Mỗi ngày 35 - 45 người nhập viện vì sốt xuất huyết
Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết (SXH) lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Trong những tuần gần đây đã ghi nhận số mắc tập trung tại một số tỉnh, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung như: An Giang, Đồng Tháp, TP HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
|
Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.
|
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, riêng trong tháng 7 vừa qua đã ghi nhận 5.561 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44.859 trường hợp mắc SXH tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2015 (17.229 ca/12 tháng) số mắc tăng 2,6 lần.
Trong đó, riêng tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc SXH phải nhập viện. Hiện đã có 130/222 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố có người mắc. Riêng trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có từ 35-45 người nhập viện liên quan đến bệnh này, có ngày lên đến 50 trường hợp.
Tại tỉnh Kon Tum, số ca SXH cũng tăng nhanh với khoảng 1.400 ca bệnh, bình quân mỗi ngày 30 ca nhập viện. Hai bệnh viện đa khoa ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã trong tình trạng quá tải.
Ông Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai cho biết, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó kiểm soát.
Trước tình hình trên, Trung tâm đã tích cực phối hợp cùng các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khống chế hiệu quả nhất không để bệnh phát lên thành dịch lây lan trên diện rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, công việc có đạt hiệu quả hay không là nhờ vào sự hưởng ứng của cả cộng đồng, đặc biệt là các vùng đang có dịch.
Cần sự hưởng ứng tích cực của người dân
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân số ca SXH tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên là do đang vào mùa mưa, vào thời điểm này năm trước, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào những tháng cuối năm 2015 sau đó giảm dần và đuôi dịch tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm 2016. Năm 2016, hiện tượng El Nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát sinh phát triển.
Thêm vào đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành SXH phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch đối với SXH của quần thể ở mức thấp nên khi xuất hiện dịch thì sẽ lây lan và bùng phát nhanh. Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra tình trạng đô thị hóa và di biến động dân số khu vực Tây Nguyên gia tăng, mạng lưới y tế còn mỏng, chưa nhiều kinh nghiệm trong phòng chống SXH, kinh phí chống dịch đặc biệt phòng chống SXH từ đầu năm 2016 của Trung ương chưa được cấp, kinh phí các địa phương rất hạn chế nên việc đáp ứng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn và sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các ban, ngành đoàn thể và người dân chưa thật chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch SXH.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống SXH tại địa phương.
Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 7 – 8/2016, trong đó quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn; chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh SXH”, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Hiện công tác phòng chống SXH còn gặp khó khăn do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng, của hộ gia đình, sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền, trong đó có đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch là là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này tại các địa phương trên cả nước.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, tình hình SXH đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Philippines tính đến ngày 11/6/2016 đã ghi nhận 52.177 trường hợp, trong đó có 207 trường hợp tử vong, số mắc tăng 41% so với cùng kỳ 2015, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 51/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,40%.
Quốc gia Malaysia từ đầu năm đến nay ghi nhận 59.294 trường hợp mắc, 134 trường hợp tử vong, tỷ lệ là 193/100.000 dân, tỷ lệ chết/mắc là 0,23%. Tại Singapore, số mắc SXH tăng liên tục trong những tuần gần đây, tính đến ngày 02/7/2016 Singapore ghi nhận 7.891 trường hợp mắc, không có tử vong, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 155/100.000 dân.