Sáng 8/7, tin từ Công an Q.Tân Phú cho biết, đã gia hạn tạm giữ lần 2 đối với Lương Đức Thắng (SN 1985) về hành vi bạo hành trẻ em.
Được biết, kết quả giám định thương tật của cháu Chung Ngọc H. (4 tuổi) sau khi bị bạn trai của mẹ đánh đập là 8,5%, trên cơ sở đó CAQ tiến hành gia hạn giam giữ lần 2 đối với Lương Đức Thắng để tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, khoảng 0h30 ngày 27/6, Thắng đi nhậu về nhà bạn gái tại nhà trọ trên thì thấy chị N. (mẹ bé H.) đang la mắng cháu H., Thắng đã dùng tay phải đánh vào đầu cháu H. làm cháu bé ngã xuống.
Sau đó, cháu H. đứng dậy thì Thắng tiếp tục dùng tay trái bóp cổ cháu H. đẩy vào tường và nhấc lên khỏi mặt đất, cháu H. ngã xuống thì Thắng dùng tay trái đẩy mạnh đầu cháu H. vào tường. Cháu H. khóc nên Thắng tiếp tục dùng hai tay đánh vào mặt và đầu cháu H. Thấy chị N. cũng khóc nên Thắng không đánh nữa và bỏ về nhà.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND phường Hiệp Tân đã thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho cháu bé và đưa đến cơ sở y tế kiểm tra để có đánh giá sơ bộ tình hình sức khỏe và can thiệp kịp thời nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
|
Cha mẹ cần chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi bạo hành. Ảnh minh họa. |
Các chuyên gia cho rằng, gia đình là nơi bảo vệ, trang bị tốt nhất cho trẻ em thoát khỏi tình trạng xâm hại, bạo lực. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, vai trò của nhiều gia đình còn mờ nhạt. Trong cuộc sống hằng ngày, một bộ phận không nhỏ cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, không có thời gian tìm hiểu về bạn bè, mối quan hệ của con trong nhà trường và xã hội cho nên bị động khi tình huống bất lợi xảy ra với con mình. Bên cạnh đó, nhiều trường học chỉ tập trung trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đưa nội dung giáo dục giới tính và tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, dẫn tới trẻ có nguy cơ trở thành nạn nhân thụ động.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, xâm hại:
Bạo hành, lạm dụng trẻ em là trường hợp trẻ bị một người khác làm hại đến sức khỏe, tình cảm, hạnh phúc và sự phát triển bình thường về mặt thể chất và tinh thần.
Gồm 4 loại chính:
Xâm hại về thể chất: là bị bạo hành có dấu hiệu tổn thương vật lý về cơ thể, không chỉ là những hành vi nguy hiểm tới tính mạng, các hành động có thể bao gồm: làm trẻ bị bỏng, làm trẻ ngạt nước, dấu hiệu đá, đánh, cắn trẻ, dấu hiệu ném một đồ vật vào trẻ, dấu hiệu trói cột trẻ;
Xâm hại về tình dục: là các hành vi tình dục mang tính chất xâm hại về mặt thể chất và tinh thần gồm: cho trẻ tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy, các hành vi xâm hại tình dục cơ thể;
Xâm hại về tinh thần: là các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, sinh lý tình cảm của trẻ: như la mắng, so sánh trẻ với các trẻ khác trong quá trình giáo dục, thiếu sót về cách dạy trẻ truyền đạt cảm xúc, tình cảm, dẫn đến tự ti, mặc cảm;
Bỏ mặc trẻ: là tình trạng trẻ em sống trong điều kiện, môi trường nguy hiểm trong thời gian dài, không có dấu hiệu được chăm sóc: sự thiếu hụt về thức ăn, điều kiện thời tiết, điều kiện vệ sinh môi trường sinh sống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ giáo dục.
Mời độc giả theo dõi video "Trường Newton bị tố, Sở Giáo dục Hà Nội nói gì?". Nguồn: VTC9.
5 giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình
- Nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình.
- Đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
|
Cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Ảnh minh họa. |
- Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
- Tổ chức truyền thông tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em. Phải khẳng định mạnh mẽ bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em, không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.
- Phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật vệ bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em.