Nhiều người quan niệm, hầm xương cho ngọt nước và khi nước ngọt nghĩa là các chất bổ trong xương đã ra nước canh hoặc xương chứa nhiều canxi, hầm lâu thì canxi sẽ tan vào nước, dùng nước đó sẽ rất bổ cho xương.
Tuy nhiên thực tế, vị ngọt của nước hầm xương không phải thể hiện sự bổ dưỡng mà đó là sự kết hợp của acid amin tên là glutamin có trong thịt và xương. Sau khi nấu một thời gian nó sẽ kết hợp với muối natri có sẵn trong thực phẩm tạo ra một chất có vị ngọt đặc biệt tên là monosodium glutamate (MSG). Chất tạo ngọt này có cấu trúc như bột ngọt tạo vị ngon và đây là vị thứ 5 có tên là umami mà lưỡi chúng ta cảm nhận được.
Tiếp theo, trong nước hầm xương có tìm thấy một số lượng ít các chất khoáng như: canxi, magie... Tuy nhiên, so với thực phẩm khác như sữa, trứng, cá, các loại hạt... thì nghèo nàn hơn nhiều. Mà bên cạnh đó các chất như photpho, cholesterol trong nước xương hầm lại cao và điều này không tốt cho sức khỏe một số đối tượng như: trẻ nhỏ, người mỡ máu cao, người bệnh vẩy nến, bệnh nhân suy giảm chức năng thận…
Chính vì vậy, nếu muốn bổ sung canxi, thay vì sử dụng nước hầm xương, bạn nên tăng cường tiêu thụ 7 loại rau giàu canxi dưới đây.
Cải chíp
Cải chíp có các thành phần dinh dưỡng rất phong phú, giúp bổ sung canxi dồi dào cho cơ thể. Trong 100g rau cải chíp có tới 105mg canxi. Bên cạnh đó nó còn cung cấp thêm vitamin A, C, folic axit, chất sắt, beta carotin và kali cho cơ thể. Ngoài ra nếu thường xuyên bổ sung trong giai đoạn mang thai, nguồn beta carotene trong cải chíp còn làm giảm nguy cơ ung thư phổi và ruột kết cho bé sau này. Có thể ép cải chíp lấy nước uống hoặc luộc và làm salad đều rất ngon.
Bắp cải
Bắp cải là một nguyên liệu rất phổ biến và có giá thành rất rẻ. Ít ai biết loại rau này có chứa hàm lượng canxi cao ngang với sữa. 100g bắp cải cung cấp 97mg canxi.
Bắp cải cũng là nguyên liệu thực phẩm đặc biệt giàu chất xơ, có lợi ích tích cực trong việc giảm táo bón. Bắp cải còn là thực phẩm bồi bổ và bảo vệ dạ dày, đặc biệt đối với những người có dạ dày không tốt thì nên ăn bắp cải thường xuyên.
Rau diếp
Rau diếp rất giàu canxi, canxi trong rau diếp sẽ giúp cơ thể phát triển và duy trì xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, trong rau diếp còn giàu vitamin A, các vitamin nhóm B và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lão hóa, có lợi cho tim mạch.
Cải xoăn
Khi nói tới bổ sung canxi, nhiều người nghĩ ngay tới uống sữa. Tuy nhiên, trên thực tế, cải xoăn là thực phẩm chứa nhiều canxi hơn so với sữa (90 gram mỗi khẩu phần) và cũng dễ hấp thu hơn so với sữa. Giống như rau diếp, cải bắp, cải xoăn… chứa nhiều vitamin K-là yếu tố hình thành của osteocalcin, giúp tích tụ canxi vào trong xương.
Bông cải xanh
Loại rau này rất giàu các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi và vitamin K, là hai nguyên tố rất quan trọng với sự vững chắc của xương và giúp phòng chống loãng xương. Ngoài ra, chất xơ, protein, crom, carborhydrate, vitamin A,C có trong bông cải đều rất tốt cho sức khỏe và hỗ trợ giảm cân. Cạnh đó, bông cải xanh còn chứa photochemical, chất chống oxy hóa giúp chống bệnh tật và bệnh nhiễm trùng.
Rong biển khô
Rong biển khô là một trong những thực phẩm giàu canxi nhất, trong 100g rong biển khô đã cung cấp 264mg canxi. Ngoài ra, món ăn này còn giàu protein, cứ 100g rong biển khô lại chứa 25-50g protein chất lượng cao. Đặc biệt, chúng còn chứa taurine, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Cách phổ biến nhất để ăn rong biển khô là nấu thành súp, đem lại hương vị đậm đà dù cách chế biến đơn giản.
Tỏi tây
Tỏi tây có chứa nhiều vitamin giúp tăng cường năng lượng (các loại vitamin có trong trứng, sữa, và rau xanh), canxi và kali. Tỏi tây còn là loại thực phẩm giàu folic axit, vitamin nhóm B. Bạn có thể chế biến thêm tỏi tây vào các món ăn như salad, súp hoặc các món xào để vừa cung cấp đủ lượng canxi và vừa tốt cho cơ thể.