Bác sĩ tại Thuận Kiều Plaza: 'Chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ'

Google News

Thuận Kiều Plaza tồn tại hơn 20 năm ở khu vực sầm uất nhất quận 5 đã trở thành bệnh viện dã chiến và chính thức đón những người mắc Covid-19 đầu tiên đến điều trị.

14h ngày 22/7, 3 chiếc xe cấp cứu 115 chở hàng chục F0 xếp hàng dài phía sau The Garden Mall. Vài người nán lại trên xe nhìn ra ngoài quan sát vì thời tiết oi bức. Một số khác mặc quần áo phòng hộ màu xanh nhưng đã xộc xệch, khệ nệ xách balo, hành lý bước xuống xe.
Sau hơn 20 năm khánh thành và trải qua khoảng thời gian hoang phế, Thuận Kiều Plaza chính thức được trưng dụng thành Bệnh viện dã chiến số 5. Đây cũng là những người đầu tiên đến cách ly, điều trị Covid-19 tại cơ sở này.
"Bệnh viện dã chiến đặt tại Thuận Kiều là phù hợp"
Bệnh viện dã chiến số 5 nằm trong The Garden Mall (Thuận Kiều Plaza, phường 12, quận 5) được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt và chính thức khởi công xây dựng ngày 8/7. Sau 11 ngày thi công, bệnh viện được bàn giao cho ngành y tế thành phố để đưa vào sử dụng.
Chiều 22/7, nhiều người dân qua lại khu vực đường Hồng Bàng, Thuận Kiều bất ngờ khi thấy rất nhiều người mặc quần áo phòng hộ màu xanh lẫn trắng, tập trung tại sảnh tòa nhà Thuận Kiều Plaza. Không gian tại sảnh của 3 tòa tháp nằm giữa trung tâm quận 5 từ hoang vắng trở nên náo nhiệt lạ thường.
Bac si tai Thuan Kieu Plaza: 'Chung toi yen tam lam nhiem vu'
Bác sĩ Hải chuẩn đồ phòng hộ trước giờ đón F0. Ảnh: Hoàng Giám.
Từ 8h, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM tất bật chuẩn bị thêm thuốc dự trù cho bệnh nhân, phân sẵn từng gói nhỏ. Cử nhân gây mê hồi sức Phương Thùy cho biết bệnh nhân ở đây thường không có triệu chứng, nhưng nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì các loại thuốc này sẽ cần đến nhiều.
Trước đó, bệnh viện đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc theo danh mục của Sở Y tế quy định như thuốc đau bụng, tiêu chảy, đau dạ dày, táo bón, hỗ trợ tiêu hóa, tim mạch...
Với kinh nghiệm làm việc tại khoa Gây mê hồi sức, tại Bệnh viện dã chiến số 5, bác sĩ Đinh Nam Hải được phân công phụ trách phòng Cấp cứu. Nhiệm vụ của nam bác sĩ này là theo dõi tình trạng của F0 khi có diễn biến nặng, sau đó xử trí cấp cứu, giữ bệnh nhân trong lúc chờ chuyển viện.
Bác sĩ Hải cho biết theo dự kiến ban đầu, bệnh viện có quy mô 1.000 giường. Tuy nhiên, sau khi kê lại các giường để phù hợp với thiết kế phòng, bệnh viện có tổng cộng 830 giường.
Nhân sự tại Bệnh viện dã chiến số 5 gồm 44 y bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt. Ngoài ra, còn có lực lượng của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, lực lượng dân quân tự vệ của Ban Chỉ huy quân sự quận 5...
Việc trưng dụng một trung tâm thương mại, chung cư đã bỏ hoang từ lâu và nằm giữa trung tâm quận 5 khiến nhiều người bất ngờ. Song theo bác sĩ Hải, địa điểm này lại khá hợp lý, tiết kiệm nguồn lực và trưng dụng sẵn cơ sở vật chất sẵn có.
"Khi bệnh viện đi vào hoạt động thực tế thì mới xác định những khó khăn có thể gặp phải. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, chúng tôi hy vọng bệnh viện vận hành thuận lợi", anh nói.
Bac si tai Thuan Kieu Plaza: 'Chung toi yen tam lam nhiem vu'-Hinh-2
Bệnh viện dã chiến số 5 nằm trong The Garden Mall (Thuận Kiều Plaza, phường 12, quận 5). Ảnh: Hoàng Giám.
