Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
|
Bệnh bạch hầu có thể gây dịch, nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được miễn dịch (tiêm vắc xin) đầy đủ. |
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi (cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amidan có hốc mủ). Giả mạc có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt; trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%.
Bệnh bạch hầu có thể gây dịch, nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được miễn dịch (tiêm vắc xin) đầy đủ.
Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong trung bình là 5% – 10%. Tỷ lệ tử này tăng đột biến – lên tới 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Theo Bộ Y tế, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phối hợp phòng bạch hầu được đưa vào chương trình TCMR, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Ổ dịch bạch hầu những năm gần đây thường chỉ xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tại Việt Nam, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Chương trình TCMR khuyến cáo, người dân cần cho con em tiêm chủng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng.
Ngay khu vực thành thị, các tỉnh đồng bằng cũng không được chủ quan, dù hầu như không ghi nhận ca mắc bạch hầu do tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao. Nhưng nếu lơ là, không được tiêm chủng đầy đủ, trẻ cũng dễ nhiễm bệnh, như đã từng ghi nhận các ca bệnh ho gà. Bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Tiêm phòng vắc xin có hiệu quả?
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, chương trình TCMR khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch, bao gồm các mũi tiêm khi trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin Td (vắc xin bạch hầu giảm liều - uốn ván).
Mời các bạn xem video clip: Xuất hiện dịch bệnh bạch hầu ở Gia Lai. (Nguồn: VTC14).
Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hằng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu mang đến hiệu quả rõ rệt, giúp phòng ngừa, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tránh những hậu quả của bệnh bạch hầu cho trẻ em, người lớn và phụ nữ mang thai. Vắc xin phòng bạch hầu cũng được đánh giá là rất an toàn, tất cả trẻ em sinh ra từ người mẹ đã được chủng ngừa đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên, cần lựa chọn địa điểm tiêm chủng uy tín, an toàn và đảm bảo chất lượng vắc xin tốt nhất để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao và tránh những rủi ro nguy hiểm.
Đối với trẻ em, vắc xin bạch hầu có trong tất cả các vắc xin kết hợp 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1 hay 6 trong 1, dành cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi.
Với phụ nữ mang thai, vắc xin Boostrix có thể xem xét tiêm trong 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi tiêm vắc xin, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà trong suốt thời gian “khoảng trống miễn dịch” trước khi trẻ đến lịch tiêm chủng.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu trong TCMR (tiêm miễn phí, theo lịch tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường)
Mũi 1: Tiêm vắc xin “5 trong 1” (vắc xin DPT-VGB-Hib, phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi 2: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib khi trẻ 3 tháng tuổi.
Mũi 3: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib khi trẻ 4 tháng tuổi.
Mũi 4: Tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi.
Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin Td (vắc xin bạch hầu giảm liều - uốn ván).