1. Giá trị dinh dưỡng của gạo lứt
Gạo lứt là một loại ngũ cốc nguyên hạt chỉ loại bỏ đi lớp vỏ trấu ngoài cùng. Có nghĩa là thành phần ban đầu của hạt gạo bao gồm: cám, mầm và nội nhũ vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, gạo lứt là thực phẩm giàu chất xơ, giàu dinh dưỡng, bao gồm các chất phytochemical có lợi như chất xơ, khoáng chất, acid amin thiết yếu và flavonoid (chất chống oxy hóa).
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cung cấp thông tin dinh dưỡng cho 1 cốc (khoảng 200g) gạo lứt nấu chín:
Lượng calo: 218
Carbohydrate: 45,8g
Chất xơ: 3,5g
Magie: 85,8mg
Chất béo: 1,6g
Đường: 0g
Natri: 2mg
Chất đạm: 4,5g
Gạo lứt còn chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và acid béo thiết yếu. Loại ngũ cốc nguyên hạt này chứa nhiều khoáng chất, vitamin, chất xơ và protein thực vật và là nguồn năng lượng giải phóng chậm tuyệt vời để giữ cho cơ thể hoạt động trơn tru suốt cả ngày.
Người lớn có thể nhận được tối thiểu 85% nhu cầu mangan chỉ từ một khẩu phần (một cốc) gạo lứt. Mangan là một khoáng chất giúp hỗ trợ sinh sản, chức năng miễn dịch và sức mạnh của xương.
2. Các lợi ích sức khỏe khi ăn gạo lứt
2.1 Gạo lứt giúp giảm cân
Thêm gạo lứt vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể có lợi cho việc giảm cân cũng như ổn định cân nặng. Gạo lứt làm giảm sự hấp thụ calo do hàm lượng chất xơ và cải thiện quá trình đốt cháy calo, 2 yếu tố có tác động tích cực đến việc quản lý cân nặng.
Gạo lứt thường được sử dụng trong một số chế độ ăn giảm cân.
2.2 Gạo lứt điều hòa lượng đường trong máu
Gạo lứt đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách giữ cho lượng đường trong máu ở mức thấp. Nó cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Các nhà khoa học tin rằng lợi ích này là do lớp cám của gạo lứt. Lớp cám này mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn gạo trắng. Ngược lại, điều này sẽ ngăn lượng đường trong máu tăng vọt so với tiêu thụ gạo trắng (trong đó lớp cám bị loại bỏ trong quá trình chế biến).
Ngoài ra, gạo lứt có chỉ số đường huyết (GI) tương đối thấp hơn gạo trắng, nghĩa là nó không khiến lượng đường trong máu tăng nhiều sau khi ăn như gạo trắng.
ThS.BS Nguyễn Thu Yên: Lượng chất xơ trong gạo lứt cao sẽ làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Gạo lứt cũng có chỉ số đường huyết thấp hơn nên sau khi ăn lượng đường trong máu tăng một cách từ từ.
2.3 Gạo lứt tốt cho sức khỏe tim mạch
Tiêu thụ gạo lứt có thể giúp giảm thiểu một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đặc biệt, những yếu tố này bao gồm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và tăng lipid máu.
Ngoài ra, kết quả một nghiên cứu nhỏ về ảnh hưởng của việc ăn gạo lứt đối với các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các dấu hiệu viêm ở 40 phụ nữ trưởng thành chưa mãn kinh bị béo phì hoặc thừa cân đã cho thấy, chế độ ăn có gạo lứt thường xuyên đã được chứng minh là làm giảm đáng kể các dấu hiệu viêm đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
2.4 Tác dụng chống oxy hóa của gạo lứt
Gạo lứt bao gồm một số chất chống oxy hóa, bao gồm flavonoid, hợp chất phenolic và anthocyanin. Chất chống oxy hóa là những hóa chất mạnh có trong thực phẩm như rau và trái cây. Sức mạnh của chúng bắt nguồn từ khả năng ngăn chặn hoặc trì hoãn một số loại tổn thương tế bào.
Ngoài ra, các hợp chất phenolic có trong gạo lứt được biết là có tác dụng bảo vệ tế bào chống lại những tổn thương có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim và ung thư.
Các chất chống oxy hóa giúp gạo lứt trở thành thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch.
2.5 Gạo lứt có lợi cho người không dung nạp gluten
Dị ứng hoặc không dung nạp gluten có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như tiêu chảy, khó chịu ở dạ dày, nôn mửa và đầy hơi ở một số người. Gạo lứt tự nhiên không chứa gluten do đó nó có lợi cho người không dung nạp gluten. Chế độ ăn không chứa gluten cũng có thể giúp ích cho những người mắc một số bệnh tự miễn.
2.6 Gạo lứt tốt cho sức khỏe của xương
Gạo lứt chứa nhiều canxi, mangan và magie, giúp tăng cường sức khỏe của xương. Chỉ trong một chén gạo lứt, bạn sẽ nhận được hơn 20% nhu cầu magie hàng ngày.
Do đó, tiêu thụ gạo lứt như một phần của chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp đảm bảo cung cấp đủ mangan, giúp ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương và thúc đẩy xương khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.
2.7 Chế độ ăn gạo lứt có thể ngăn ngừa ung thư
Theo nghiên cứu khoa học, gạo lứt có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết vì nó có hàm lượng selen cao, giúp thúc đẩy quá trình sửa chữa ADN cũng như tổng hợp trong các tế bào bị tổn thương đồng thời ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Ngoài ra, inositol hex phosphate, một chất hóa học có tự nhiên trong thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm cả gạo lứt, đã được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa ung thư.Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khi chế biến gạo lứt nên ngâm gạo bằng nước ấm ít nhất khoảng 1-2 giờ. Lý do phải ngâm gạo lứt bởi quá trình ngâm giúp loại bỏ asen trong gạo cũng như loại bỏ các chất gây khó tiêu, giúp gạo mềm để dễ nấu và dễ ăn hơn. Nếu nấu với các loại đậu hay nấu cháo gạo lứt yến mạch thì nên ngâm đậu và yến mạch cùng lúc để nấu cùng với gạo lứt.