Tan học, ông nội như mọi khi tới trường đón Nini về nhà. Trên đường, Nini nhìn tiệm mía ven đường và ngỏ ý muốn được ăn. Ông nội không tiếc nên mua cho cháu thưởng thức. Chủ tiệm nhanh tay róc mía, tiện thành từng miếng nhỏ. Dù phát hiện thân mía có vết đỏ song ông nội không ngăn cháu. Thậm chí cho rằng mía đỏ giống như thanh long tâm đỏ sẽ ngọt và dễ ăn hơn.
Về đến nhà, Nini bất ngờ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, co giật tay chân, mắt mở to nhìn chằm chằm lên trần nhà. Gia đình hốt hoảng đưa con tới bệnh viện. Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân suy đa tạng nên lập tức đưa vào phòng hồi sức cấp cứu. Bác sĩ cũng cho biết, nguyên nhân khiến đứa trẻ khỏe mạnh bỗng chốc nguy kịch chính bởi cây mía có vệt đỏ bé ăn lúc trước.
|
Mía có độc. |
Thực tế, trường hợp ngộ độc khi ăn mía đỏ không hề hiếm và hầu hết bệnh nhân đều là trẻ em.
Được biết, nguyên nhân chính khiến mía xuất hiện vệt đỏ là do chúng bị nhiễm khuẩn Arthrobacter saccharomyces. Loại khuẩn này tạo màu đỏ trong thân mía, có thể lan ra nhiều lóng. Arthrobacter saccharomyces có thể tạo ra axit 3 – nitropropionic. Đây là chất độc thần kinh có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây co giật, phù não, phù phổi, thậm chí tử vong.
Do vậy, mía có lõi đỏ không ngon ngọt hơn như mọi người nhầm tưởng. Nó chính xác là mía độc. Tháng 2 và tháng 4 hàng năm là thời kỳ loại nấm độc này ở cây mía sinh sôi nhiều nhất. Người Trung Quốc còn có câu “Mía thanh minh, độc hơn rắn” để nói về sự nguy hiểm của chúng.
Đáng nói, ngay cả khi cắt bỏ phần đỏ thì mía “hồng tâm” vẫn tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe. Nguyên nhân bởi một khi mía nhiễm nấm, yếu tố gây bệnh sẽ lan ra toàn thân cây mà mắt thường không nhìn thấy được.
Ngoài mía đỏ, mía có màu đen ở lõi cũng không nên ăn. Lúc này, mía bị nhiễm sâu đục thân. Loại côn trùng này có xu hướng phát triển mạnh vào cuối xuân, ăn sâu vào thân mía khiến chúng trở nên ít nước.