PGS.TS Phạm Văn Quang chạy vội lại gần giường bệnh, vỗ về bé trai đang huơ tay, cố cựa quậy, xung quanh em là vô số máy móc, dây dợ. Ông nắm bàn tay đen nhẻm, rung rung của bé, an ủi: "Con khỏe rồi, con giỏi lắm, chút nữa bác sĩ cho mẹ con vào với con".
Nghe đến mẹ, bé trai đưa tay xuống, mắt lim dim, nằm yên để PGS Quang đắp lại chăn.
Hơn một tháng nay, em được các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chăm sóc do mắc bệnh sốt xuất huyết, phổi, gan và thận cũng bị tổn thương nặng.
Nguy kịch sau 2 ngày sốt cao
Đứng cạnh giường hồi sức nắm tay con, chị Ngọc Kiều (40 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) rưng rưng nước mắt. Lần nào vào khu hồi sức, chị cũng khóc khi nhìn con trai yếu ớt, chưa nói chuyện được, chỉ có thể rơi nước mắt khi nhìn thấy mẹ.
Tuy nhiên, điều này với chị Kiều là niềm hạnh phúc lớn lao bởi con trai phải trải qua thời khắc thập tử nhất sinh để giữ được mạng sống.
|
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, động viên bé trai mắc sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Cuối tháng 4, chị đưa con đến bệnh viện ở huyện Hóc Môn cấp cứu nhưng chưa xác định được sốt xuất huyết. Hôm sau, bé tiếp tục sốt cao, tay chân lạnh, mệt lả. Khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm xác định bé mắc sốt xuất huyết cũng là lúc con được chuyển lên tuyến trên do tình trạng chuyển nặng.
"Lúc đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bé chướng bụng, than mệt nhưng vẫn tỉnh táo, đòi mẹ đưa đi chơi chứ không chịu nằm viện. Đó là lần cuối tôi nói chuyện với con cho đến hơn một tháng bé được chuyển vào phòng hồi sức", chị Kiều kể lại.
Suốt 3 tuần con trai được bác sĩ nỗ lực cấp cứu tại khu Hồi sức cũng là những ngày chị Kiều túc trực tại bệnh viện trong hồi hộp, bất an.
"Tôi ở một mình tại bệnh viện vì không có con, về nhà càng thêm buồn và lo lắng hơn. Hơn một tuần sau, tôi được vào thăm nhưng con vẫn mê man, đến tuần thứ 4, bác sĩ thông báo con qua cơn nguy kịch, lúc này tôi mới nhẹ nhõm", người mẹ chia sẻ.
Con trai chị Kiều 14 tuổi nhưng nặng 53 kg, thể trạng béo phì. PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết các bác sĩ đã nỗ lực dùng nhiều biện pháp hồi sức, từ thở máy, lọc máu, thay huyết tương để giữ được mạng sống cho bé.
|
Chị Kiều túc trực ở bệnh viện hơn một tháng qua để chăm sóc con. Ảnh: Duy Hiệu.
|
"Tình trạng trước đó của bé rất nặng, suy gan, suy thận, tổn thương đa cơ quan. May mắn là hiện bé được nhưng lọc máu. Vấn đề chính còn lại là suy hô hấp, bé đang được tập thở phục hồi phổi", PGS Quang nói.
Hết sốt không có nghĩa là khỏi sốt xuất huyết
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đang điều trị cho 3 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết có tình trạng rất nặng, nguy kịch. Trong đó, 2 bé trai 14 tuổi, cùng ngụ huyện Hóc Môn là vùng dịch tễ sốt xuất huyết lớn, trường hợp còn lại là trẻ nhũ nhi (hơn 7 tháng tuổi), ngụ quận Tân Phú.
PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết giai đoạn cao điểm vào tháng trước, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị cùng lúc 10 trường hợp sốt xuất huyết nặng, nguy kịch.
Theo thống kê sơ bộ tại đơn vị này, trong 4 tháng đầu năm, số ca nhập viện và khám sốt xuất huyết tăng từ 1,5 đến 2 lần. Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, không chỉ ca mắc tăng nhanh mà trường hợp bệnh chuyển nặng cũng đột biến so với 2, 3 năm trở lại đây.
Trong năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận một trẻ tử vong do sốt xuất huyết. PGS Quang kể lại đó là bé khoảng 13 tuổi, quê Sóc Trăng, đang sống ở huyện Bình Chánh).
Bé khởi phát sốt liên tục 3-4 ngày, gia đình đưa đến phòng khám tư và được cho thuốc uống, về nhà theo dõi. Nhưng hôm sau, bệnh tình trở nặng, gia đình đưa Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường chuyển viện, bé ngưng tim, ngưng thở, được đưa ngay vào bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
"Sau khi cấp cứu xong thì bé được chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1, tuy nhiên do bệnh cảnh quá nặng và bé đã ngưng hô hấp tuần hoàn, bị sốc nặng, suy đa cơ quan nên chúng tôi không cứu được", PGS Quang kể.
Chuyên gia nhấn mạnh sốt xuất huyết mặc dù không phải bệnh mới và quá nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, người bệnh vẫn có thể nguy kịch, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân là sốt xuất huyết thường gây sốt trung bình từ 2 đến 7 ngày, thường đến ngày thứ 3-4 là hết sốt. Khi hết sốt thì đa số người dân lầm tưởng đã khỏi bệnh. Thế nhưng, thực tế là khi hết sốt cũng là giai đoạn có nguy cơ trở nặng rất cao nếu không theo dõi các dấu hiệu.
"Có thể do chúng ta vừa trải qua đợt dịch Covid-19 nên tạm thời quên đi sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào, các dấu hiệu cảnh báo ra sao. Sốt xuất huyết nặng thường sẽ gây trụy tim mạch,giảm tưới máu đến các cơ quan, từ đó tổn thương gan, thận, hô hấp", ông nói.
PGS Quang khuyến cáo hiện nay, bất kỳ trẻ nào sốt 2-3 ngày trở lên đều nên đưa đến cơ sở y tế, tại đây, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tìm sốt xuất huyết. Nếu biểu hiện nhẹ, trẻ được theo dõi tại nhà.
Chuyên gia hướng dẫn khi trẻ hết sốt, phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu như lừ đừ, mệt, nôn ói, đau bụng, tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít, nôn ra máu, tiêu phân đen… Nếu có biểu hiện này, bất kể giờ giấc, trẻ cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chăm sóc.
"Có những trẻ nhập viện muộn, tình trạng nặng quá, chúng tôi cố cũng không thể làm gì khác được, do đó, quan trọng nhất là phát hiện sớm yếu tố nguy cơ thì tiên lượng điều trị tốt hơn", PGS Phạm Văn Quang nói.