Tuy vậy, khi vợ bỗng im lặng đáng sợ thì cũng không có nghĩa là mọi chuyện bình yên. Sự thay đổi của vợ luôn có lý do. Điều đó khiến các ông chồng cảm thấy bất an.
|
Ảnh minh họa |
Thường ngày, chị Mơ vợ anh An có tiếng là nói nhiều. Chị có thể nói liên tu bất tận theo kiểu không để “miệng mọc da non”. Nhờ thế, chị dễ gây thiện cảm với những ai mới gặp lần đầu. Tuy vậy, khi ở nhà, sự “lắm mồm” của chị khiến anh An và hai đứa con cảm thấy khổ sở và mệt tai. Nhưng, như nhiều ông chồng khác, anh An cố “tập luyện” nên cũng quen dần.
Vậy mà, không hiểu sao dạo này chị Mơ thay đổi một cách khác thường. Chị chẳng buồn nói năng gì. Tuy không cáu bẳn, không giận cá chém thớt, nhưng mỗi khi chồng hỏi, chị trả lời cộc lốc. Anh An cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nhưng bất lực.
Là bạn bè thân thiết cùng cơ quan, một hôm, anh An gặp tôi, buồn bã tâm sự: “Tự nhiên bà xã mình trầm ngâm hẳn, không còn nói nhiều như trước đây nữa. Bả ra vào trong nhà, lẳng lặng như cái bóng khiến không khí gia đình trở nên buồn chán, ảm đạm. Hai đứa con thấy mẹ như vậy, lúc nào cũng khép nép, sợ hãi. Mấy lần mình cố gắng tìm cách trò chuyện với vợ, hỏi có chuyện gì? Nhưng bả chỉ khoát tay: Không có gì cả!”.
Tôi nghe xong, phì cười: “Ôi! Ông đòi hỏi quá nhiều đấy! Vợ nói nhiều thì không thích, mà khi vợ không nói cũng chẳng ưng. Vậy bà xã ông phải làm sao để ông vừa lòng?”. Anh An thở dài: “Có lúc mình nghĩ, giá như bả cứ “mở máy” liên tục như trước còn hơn chẳng nói chẳng rằng như lúc này!”.
Những ngày sau đó, tôi được biết, ở cơ quan không sao. Nhưng khi trở về, anh An thấy cuộc sống thật ngột ngạt, căng thẳng. Mặc dù chị Mơ vẫn dịu dàng với con, vẫn chu đáo với bố mẹ chồng, vẫn niềm nở với bạn bè, đồng nghiệp của anh An khi họ đến chơi. Nhưng khi chỉ có hai vợ chồng thì chị Mơ như cái bóng, lầm lũi, buồn thiu. Ngay cả chuyện “giao ban” của vợ chồng cũng bị đình chỉ vô thời hạn.
Tưởng cuộc chiến tranh lạnh của gia đình anh An còn kéo dài không rõ nguyên nhân thì một hôm, anh An đến cơ quan, kéo tôi ra hành lang, thì thầm vẻ bí mật: “Mình biết lý do rồi!”. Tôi trố mắt: “Lý do gì?”. Anh An nhếch mép: “Thì lý do bà xã im lặng ấy!”. Rồi anh kể…
Một buổi tối, dù chị Mơ đã ngủ, nhưng anh An vẫn quyết định dựng vợ dậy để nói cho ra nhẽ. Lúc đầu, chị Mơ gạt đi: “Chẳng có chuyện gì để nói!”. Nhưng anh An cương quyết: “Nếu hôm nay không nói rõ ràng mà cứ để không khí trong nhà ngột ngạt thế này, anh không thể chịu đựng hơn được. Nếu em muốn sống như vậy, chúng ta hãy chia tay đi! Đừng hành hạ nhau nữa!”. Nghe vậy, chi Mơ ngồi bật dậy, chỉ tay vào mặt anh An: “Tôi biết ngay mà! Anh chỉ muốn bỏ tôi để đến với cái con ấy!”. Anh An ngớ người: “Con nào?”. “Còn con nào nữa! Cái con mà hôm nọ, cách đây chừng 2 tháng, anh chở nó phía sau, vi vu trên phố, trong tư thế vô cùng tình tứ, vô cùng hạnh phúc ấy! Anh không nhớ à?”.
Anh An ôm đầu suy nghĩ và chợt nhớ lại. Đúng là có một hôm, cô bạn đồng nghiệp bị trúng gió, nhờ anh chở về nhà. Do bị xây xẩm nên cô ấy ôm eo anh. Còn anh sợ cô ấy ngã nên vòng tay ra sau giữ lưng cô ấy. Chỉ thế thôi. Anh hoàn toàn không ngờ là cảnh ấy bị vợ bắt gặp…
Thảo nào! Đó là nguyên nhân khiến chị Mơ giận dỗi chồng. Dù không tra hỏi, cũng không trách móc, mà chị chỉ lặng lẽ đến sợ. Anh An ra sức thanh minh, xin lỗi, thề thốt… nhưng chị Mơ chỉ bảo: “Tôi cần thời gian suy nghĩ. Anh hãy để tôi yên tĩnh...”. Kể xong, anh An nhờ tôi đến nhà làm “Đại sứ hòa giải”, thanh minh cho anh. Tôi hứa sẽ “thực thi nhiệm vụ” với hi vọng sẽ mang lại hòa bình cho gia đình họ.