Xuất khẩu lao động (XKLĐ) thay đổi bộ mặt nhiều làng quê nhưng cũng có những gia đình ly tán sau khi vợ, chồng trở về từ xứ người.
Chị Nguyễn Thị Hoài (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), có nhiều năm sang nước ngoài làm ăn. Chị nói, nhiều gia đình nhờ số tiền kiếm được, về nước xây dựng cuộc sống đầy đủ hơn nhưng chị cũng từng chứng kiến nhiều cảnh đau lòng.
Một trong những câu chuyện khiến chị ám ảnh là sự tan vỡ của gia đình chị Lê Thị Hồng, một phụ nữ có nhiều năm đi XKLĐ tại Đài Loan (Trung Quốc).
Hồng là người phụ nữ không quá đẹp nhưng chị biết cách ăn mặc, chăm sóc nhan sắc. Chị lấy anh Nam, một người đàn ông làm nghề phụ hồ cùng làng. Kinh tế khó khăn, họ quyết vay mượn để Hồng sang Đài Loan khi người con gái thứ 2 chưa tròn tuổi.
‘Hồng đi hơn 15 năm. Trong khoảng thời gian này, cô ấy có về thăm chồng con vài lần vào dịp Tết.
Sang bên đó, kiếm được món tiền lớn nhưng vợ chồng họ lại không giữ nổi hạnh phúc gia đình…’, chị Hoài kể.
|
Xuất khẩu lao động đã thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê. |
Hồng vất vả lao động và để dành được số tiền lớn. Tuy nhiên, sự xa cách khiến tình cảm phai nhạt và họ gần như ly thân. Hồng về thăm nhà vào dịp Tết, từ ngày 30 đến mùng 6 âm lịch, nhưng chị chỉ ngủ với con, tuyệt nhiên không đả động gì đến chồng.
Số tiền kiếm được từ việc làm thuê ở nước bạn, Hồng gửi một ít về cho các con ăn uống, học hành nhưng không gửi cho chồng.
Chồng Hồng ở nhà canh tác mấy sào ruộng. Những ngày rỗi việc đồng áng, anh đi làm thợ phụ hồ. Thời gian xa vợ, tình cảm vợ chồng trục trặc nên anh chán nản, lao vào rượu chè, chơi bời.
Năm 2018, chị Hồng về nước hẳn. Có trong tay tiền tỷ, chị mở nhà hàng, quán karaoke để kinh doanh. Chị thành bà chủ. Kinh tế ngày càng phát đạt, nhìn người chồng gầy gò, suốt ngày say xỉn, chị thêm chán nản.
Mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng, người chồng đành thu dọn quần áo ra căn nhà tạm bợ nằm cạnh ao của gia đình để sống. Anh buồn, càng uống nhiều rượu, không ăn uống gì. Mấy ngày sau, anh ốm nặng, gia đình phải đưa đi cấp cứu nhưng không kịp.
‘Tài sản để làm gì khi mà vợ chồng ly tán và người chồng chết trong cô độc như vậy’, chị Hoài kể lại.
Người phụ nữ này còn cho biết, chị từng chứng kiến nhiều gia đình vợ đi XKLĐ xa gia đình, cô đơn đã có mối quan hệ với những người đàn ông cùng cảnh ngộ, hay những gia đình có chồng ở nhà buồn chán cũng rơi vào mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng. Ngày vợ, chồng về nước, thay vì đoàn tụ họ lại dẫn nhau ra tòa án làm thủ tục ly hôn.
‘Có gia đình, người phụ nữ đi Malaysia lao động suốt 10 năm. Sang bên kia, người vợ nảy sinh tình cảm với người khác nên về nhà ly hôn chồng và bỏ 3 đứa con để đến với hạnh phúc mới.
Bố con họ rơi vào cảnh nợ nần vì suốt thời gian đi làm người vợ không gửi tiền về. Số tiền nợ để chạy cho vợ đi XKLĐ cũng chưa thể trả nên lãi mẹ đẻ lãi con’, chị Hoài kể thêm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thước, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lư (Yên Dũng, Bắc Giang) cho biết, bên cạnh việc cải thiện kinh tế, việc đi XKLĐ cũng không tránh khỏi những hệ lụy.
Người đi XKLĐ đều trong độ tuổi làm ăn, còn trẻ vì vậy xa gia đình cũng dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Trong khi đó người ở nhà, do có thời gian rảnh rỗi nên sinh ra việc tụ tập ăn uống, chơi bời.
Ban đầu họ gặp gỡ giao lưu cùng hoàn cảnh, uống rượu sau đó nảy sinh tệ nạn. Bởi vậy, trong số các gia đình có vợ/chồng đi XKLĐ có vài cặp ly hôn. Tuy nhiên tình trạng này không phải là phổ biến.
‘Việc đi làm ăn xa không tránh được những rủi ro, những điều không mong muốn nên chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền với người ở nhà không sa vào các tệ nạn xã hội, gìn giữ gia đình.
Với những trường hợp vợ chồng lục đục, địa phương gọi lên hòa giải, tuyên truyền. Sau đó, một số gia đình may mắn đoàn tụ nhưng cũng có tỷ lệ nhỏ vợ chồng ly hôn', ông Thước cho biết thêm.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi