Bệnh nhân mắc sởi đang tăng nhanh ở miền Bắc

Google News

(Kiến Thức) - Cục Y tế dự phòng cho biết, tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc sởi tại 37 tỉnh, thành phố. Riêng Hà Nội có 389 trường hợp mắc sởi, 75% là trẻ em dưới 5 tuổi, đông nhất là nhóm dưới 1 tuổi

Số ca mắc cao gấp 5 lần cùng thời điểm 2017
Theo PGS-TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương thông tin trên báo Người đưa tin, thông thường bệnh sởi phát triển mạnh vào mùa đông - xuân nhưng năm nay lại ghi nhận nhiều ở thời điểm hè - thu. Dịch sởi có tính chu kỳ, 4-5 năm sẽ có một vụ dịch. Theo quy luật này, dịch sởi có thể xảy ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, số ca mắc sởi lũy tiến từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 500 trẻ. Trong đó tăng mạnh 2 tháng gần đây, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, có ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. Trong đó trên 85% trẻ nhập viện đều không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Đặc biệt các trường hợp dưới 1 tuổi có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...
Hiện bệnh viện đang điều trị cho nhiều ca mắc sởi nặng hơn mức trung bình các năm trước. Trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy.
Benh nhan mac soi dang tang nhanh o mien Bac-Hinh-2
Trẻ mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ - Ảnh: Internet.
Tương tự, tại Khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong hơn 1 tháng qua đã thêm 35 trường hợp, nâng tổng số trẻ nhập viện do mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 75 ca, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi và chưa được tiêm vắc-xin, một số trường hợp viêm phổi nặng, cá biệt là cặp song sinh đẻ non tại Hà Nội.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc sởi tại 37 tỉnh, thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 83% số trẻ là không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vacxin sởi.
Tại TP Hà Nội, bệnh sởi đã xảy ra tại 30/30 quận, huyện với gần 300 ca mắc, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (69%), trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - ông Nguyễn Nhật Cảm, cho biết hầu hết trẻ chưa được tiêm ngừa vacxin hoặc tiêm chưa đầy đủ, trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng đã mắc bệnh.
Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2017, tình hình bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao và sớm ngay từ những tháng mùa hè thay vì đông-xuân.
Mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm phòng
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn nền bệnh lý khác. Đồng thời khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tủy cấp.
Hiện nay cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Lịch tiêm vacxin sởi cho trẻ em là 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 và 18 tháng tuổi tiêm nhắc lại mũi 2.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, mặc dù hiện nay số ca mắc sởi tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, nhưng là các ca bệnh rải rác, chưa phải tập trung và hình thành ổ dịch. Hiện Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vacxin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vacxin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỉ lệ trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng khá cao. Nguyên nhân là do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp. Ngoài ra, trẻ không được bú mẹ sau khi sinh không có miễn dịch phòng bệnh.
Các bác sỹ khuyến cáo bệnh sởi lây qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi - họng nên gần như 100% trường hợp chưa tiêm vacxin sởi và chưa mắc sởi khi tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị lây bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)