Sau khi chạy trốn khỏi nhà bố đẻ để về với ông bà nội, sáng 6/12, bé K. được người thân đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện E.
Bác sĩ Đồng Hà Trung, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết: 'Cháu K. nhập viện 9 giờ sáng 6/12, trong tình trạng đau đầu, đau nhiều vùng lưng, ngực và bụng hai bên.
Tình trạng sức khỏe của cháu không nguy hiểm đến tính mạng vì không có tràn máu, dịch ở phổi.
Tuy nhiên, trên cơ thể có rất nhiều chấn thương, bé bị đa chấn thương phần mềm, tổn thương phần ngực, tổn thương xương sườn khoảng 60 – 80%. Vùng đầu của cháu cũng có nhiều vết thương.
|
Trong 2 năm ở với bố đẻ và mẹ kế bé T.G.K. (10 tuổi) đã bị đánh đập dã man. |
Với những vết thương phần mềm như vậy nếu là vết thương mới chúng tôi sẽ tiến hành xử lý khâu vết thương. Nhưng đây hầu hết là vết thương cũ đã liền sẹo nên không thể xử lý được nữa.
Khi cháu K. nhập viện, chúng tôi đã cho cháu đi chụp CT sọ não, chụp X-quang ngực và siêu âm ổ bụng. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành theo dõi chấn thương sọ não, theo dõi phần ngực, bụng bị tím…
Và kết quả cận lâm sàng cho thấy cháu K. bị đa chấn thương phần mềm, có tổn thương xương sườn đến 70%. Hiện, bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được theo dõi về sức khỏe’.
Theo lời kể của bé K., suốt 2 năm qua cháu không được đi học, phải làm tất cả mọi việc trong nhà và thường xuyên bị đánh đập.
Mời độc giả xem video bé trai 10 tuổi kể lại phút giây bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành:
Cháu luôn bị đói vì chỉ được ăn bánh mỳ khô, mỳ tôm sống và ăn cơm nguội. Đêm đến cháu chỉ được trải ga mỏng ngủ dưới nền gạch chứ không được vào phòng.
Và rất nhiều lần cháu bị bố và mẹ kế dùng móc sắt đánh vào người, dùng muôi ăn lẩu đập vào đầu, khiến chảy máu. Có lúc bố ruột tức giận còn đạp rất mạnh vào mạn sườn của cháu.
Người thân của K. cũng cho biết, cách đây 2 năm cháu K. nặng 40 kg, mặt mũi khôi ngô, trắng trẻo, nhưng sau thời gian ở với bố đẻ và mẹ kế, cháu chỉ còn hơn 20kg.
Hơn nữa, trên cơ thể cháu xuất hiện nhiều vết sẹo, nhiều vết sưng đỏ và bầm tím. Khi K. xuất hiện ở cửa nhà ông bà nội, ông bà không nhận ra cháu vì cơ thể cháu suy nhược và tinh thần bất ổn.
|
Trần Hoài Nam và người vợ thứ hai (bố đẻ và mẹ kế của bé K.) thường xuyên dùng đòn roi để 'dạy dỗ' K. vì cho rằng bé nghịch ngợm và không nghe lời. |
Tại cơ quan điều tra, Trần Hoài Nam có khai rằng do con trai nghịch ngợm, không nghe lời nên đã dùng đòn roi ‘dạy dỗ’ con.
Khi được hỏi về việc người lớn dùng đòn roi dạy dỗ trẻ, nhất là việc dùng vật cứng đánh vào đầu trẻ nhỏ, nhiều bác sĩ tỏ ra bức xúc và cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được.
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: 'Việc người lớn đánh vào đầu trẻ nhỏ rất nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của đứa trẻ.
Vùng đầu của con người cũng giống như một chiếc máy tính mà mọi người đang sử dụng. Nếu chẳng may làm rơi, va đập chiếc máy tính sẽ hỏng, hoạt động không tốt.
Đầu người cũng vậy, nếu bị va đập mạnh, bị tổn thương cũng sẽ bị ‘hỏng’ và hoạt động không còn bình thường nữa’.
Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã từng bày tỏ quan điểm của mình về việc người lớn đánh trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Phúc, trẻ em là vô tội nên cần được bảo vệ và tránh mọi nguy hiểm. Bạo lực không phải là căn bệnh không có căn nguyên, nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì đánh người là hoàn toàn sai, trong khi trẻ em cũng là một con người.
Thực tế thì người lớn đã và đang đánh trẻ con, điều đó không đạt được mục đích giáo dục, mà chỉ che lấp sự bất tài của người lớn mà thôi.
Việc dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ sẽ để lại một vết sẹo cuộc sống trong tâm hồn những cháu bé thơ ngây.
Hệ quả là những đứa trẻ bị bạo hành khi lớn lên, chúng sẽ ghét những cái đẹp, ghét ai đó thành công, ghét những việc làm đúng, ghét những sự thiêng liêng, ghét những ai bày tỏ quan điểm, ghét những gì thuộc về thế giới hạnh phúc… và sẽ có những đứa cay nghiệt như những người đã bạo hành chúng.
Những đứa trẻ không cần đòn roi mà chúng chỉ cần tình yêu thương của người lớn…
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thì cho biết, trẻ bị bạo hành sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần rất lớn.
Về mặt tinh thần, trẻ sẽ bị sợ hãi tột bậc mà đặc biệt đối với những trẻ thần kinh yếu có thể bị trầm cảm, sang chấn tâm lý hoặc có thể bị động kinh sau này.
Với những tổn thương đó thì không một ai, không thầy thuốc hoặc phụ huynh hoặc nhà giám định thương tật nào có thể giám định được sự tổn thương đó về mặt tinh thần của các em.
Những vết thương trên da thịt có thể sẽ được chữa lành, tuy nhiên những tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời mà không thể chữa khỏi hoàn toàn.