Các quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 47.000 ca), Ấn Độ (45.058 ca) và Anh (32.456 ca).
Các quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (863 ca), Nga (799 ca), Iran và Brazil (cùng có 614 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 39,5 triệu ca mắc và khoảng 654.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32,6 triệu ca mắc và 437.860 ca tử vong; Brazil với 20,7 triệu ca mắc và 579.010 ca tử vong.
|
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi biến thể Delta tiếp tục hoành hành khắp thế giới, kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 28/8 cho thấy biến thể này có thể khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 12/2020 và những nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn lên đến 50% so với biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi tháng 9 năm ngoái.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong khi đó, lo ngại về biến thể Delta có thể đảo ngược thành quả phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang lên kế hoạch triển khai tiêm liều vaccine tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của biến thể có khả năng lây nhiễm cao này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về sự cần thiết của việc tiêm liều vaccine thứ ba. Đến nay, các nhà sản xuất vaccine đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định thời gian thực hiện tiêm mũi bổ sung.
Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla cho rằng, “có khả năng” người dân sẽ cần đến liều vaccine thứ ba trong vòng từ 6-12 tháng kể từ khi được tiêm chủng đầy đủ. Sau đó, vaccine sẽ được tiêm chủng hàng năm. Tuy nhiên, tất cả những khả năng này phải xác nhận qua nghiên cứu thực tế, trong đó các biến thể virus sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cuối tháng trước cho biết hãng dược phẩm này chưa có câu trả lời chính xác cho việc cần thiết phải tiêm mũi thứ ba hay không.
Gần đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nước cần trì hoãn tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 bởi cần ưu tiên nâng tỷ lệ tiêm chủng tại những quốc gia mới chỉ có 1% hoặc 2% dân số được hưởng quyền lợi này. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus cũng ủng hộ quan điểm tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhóm đối tượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số thế giới.
Ấn Độ lập kỷ lục tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine trong 1 ngày
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Ahmedabad , Ấn Độ, ngày 28/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 27/8, quốc gia có 1,3 tỷ dân này đã lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1.
Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết: "Vượt qua mốc 10 triệu là một kỳ tích quan trọng. Xin gửi lời chúc mừng đến những người được tiêm và những người đem lại thành công cho chiến dịch tiêm chủng".
Kỷ lục tiêm chủng trước đó của Ấn Độ là 8,8 triệu mũi ghi nhận ngày 21/6. Ông NK Arora, Trưởng nhóm công tác phòng chống COVID-19 của Ấn Độ, nói với The Economic Times rằng nước này có năng lực tiêm nhiều hơn con số nói trên. Ông khẳng định: "Hệ thống có đủ khả năng và có thể tiêm tất cả các vaccine có sẵn. Tôi đã nhiều lần đề cập rằng chúng tôi có khả năng tiêm 12,5 triệu mũi/ngày". Ông Arora nhấn mạnh số mũi tiêm vaccine COVID-19 sẽ tăng trong những tháng tới.
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay nhưng mới chỉ khoảng 15% được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Ấn Độ hiện phê chuẩn 3 loại vaccine gồm Covishield của AstraZeneca-Oxford, Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) và Sputnik V của Nga.
Kể từ sau đợt bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 4-5, dịch COVID-19 tại Ấn Độ đã giảm đáng kể mức độ. Hầu hết các biện pháp ngăn ngừa phòng dịch đã được dỡ bỏ song các chuyên gia cảnh báo một làn sóng dịch mới có thể ập đến vào tháng 9 khi mùa lễ hội bắt đầu.
Số ca mắc COVID-19 hàng tuần ở Malaysia cao kỷ lục
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia,, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Malaysia đã ghi nhận kỷ lục 149.889 ca mắc COVID-19 trong tuần từ 21 đến 27/8, khiến đây là tuần thứ 7 liên tiếp quốc gia này đạt kỷ lục số ca mắc hàng tuần.
Con số trên cao hơn so với con số 149.341 ca mắc mới trong tuần trước đó. Các kỷ lục về ca mắc liên tiếp diễn ra khi Malaysia ghi nhận trên 24.000 ca mắc hàng ngày lần đầu tiên vào ngày 26/8. Cụ thể, Bộ Y tế thông báo có 24.599 ca mắc vào ngày đó. Tới ngày hôm sau, số ca mắc đã giảm xuống 22.070. Số ca mắc hàng ngày ở Malaysia đã liên tục vượt mốc 20.000 ca/ngày từ đầu tháng 8.
Mặc dù số ca mắc mới tăng nhưng số người được xét nghiệm trong tuần vừa qua tại giảm xuống 1,04 triệu, so với con số 1,07 triệu tuần trước.
Trong tuần vừa qua, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng 5,27% lên 1.837 ca – con số ca tử vong hàng tuần cao nhất từ trước tới nay.
Số liều vaccine COVID-19 được sử dụng ở Malaysia đã giảm 10,41%, xuống 3,04 triệu liều trong tuần trước. Tính tới 26/8, Malaysia đã có 33,04 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn quốc. Trong số đó, 18,95 triệu người (58% dân số) đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Philippines gia hạn các biện pháp phòng chống COVID-19
|
Cảnh sát kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại một chốt kiểm soát ở Quezon, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 28/8, Chính phủ Philippines đã gia hạn các biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và một số tỉnh trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 ở vùng đô thị Manila cho đến ngày 7/9. Mặc dù một số cơ sở kinh doanh có thể hoạt động tới 50% công suất, song hoạt động ăn uống bên trong nhà hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và mọi hoạt động tôn giáo vẫn bị cấm tại vùng đô thị Manila, hiện là tâm dịch với số ca mắc chiếm 1/3 và số ca tử vong chiếm 1/4 trong tổng số ca.