Sau khi thi công, Thuận Kiều Plaza phù hợp để trở thành nơi tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng. Trước đó, lãnh đạo bệnh viện đã liên tục nhiều ngày giám sát công tác thi công, phối hợp Sở Y tế TP.HCM để đánh giá, thiết kế cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn của bệnh viện dã chiến.
Hiện tại, tất cả cơ sở vật chất, hạ tầng, phòng ốc, phương tiện... đều đạt tiêu chuẩn để đi vào hoạt động, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân.
Tuy nhiên, bác sĩ nhận định để nâng cấp nơi đây thành bệnh viện ở tầng cao hơn, điều trị bệnh nhân nặng thì khó. Do cấu trúc trung tâm thương mại này khác biệt so với các đơn vị khác, các lối đi và cầu thang chật chội, trần nhà thấp, không gian ngột ngạt, khó để biến thành bệnh viện điều trị chuyên sâu.
Thứ 2 là khu vực này khó xây dựng trung tâm oxy bồn để tạo thành nguồn oxy trung tâm. Bởi một đơn vị điều trị bệnh nhân nặng, phục vụ cho việc thở oxy, thở máy, buộc phải có hệ thống oxy trung tâm. Trong khi đó, kiến trúc tại đây khá khó để thiết kế oxy trung tâm.
Theo bác sĩ Đinh Nam Hải, điều này dễ hiểu vì kiến trúc tại đây được xây dựng phù hợp để làm trung tâm thương mại, cải tiến như hiện tại là thành quả rất tốt sau 11 ngày.
Bac si tai Thuan Kieu Plaza: 'Chung toi yen tam lam nhiem vu'-Hinh-3
Bác sĩ Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 5 (áo xanh), cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng trang phục phòng hộ của các nhân viên y tế trước khi xuống "vùng đỏ". Ảnh: Hoàng Giám.
"Trước đó, bác sĩ Minh và bác sĩ Dũng, hiện là giám đốc và phó giám đốc của bệnh viện, đã giám sát kỹ lưỡng, kê từng chiếc giường cho bệnh nhân sao cho hợp lý. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ để bệnh viện đi vào hoạt động", bác sĩ Hải nói.
"Không còn nơi nào sợ hơn vào bệnh viện"
"Các lối đi khá nhỏ và trần nhà cũng thấp. Ai lần đầu vào đây rất dễ lạc vì khó xác định. Nhưng chúng tôi bố trí sẵn lối đi riêng biệt, gồm lối đi sạch cho nhân viên hành chính, lối có nguy cơ cao dành cho những nhân viên làm việc tại 'vùng đỏ'. Chị chú ý không đi vào khu vực này", anh vừa đi, vừa dặn dò phóng viên chú ý các biển báo.
Nam bác sĩ cho biết các thiết kế về lối đi, cầu thang, trần nhà thấp cũng không phải là khó khăn lớn đối với nhân viên y tế tại đây.
"Cứ đi nhiều rồi sẽ quen, chúng tôi không xem là khó khăn lớn và vẫn yên tâm làm việc tại cơ sở mới. Chúng tôi cũng không lo lắng nhiều, chỉ có nhớ nhà là điều buồn nhất", anh nói.
Từ lúc nhận nhiệm vụ chi viện bệnh viện dã chiến và được biết Thuận Kiều Plaza trở thành nơi công tác mới, nhiều bạn bè của bác sĩ Hải đã nhắn tin để hỏi han tình hình.
"Nhiều người bày tỏ lo lắng cho tôi vì cơ sở này bỏ hoang khá lâu, kiến trúc không thông dụng nên phải xây dựng lại nhiều thứ. May mắn, nhờ các thầy, lãnh đạo bệnh viện tâm huyết và chu đáo, mọi thứ diễn ra suôn sẻ và thiết kế bệnh viện hiện rất ổn. Không còn nơi nào đáng sợ hơn là vào bệnh viện và mắc bệnh, đặc biệt là nhiễm virus trong giai đoạn này", bác sĩ Hải nói.
Còn chị Phương Thùy cho biết nơi nghỉ ngơi của nhân viên y tế thực chất không phải là phòng trưng dụng từ căn hộ mẫu của đơn vị thi công. Mỗi người sử dụng giường gấp để làm nơi nghỉ lưng sau ngày làm việc.
"Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều. Bởi đồng nghiệp ở đơn vị khác thậm chí còn khó khăn hơn. Mình có phòng cao ráo, thông thoáng như thế này là tốt rồi. Điều chúng tôi mong muốn nhất là mọi người tuân thủ phòng dịch, an toàn để cùng vượt qua đợt dịch này", chị Thùy nói.
Theo Bích Huệ/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)