), Đống Đa (128), Nam Từ Liêm (93), Chương Mỹ (87).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 145.607 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 3/2, thành phố có 55.081 F0 đang điều trị. Trong đó, tại các đơn vị Trung ương, có 333 F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Các bệnh viện của Hà Nội là 2.456 ca; cơ sở thu dung của thành phố là 71 ca; cơ sở thu dung của các quận, huyện là 732 ca; còn lại có 51.499 ca điều trị tại nhà.
Ngoài ra, trong ngày, số ca tử vong là 17. Như vậy, tổng số ca tử vong tính từ ngày 29/4/2021 đến nay tại Hà Nội là 703 ca.
Nghệ An họp khẩn sau khi ghi nhận hàng trăm F0
Chiều 4/2,Sở Y tế tỉnh Nghệ An họp khẩn bàn công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo ngành y tế tỉnh này, từ 6h đến 18h ngày 4/1, toàn tỉnh có thêm 233 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 35 ca trong cộng đồng, 162 ca từ F1, 17 ca trong vùng phong tỏa, 19 ca từ tỉnh có dịch về.
Theo báo cáo, từ ngày 28 Tết đến hôm nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.867 ca, trong đó 242 ca cộng đồng. Trung bình 267 ca/ngày. Thành phố Vinh có số lượng ca mắc lớn nhất tỉnh (365 ca).
Như vậy, tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến 18 giờ ngày 4/2, trên địa bàn Nghệ An ghi nhận 15.347 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 13.019 người đã khỏi bệnh, ra viện và 45 trường hợp tử vong.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh dự báo số ca nhiễm có thể tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, riêng đơn vị TP Vinh, ngay bây giờ phải kích hoạt cơ sở thu dung điều trị để tiếp nhận F0 khi cần thiết. Đối với điều trị F0 tại nhà, đề nghị các địa phương và cơ sở y tế thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việt Nam đã tiêm hơn 16,6 triệu mũi 3 vaccine Covid-19
Thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 3/2, có 6.320 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 181.665.411 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.080.967 liều, tiêm mũi 2 là 74.187.748 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.396.696 liều.
Trong đó, 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% đến dưới 90% gồm: Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.
Số liều vaccine phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 16.252.370 liều, gồm: 8.446.577 liều mũi 1, 7.805.793 liều mũi 2.
Theo Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/1 đến 2/2), cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, đã tiêm chủng được hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố.
Các địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm: Thái Bình (102.218 liều), Hưng Yên (78.688), Phú Yên (68.444), Hà Nội (55.306), Phú Thọ (51.578), Bình Thuận (41.235), Gia Lai (35.851), Quảng Nam (35.851), Lâm Đồng (24.765), Long An (22.169).
Yêu cầu của Bộ Y tế là chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine phòng Covid-19 đã được cấp, không được để lãng phí vaccine.
Đặc biệt trong chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị tăng cường thông tin đại chúng để người dân không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.