Ngoài ra, 9 tỉnh và 6 thành phố khác của Philippines vốn đang đương đầu với số ca mắc gia tăng cũng được áp đặt các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines trong 24 giờ qua có thêm 19.441 ca mới, mức cao nhất lần thứ ba trong 9 ngày qua. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines, Maria Rosario Vergeire dự báo số ca mắc có thể sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Hiện Chính phủ Philippines đặt kỳ vọng phục hồi kinh tế vào chương trình tiêm chủng quốc gia vốn được triển khai từ tháng 3. Cho đến nay, Philippines đảm bảo có được 194,89 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho khoảng 100,5 triệu người (hơn 100% số người trưởng thành của nước này.). Gần 49 triệu liều đã được giao trong khi 42 triệu liều khác sẽ đến trong vòng 1 tháng.
Nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới ở Sydney (Australia) vẫn tăng cao
|
Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Sydney, Australia, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Sau 9 tuần phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ ba, bang New South Wales (NSW), nơi có thủ phủ là thành phố Sydney sầm uất nhất Australia, vẫn đang phải chứng kiến số ca mắc mới không ngừng tăng, với mức kỷ lục là 1.035 ca vào ngày 28/8.
Trong năm nay, bang NSW với hơn 9 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số Australia, đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương, phần lớn được báo cáo trong đợt bùng phát mới nhất của bang, bắt đầu từ ngày 16/6.
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian cho biết tỷ lệ lây nhiễm thực tế (Reff) ở bang đang ở mức 1,3. Điều này có nghĩa là cứ 10 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, sẽ có khoảng 13 người khác bị nhiễm bệnh. Một khi Reff duy trì trên 1, số ca mắc hằng ngày sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Phát biểu với đài ABC, Giáo sư Catherine Bennett, Chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin, cho biết lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế xã hội được áp dụng nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus và giảm Reff xuống dưới 1 nhưng mục đích này chưa đạt được do biến thể Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn ít nhất hai lần so với các biến chủng trước đó, khiến khó kiểm soát dịch bệnh hơn. Ngoài việc dễ lây lan hơn và lây lan nhanh hơn, Giáo sư Bennett còn cho rằng nhiều người nhiễm virus lại không có triệu chứng trong vài ngày trước khi biết mình đang lây nhiễm cho người khác. Điều này làm cho nhiệm vụ truy vết người tiếp xúc trở nên vô cùng khó khăn.
Bên cạnh những thách thức mà biến thể Delta gây ra, một số chuyên gia cho rằng số ca mắc cao ở bang NSW là do việc áp dụng quá chậm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Ngay cả với "phản ứng có tổ chức", biến thể Delta không phải lúc nào cũng có thể được ngăn chặn, đặc biệt nếu virus đã phát tán trong cộng đồng và mối liên hệ giữa các ca nhiễm không rõ ràng.
Số ca tử vong tại Nga cao hơn so với thống kê
|
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 18/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Nga, Cơ quan thống kê liên bang Rosstat ngày 27/8 cho biết nước này ghi nhận 50.421 ca tử vong vì COVID-19 trong tháng 7 vừa qua, cao hơn gấp đôi con số chính thức mà chính phủ đưa ra (với 23.349 ca).
Nguyên nhân khiến con số chênh lệch như vậy là vì Chính phủ Nga chỉ tính những trường hợp tử vong do COVID-19 sau khi khám nghiệm tử thi, trong khi Rosstat công bố số liệu tổng hợp hơn về số ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2.
Theo đó, số liệu của Rosstat cho thấy đến nay, Nga có tổng cộng trên 350.000 người không qua khỏi vì dịch bệnh này, trong khi con số của chính phủ thấp hơn nhiều với 180.041 ca.
Nga là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về số ca bệnh và hiện đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta trong khi tốc độ tiêm chủng chậm chạp.
Các nước châu Phi nhận thêm vaccine của Trung Quốc
|
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phó Tổng thống Uganda, bà Jessica Alupo, ngày 27/8 cho biết nước này sẽ được nhận thêm 300.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Con số này bằng với số vaccine của Sinovac mà Uganda đã nhận trước đó.
Phó Tổng thống Alupo cho biết Chính phủ Uganda hoan nghênh sự phát triển của quan hệ giữa hai nước. Trước đó, từ ngày 25/8, các cửa hàng y tế quốc gia của Uganda đã bắt đầu phân phối vaccine của Sinovac trên toàn quốc.
Bộ Y tế Uganda đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho 22 triệu người, chiếm gần một nửa dân số, để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 3 đến nay, nước này mới tiêm được 1,35 triệu liều vaccine và hy vọng sẽ nhận được ít nhất 12,3 triệu liều vào đầu năm sau để phục vụ cho mục tiêu tiêm chủng quốc gia.
Ngoài Uganda, Nam Sudan cũng sắp nhận được 100.000 liều vaccine từ công ty Sinopharm của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Nam Sudan, ông Deng Dau Deng Malek, cho biết Trung Quốc đã chấp thuận chuyển giao vaccine cho nước này và số vaccine trên sẽ giúp Bộ Y tế Nam Sudan có thể tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho người dân.
Trước đó, Nam Sudan đã triển khai tiêm vaccine của hãng AstraZeneca nhưng phải tạm dừng từ tháng trước do hết thuốc.