Bệnh nhân ung thư có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19?

Google News

Hiện chưa có thuốc đặc trị COVID-19, nên vắc xin vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Nhiều người bị ung thư đang tự hỏi liệu có an toàn khi tiêm một trong các loại vắc xin COVID-19 hay không.

Ung thư là một tình trạng nguy cơ cao đối với COVID-19
Ung thư là một bệnh lý nền khiến bệnh nhân có nhiều nguy cơ tiến triển nặng và rất nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó câu trả lời ngắn gọn là đối với hầu hết người trưởng thành bị ung thư hoặc có tiền sử ung thư, nên tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19. Tuy nhiên cần cân nhắc các yếu tố sau:
Xin ý kiến tư vấn bác sĩ điều trị ung thư trước khi tiêm vắc xin
Đối với các bệnh nhân ung thư và đang điều trị ung thư, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ điều trị của mình trước khi tiêm liều đầu tiên của bất kỳ loại vắc xin nào. Loại ung thư và phương pháp điều trị của bệnh nhân sẽ là một yếu tố để xem xét lựa chọn vắc xin. Bác sĩ điều trị ung thư sẽ thảo luận về rủi ro, lợi ích, lịch trình và những điều bệnh nhân ung thư nên lưu ý trước khi tiêm liều vắc xin đầu tiên.
Benh nhan ung thu co nen tiem vac xin phong COVID-19?
Bệnh nhân ung thư thuộc một trong các ưu tiên được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Những bệnh nhân ung thư thuộc một trong các nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin COVID-19 sớm. Ngoài ra, các bệnh nhân ung thư thường ở lứa tuổi cao, đây cũng là một nhóm thuộc diện được ưu tiên tiêm vắc xin sớm. Nhưng việc có thể được tiêm vắc xin ngay hay không còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vắc xin sẵn có và tình trạng bệnh tại thời điểm tiêm vắc xin.
Bệnh nhân ung thư gặp tác dụng phụ nào đối với vắc xin?
Nhìn chung, cũng như mọi người khác, các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin là: Đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi và đau nhức cơ. Sốt và ớn lạnh cũng có thể xảy ra, đặc biệt là sau tiêm liều thứ hai.
Cần lưu ý với bệnh nhân ung thư là sau khi tiêm phòng, một số người có thể nổi hạch bạch huyết. Nổi hạch bạch huyết thường xảy ra nhất ở dưới cánh tay hoặc ở cổ bên cạnh chỗ tiêm chủng. Vì ung thư cũng có thể gây ra hạch to nên điều quan trọng là bệnh nhân phải nhận ra đây là một tác dụng phụ sau tiêm vắc xin có thể xảy ra và không phải dấu hiệu cho thấy ung thư của họ đang tiến triển.
Các hạch to thường mềm khi chạm vào và sẽ tự biến mất, nhưng đôi khi có thể kéo dài trong vài tuần. Bệnh nhân ung thư nên liên hệ với bác sĩ của mình nếu các hạch to không bắt đầu giảm đi trong vòng ba đến bốn tuần sau khi tiêm liều vắc xin thứ hai.
Thời điểm tiêm vắc xin và điều trị ung thư
Nếu có sẵn vắc xin, có thể trì hoãn việc bắt đầu một số phương pháp điều trị ung thư không khẩn cấp cho đến khi hoàn tất việc tiêm phòng. Tuy nhiên, không nên trì hoãn hầu hết các phương pháp điều trị ung thư để đợi tiêm chủng xong. Cụ thể từng trường hợp, bác sĩ điều trị ung thư có thể tư vấn về thời gian tiêm phòng liên quan đến việc điều trị ung thư của bệnh nhân. Tùy thuộc vào các phương pháp điều trị ung thư đang thực hiện, bác sĩ có thể có những cân nhắc đặc biệt khác cho bệnh nhân ung thư khi tiêm vắc xin.
Benh nhan ung thu co nen tiem vac xin phong COVID-19?-Hinh-2
Bác sĩ sẽ cân nhắc đặc biệt cho bệnh nhân ung thư khi tiêm vắc xin.
Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là những bệnh nhân ung thư có xu hướng bị suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này có thể làm cho vắc xin kém hiệu quả hơn. Hiện tại, các vắc xin được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19 vừa và nặng, giảm tỉ lệ phải nhập viện… sau thời gian tiêm chủng đủ tạo ra kháng thể (tùy thuộc mỗi loại vắc xin). Nhưng rất khó để biết liệu bệnh nhân ung thư có cùng mức độ đáp ứng đó hay không.
Do đó, điều quan trọng hiện nay là phải tiếp tục tuân theo các khuyến nghị về an toàn phòng dịch (biện pháp 5K); luôn vệ sinh cá nhân, gia đình; tuân thủ các nguyên tắc về giãn cách xã hội; tăng cường thể chất và tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả sau khi đã được tiêm phòng.
Benh nhan ung thu co nen tiem vac xin phong COVID-19?-Hinh-3
 

Theo TS.BS.Nguyễn Thanh Bình/SKĐS

>> xem thêm

Bình luận(0)