Hành tây có tên khoa học là Allium cepa, bộ phận dùng của hành tây là phần thân hành hay còn gọi là phần củ. Đây là loại rau đã được sử dụng phổ biến ở châu Âu từ xưa đến nay trong bữa ăn hàng ngày. Ở nước ta, hành tây cũng thường được sử dụng để xào với các loại thịt, dùng chế dầu dấm và để ăn sống rất được ưa chuộng.
|
Hành tây được sử dụng phổ biến ở châu Âu từ xưa đến nay. |
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Có thể dùng một củ hành tây to, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài chỉ để lại củ hành trắng tinh, cắt đầu củ bỏ một góc đặt trong phòng. Hành tây sẽ phát ra những phân tử nhỏ có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch không khí trong phòng, đặc biệt khi trong nhà có trẻ nhỏ hoặc người bị cảm cúm. Sử dụng đến khi củ hành héo thì thay bằng củ khác.
Nghiên cứu cho thấy do hành tây có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi một loạt bệnh truyền nhiễm, rối loạn, ho, cảm sốt nên các chuyên gia sức khỏe khuyên nên đưa hành tây vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Ăn sống hoặc nấu chín đều tốt cho sức khỏe.
Nếu bạn muốn giữ làn da trẻ và khỏe, không bị nếp nhăn, nên ăn hành tây thường xuyên. Hành tây rất giàu chất chống ô xy hóa giúp bảo vệ da. Nhờ có đặc tính chống viêm, ăn hành tây còn giúp ngừa mụn trứng cá.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn ăn hành tây hằng ngày, nó sẽ giúp bạn giữ ổn định lượng đường trong máu. Các chất flavonoid như quercetin trong hành tây có tác dụng hạ đường huyết.
Hành tây cũng giữ cho tim khỏe mạnh. Hàm lượng chất chống ô xy hóa trong hành tây ngăn ngừa sự hình thành các mảng bám trong động mạch. Ăn hành tây cũng ngăn chặn huyết khối. Hợp chất sulphur trong hành tây hạ lượng cholesterol và triglyceride trong cơ thể.
Các tác dụng khác của hành tây: trong thành phần của củ hành tây có hàm lượng vanxi khá nhiều, mỗi 100g hành tây có khoảng 23mg canxi. Đồng thời, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hành tây có thể giúp giảm sự thoái biến xương, tăng mật độ xương. Đặc biệt ở những phụ nữ mãn kinh, khi nội tiết tố sinh dục nữ đã suy giảmcó nguy cơ loãng xương và gãy xương cao. Khi dùng khoảng 200 - 300g hành tây hằng ngày có thể giảm nguy cơ gãy xương vì hiệu quả chống loãng xương của chúng còn tốt hơn cả “calcitriol” - một loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị loãng xương.
Ngoài những công dụng đã nêu trên, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được hành tây làm giảm nguy cơ bị ung thư khi tiêu thụ với một lượng vừa phải hàng ngày trong một thời gian. Những đối tượng được khuyến nghị sử dụng như người đã mắc bệnh hoặc có yếu tố di truyền với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, buồng trứng, thanh quản, thực quản và miệng. Do đó, việc gia thêm một ít hành tây trong công thức nấu ăn hàng ngày cũng góp phần hiệu quả để bảo vệ sức khỏe, giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư trên.
Bên cạnh đó, nó cũng góp phần làm giảm nồng độ đường trong máu, giảm sự hấp thụ đường vào cơ thể, giúp ích khá nhiều cho những đối tượng đang mắc bệnh đái tháo đường.