|
Khoa Nhi Bệnh viện Vũng Tàu có nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng
|
Ngày 4/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh này ghi nhận hơn 4000 ca sốt xuất huyết (SXH). TP Vũng Tàu là nơi có số ca bệnh SXH nhiều nhất với hơn 2.600 ca. Trong đó, có một trường hợp tử vong. Chỉ tính trong ngày 4/7, TP Vũng Tàu có đến 72 ca SXH.
Trao đổi với báo chí, BS Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, dịch SXH bùng phát từ tháng 4, cao điểm là vào tháng 6. Hầu hết các khoa đều tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân SXH. Đặc biệt các khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, khoa Nội tổng hợp có số ca bệnh nhân SXH nhiều nhất.
|
BS Trần Thị Huế điều trị bệnh cho một bệnh nhân SXH nặng |
Theo BS Trần Thị Huế - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Vũng Tàu, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 20 - 40 ca SXH, trong đó rất nhiều trường hợp bệnh nặng.
“Nguy hiểm nhất là bệnh nhân bị SXH mà tự điều trị ở nhà. Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh khi bị sốt đã tự mua thuốc uống, sau nhiều ngày không hết bệnh mới vô bệnh viện. Có trường hợp đã chuyển nặng, bị tổn thương gan, thận, sau đó là suy đa cơ quan”, BS Huế cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt vì chưa xác định chính xác biểu hiện sốt là do bệnh gì nên không được tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt và đắp vào trán, nách, không thực hiện cạo gió.
SXH biểu hiện bằng những cơn sốt cao và kèm theo những triệu chứng như rét run, nổi gai ốc. Khi điều trị SXH tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng liều thuốc hạ sốt vì có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng: