Tối 29/10, Công an quận 12, TPHCM đã tạm giữ đối với Hà Quốc Việt (36 tuổi, ngụ quận 12) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Trước đó, sáng cùng ngày, 1 đoạn clip dài lan truyền trên mạng xã hội do 1 nam thanh niên ghi lại chia sẻ về việc bé gái bị cha dượng dí thuốc lá bạo hành với nhiều thương tích trên người. Nội dung, bé gái kể về việc bị cha dượng châm thuốc vào người, đánh vào chân, mặt, miêng, ngực… ở 1 căn nhà tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12.
Trong đoạn clip, ông ngoại của bé gái 6 tuổi kể rằng, bé bị hành hung bởi người cha dượng dẫn tới thương tích trên người vào 4 ngày trước. Do hoàn cảnh khó khăn nên bé gái sống với mẹ ruột là Dương Thảo Dương và cha dượng ở phường Tân Hưng Thuận, quận 12.
Sau khi bé gái bị hành hạ dã man thì được 1 số người đưa về cho ông ngoại. Ông ngoại thấy bé có nhiều thương tích nên đã mua thuốc… Sau đó, ông chụp hình đăng tải lên mạng xã hội để mong cơ quan chức năng vào cuộc.
Đồng thời, người quay clip cũng cho biết đã chở bé gái đến trình báo công an.
|
Bé gái bị người cha dượng gây cho nhiều thương tích. Ảnh: Facebook. |
Trong ngày, công an đã đưa Việt và Dương lên trụ sở làm việc. Qua kiểm tra nhanh, cả 2 dương tính với chất ma tuý.
Tại cơ quan công an, Việt khai nhận cùng Dương Thảo Dương (25 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) sinh sống như vợ chồng ở căn nhà trọ tại KP.3, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TPPHCM.
Gần đây, Dương mang con gái là cháu D.N.C. (6 tuổi) lên sống chung. Quá trình sinh sống, Việt thường hay dùng tay, chân, roi đánh và dùng thuốc châm vào cháu C.. Kết quả giám định của công an, bé C. có tỉ lệ thương tật là 51%.
Phía UBND quận 12 cho hay, đã cử các đơn vị, đoàn thể tới thăm hỏi sức khoẻ, hỗ trợ cho bé C. điều trị. Đồng thời, phía UBND đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ trên Báo Tin tức, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung. Ngược đãi trẻ em, đánh đập, bỏ bê trẻ gây ra tác động đáng kể đến sức khỏe và một loạt vấn đề khác về phát triển tâm lý và thể chất.
Trẻ bị bạo hành để lại nhiều di chứng nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần và những di chứng này có thể theo trẻ đến suốt đời. Vì những tác động của bạo hành trẻ em có thể ám ảnh lâu dài, nên nạn nhân là các bé không thể có một tuổi thơ lành mạnh và một cuộc sống sau này bình thường.
Theo chuyên gia, trẻ bị bạo hành thường có biểu hiện như hèn nhát, dễ phục tùng vô điều kiện; có trẻ bị bạo lực thời gian dài còn sử dụng bạo lực với người khác. Nếu kéo dài thì có trẻ chán học, chán đến trường.
Trong khi đó, TS.Quỳnh Giao, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường đại học Sài Gòn, cho rằng: “Xét về góc độ tâm lí, có thể ngay bây giờ chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được, mà hậu quả có thể diễn ra trong thời gian dài sau khi trẻ trưởng thành”.
Theo đó, trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ mang tính cách hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống. Trẻ cũng sẽ rơi vào stress, ám ảnh, về sức khỏe dễ gặp những bệnh về tâm lí thần kinh, thậm chí là động kinh.
|
Trẻ em bị ngược đãi có xu hướng thiếu tự tin và mất lòng tin vào người lớn. Ảnh: Internet |
Tình trạng lạm dụng càng kéo dài, những tác hại mà nó để lại càng nghiêm trọng. Trong một số tình huống, những ám ảnh trong tâm lý theo trẻ cho đến khi trưởng thành và dẫn đến lo âu mãn tính, trầm cảm, sang chấn tâm lý nặng nề.
Các dấu hiệu của lạm dụng ở trẻ em không phải luôn luôn rõ ràng. Trẻ có xu hướng không nói cho ai biết những gì đang xảy ra với chúng do sợ rằng kẻ bạo hành sẽ tìm ra, và sợ việc ngược đãi sẽ càng tồi tệ hơn nếu kẻ bạo hành biết được bé đã báo cho ai đó.
Cũng theo TS. Quỳnh Giao, để nhận biết trẻ bị bạo hành, phụ huynh xem các dấu vết bên ngoài, trầy xước do bên ngoài khác trầy xước do có lực tác động; hay trẻ sợ đi học, khóc nửa đêm... Bên cạnh đó, phụ huynh muốn phát hiện thì biết cách lắng nghe, chăm sóc và trang bị kiến thức bảo vệ con.